Những thay đổi chóng mặt của làng thời trang trong đại dịch Covid-19
Những biến đổi “chóng mặt” từ những sự kiện tẩy chay cho đến doanh thu vượt bậc trong ngành thời trang giữa đại dịch Covid-19 thu hút sự chú ý của lượng lớn công chúng quan tâm.
Từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, các hãng thời trang phải gồng mình để thích ứng với “cuộc sống mới” để đảm bảo doanh thu, tránh lỗ hay nợ nần. Những “điểm sáng” và “điểm tối” trong ngành thời trang thế giới hiện nay đang được chú ý đến sẽ được Saostar tổng hợp lại để cho các tín đồ có cái nhìn tổng quát hơn.
Hàng loạt túi hiệu Hermès, Louis Vuitton, Dior, Chanel tăng giá
Theo tờ Vogue Business, vì tình hình dịch bệnh nên nhu cầu mua online tăng cao, đặc biệt là khách hàng khu vực ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, Chanel tại Mỹ chính thức tăng từ ngày 25/1, loạt túi Chanel Classic Flap, Classic Small Flap tăng giá đồng loạt trong khoảng 3,9-6,9%. Những dòng khác cũng được điều chỉnh giá tương tự.
Việc tăng giá là biện pháp hiệu quả để cân bằng về các khoản thiệt hại của thương hiệu trong bối cảnh đại dịch vẫn còn diễn biến phức tạp. Tiếp nối Chanel là Dior và Louis Vuitton cũng đã đẩy giá bán của những dòng túi hot hit.
Điển hình là các dòng túi như Lady Dior, Dior Saddle, Dior Book Tote tăng giá 5,6-20% tùy vào kích thước và mẫu mã mà khách hàng chọn lựa.
Song song, best seller của nhà LV là dòng túi Multi Pochette, chính vì rất được lòng các fashionista nên hãng đã tăng 10% so với năm ngoái.
Cứ tưởng dịch ai cũng sẽ tiết kiệm tiền thế mà hãng túi xa xỉ Hermès vừa báo cáo doanh thu vừa qua trong Quý 1 tăng tận 94% tại thị trường Châu Á ( chưa bao gồm nước Nhật), góp phần lớn doanh số “khủng” này chả ai khác đó chính là xứ sở đông dân Trung Quốc.
Hai dòng túi Hermès Kelly và Birkin vẫn luôn là “át chủ bài” của hãng thời trang Pháp, đặc biệt là dòng da exotic skin.
Cũng trong đầu năm nay, dòng túi xách Hermès tăng giá tại thị trường châu Âu trong mức tối thiểu 1-3%.
Hãng thời trang H&M dính phốt liên tục, bị tẩy chay diện rộng
Từ sự kiện Bông Tân Cương cho đến vụ đường lưỡi bò trên bản đồ đã giúp thương hiệu H&M được thêm vào blacklist tại thị trường Trung Quốc lẫn cả Việt Nam.
Trước đó, theo tờ Reuters, hãng thời trang đến từ Thụy Điển đang chuẩn bị cho khoản lỗ trong quý sau khi đại dịch làm giảm 88% lợi nhuận năm 2020. Giờ thêm scandal nổ ra ở Trung Quốc đang khiến thương hiệu lao đao hơn khi đây chính là vùng đất “màu mỡ” kiếm tiền của H&M.
Thậm chí, netizen xứ Trung cho rằng hãng thời trang này đại diện cho sự xui xẻo khi bất kì cặp đôi Cbiz nào mà chụp hình quảng bá cho H&M đều sau này “đường ai nấy đi”.
Sao Châu Á ồ ạt làm đại sứ toàn cầu cho các hãng thời trang lâu năm
Loạt thành viên nhóm Black Pink đồng loạt làm đại sứ cho các brand xa xỉ giúp các thương hiệu tăng doanh thu nên các hãng thời trang khác đã bắt đầu học hỏi theo.
Điển hình là brand trang sức lâu năm ở Mỹ Tiffany & Co đã mời diễn viên kiêm ca sĩ Dịch Dương Thiên Tỉ là đại sứ toàn cầu của hãng sau khi chứng kiến doanh thu vượt bậc tại thị trường đông dân và sức hút của thành viên TFBOYS.
Kế tiếp, nữ idol Rosé Black Pink trở thành đại sứ toàn cầu Tiffany & Co sau Dịch Dương Thiên Tỉ. Hãng rất biết đánh mạnh về sở thích của người tiêu dùng hiện nay và “trọng dụng” dàn sao Á Đông trong các chiến dịch của mình, đẩy tên “nhân vật” trên mọi mặt trận truyền thông.
Bên cạnh đó, BTS là nhóm nhạc nam Châu Á đầu tiên được Louis Vuitton mời về với tư cách đại sứ mới của hãng (House Ambassadors). Đây là một tin rất vui cho các khán giả xứ sở kim chi khi ngôi sao nước họ được nhãn hàng Pháp vô cùng ưu ái.