Kết nối với chúng tôi

Thời sự Thể thao

Xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại

Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, ý nghĩa sống còn trước mắt và lâu dài đối với lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm, có tác động nhanh chóng, mạnh mẽ và sâu sắc tới mọi phương diện của đời sống xã hội.

Sáng ngày 25/6, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị công tác truyền thông, báo chí của Bộ VHTTDL với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, báo chí của Bộ”. Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng, tính hiệu quả, đề xuất các giải pháp cho công tác truyền thông, báo chí trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 cũng như thời gian  tới.

Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, các Thứ trưởng: Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thủy, Hoàng Đạo Cương, Đoàn Văn Việt; lãnh đạo các cơ quan báo chí lớn, các nhà báo tên tuổi cùng lãnh đạo các đơn vị báo chí trực thuộc Bộ VHTTDL. Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Lê Thị Hoàng Yến dự Hội nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu đề dẫn tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, năm 2021 là một năm hết sức quan trọng, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và là năm mở đầu cho việc xây dựng thể chế chính sách của ngành VHTTDL. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, Bộ VHTTDL đã tham mưu cùng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 50 về thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ; Gấp rút hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền ban hành Chiến lược Văn hóa Việt Nam giai đoạn 2020 – 2026 và tầm nhìn 2030.

Chương trình