Mục tiêu giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5°C đã được đặt ra cho các bên tham gia Hiệp định Paris thất bại hoàn toàn. Đáng lẽ, Hội nghị COP26 phải công bố các cam kết bổ sung và hứa sẽ bù đắp thời gian đã mất. Nhiều khả năng, hội nghị thượng đỉnh về khí hậu sẽ thảo luận về quá trình khử cacbon hoàn toàn. Nhưng, các nhà khoa học cảnh báo rằng, ngay cả sau khi đạt được một mục tiêu đầy tham vọng như vậy, nhân loại vẫn không thể cảm nhận được bất kỳ sự thay đổi tích cực nào trong thế kỷ này. Sức ỳ của hệ thống khí hậu toàn cầu là quá lớn.
Sự nóng lên toàn cầu
Sau khi ký kết Thỏa thuận Paris vào năm 2015, các bên tham gia, trên thực tế tất cả các quốc gia trên thế giới, đã đồng ý triệu tập thường lệ 5 năm một lần và điều chỉnh kế hoạch của họ. Tất nhiên là theo hướng siết chặt các biện pháp. Cuộc họp đầu tiên như vậy dự kiến vào năm 2020 đã bị hoãn lại do đại dịch. Cuối cùng, cuộc họp đã diễn ra vào ngày 1-2 tháng 11 trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Tuy nhiên, các kế hoạch vẫn không được thực hiện.
Phát biểu tại cuộc họp báo vào ngày 26/ 10, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết:“Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là diễn ra hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ở Glasgow, mà chúng ta vẫn đang trên con đường dẫn đến thảm họa khí hậu. Các cam kết được đưa ra cho đến nay chỉ có thể giảm lượng phát thải dự báo vào năm 2030 khoảng 7,5% so với những cam kết trước đó. Để đạt được các mục tiêu của chúng tôi, theo báo cáo đã trình bày, chúng tôi cần phải tăng các cam kết lên gấp bảy lần”.
Tài liệu chủ đạo cho COP-26 là Báo cáo thứ sáu (AR6) của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) – Cơ sở Khoa học Vật lý về Biến đổi Khí hậu được xuất bản vào tháng 8.
Các nhà khoa học đã phân tích kết quả của các nghiên cứu gần đây và đưa ra một kết luận đáng thất vọng: nếu không thể giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và nếu nhiệt độ trung bình trên hành tinh sẽ tăng hơn hoặc vượt quá 1.5 độ C, thì hiện tượng ấm lên toàn cầu sẽ trở nên không thể đảo ngược. Các chuyên gia đã rút ra kết luận này dựa trên hơn 14 nghìn nghiên cứu được thực hiện trong những năm gần đây.Trong báo cáo mới, mối tương quan giữa tác động của con người đối với khí hậu và sự gia tăng nhiệt độ thậm chí còn rõ ràng hơn. Đây là lần đầu tiên các chuyên gia đã có thể tách sự gia tăng liên quan đến yếu tố con người khỏi thành phần tự nhiên. Báo cáo của các nhà khoa học chỉ ra rằng, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do các hoạt động của con người là nguyên nhân gây ra hiện tượng ấm lên khoảng 1,19 °C trong khoảng thời gian từ năm 1850 – 1900, trong đó 0,05 °C là do nguyên nhân tự nhiên, còn lại 1,14 °C là do các hoạt động của con người. Nghiên cứu cho thấy rằng, trung bình trong 20 năm tới, nhiệt độ toàn cầu sẽ đạt hoặc vượt quá 1,5°C.
Đến một điểm không thể trở lại
Các tác giả của báo cáo nhận định rằng, con người đã và đang làm thay đổi khí hậu một cách không thể đảo ngược, và nhiều điều là hoàn toàn chưa từng có. Nồng độ khí nhà kính trong khí quyển đã tăng đến mức kỷ lục trong 125 nghìn năm qua. Ngay cả nếu việc khử cacbon hoàn toàn được đảm bảo ngay bây giờ, thì nhiệt độ vẫn sẽ tiếp tục tăng ít nhất cho đến năm 2050 do sức ỳ của hệ thống khí hậu toàn cầu, và nhiều thế hệ sẽ phải hứng chịu những hậu quả của việc này.Báo chí của IPCC nhấn mạnh: “Một số thay đổi, chẳng hạn như mực nước biển dâng cao, là không thể đảo ngược trong hàng trăm hoặc hàng nghìn năm”.
Các nhà khoa học từ Trung tâm nghiên cứu Nam Cực thuộc Đại học Victoria ở Wellington đã xác nhận kết luận trên của các chuyên gia Liên Hợp Quốc. Các mô hình máy tính do các nhà khí hậu học New Zealand tạo ra đã chỉ ra rằng, ngay cả sau khi đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, các tảng băng ở Nam Cực sẽ tiếp tục tan chảy trong vài thế kỷ tới.
Hậu quả có thể rất khác nhau. Theo một trong những kịch bản, nếu các sông băng ở Tây Nam Cực bị tan chảy vào các đại dương, mực nước biển sẽ sớm dâng cao.Theo tính toán của các chuyên gia, để hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp, cần phải cắt giảm gần một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Và nếu mọi thứ được giữ nguyên như hiện tại, vào cuối thế kỷ này, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm 2,7 độ C.Trong mọi trường hợp, các đợt nắng nóng, hạn hán kéo dài, hỏa hoạn, lũ lụt, bão cuồng phong sẽ ngày càng thường xuyên hơn, ngay cả ở những vùng mà trước đây các hiện tượng như vậy đã là rất hiếm. Nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm hai độ, số lượng thiên tai sẽ tăng gấp đôi, và nếu thêm ba độ, số thảm hoạ thiên nhiên sẽ tăng gấp bốn lần.
Hoàn toàn khử cácbon
Theo các chuyên gia LHQ, cần phải hành động trước khi quá muộn, cần phải tìm kiếm những giải pháp căn cơ mới. Một lựa chọn là không phát thải CO2. 86 quốc gia, trong đó có 27 thành viên EU, đã cam kết đạt mục tiêu đưa phát thải ròng cácbon về mức 0 vào năm 2050. Các quốc gia này chiếm hơn một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và một phần ba dân số thế giới. Vào cuối thế kỷ XXI, các biến pháp này sẽ làm chậm quá trình ấm lên toàn cầu 0,5 độ C. Nhưng 2,2 độ C sẽ vẫn còn.
Mặc dù mục tiêu hoàn toàn khử cácbon là ý tưởng chính của chương trình nghị sự về môi trường, nhiều nhà khoa học nghi ngờ về tính khả thi của nó. Ví dụ, các chuyên gia khí hậu và năng lượng từ Thụy Điển, Na Uy và Áo đã rút ra kết luận rằng, để đạt được mục tiêu giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5°C, mức tiêu thụ năng lượng cần phải giảm mạnh chưa từng thấy, mà không nền kinh tế nào trên thế giới có thể chịu được.
Tất cả các quy trình sản xuất và dịch vụ hậu cần phải rất nhanh chọng trong vòng vài năm chuyển đổi công nghệ mới, công nghệ sạch thân thiện với môi trường, nhưng, trên thực tế nhiệm vụ này là rất khó, đặc biệt là khi than vẫn được sử dụng rộng rãi ở châu Á. Tiền lệ lịch sử duy nhất là vào những năm 1970-1980, khi các nước châu Âu ồ ạt chuyển sang sử dụng năng lượng nguyên tử.
Tiềm năng của khí mêtan
Một cách tiếp cận khác là giảm phát thải khí mêtan – một loại khí nhà kính mạnh giữ nhiệt nhiều hơn CO2. Tổng lượng phát thải khí mêtan (40% là nguồn tự nhiên, 60% là do con người) thấp hơn đáng kể so với lượng khí carbon dioxide, nhưng đóng góp vào hiệu ứng nhà kính là đáng kể – 16%. Carbon dioxide chiếm 66%, nhưng, lượng khí thải CO2 tồn tại hàng trăm năm trong bầu khí quyển, trong khi mêtan chỉ tồn tại 10-12 năm, vì vậy có thể xảy ra hiệu ứng nhanh chóng ở đây.
Các chuyên gia ước tính rằng, chỉ những biện pháp kỹ thuật hợp lý, không đòi hỏi chi phí lớn mới có thể làm giảm lượng khí thải mêtan do con người gây ra xuống 20% trong một năm và nếu thay đổi các công nghệ thì sẽ giảm 45%.
Trong khi đó, nồng độ khí nhà kính trong bầu khí quyển tiếp tục tăng ở mức kỷ lục. Theo báo cáo vừa được công bố của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), vào năm 2020 đã ghi nhận một kỷ lục mới. Khí CO2 đạt 413,2 phần triệu trong khí quyển và hiện là 149% mức tiền công nghiệp, mêtan – 262%, oxit nitơ – 123%. Và điều này bất chấp việc cắt giảm lượng khí thải tạm thời do đại dịch.
Hà Thu (Tổng hợp)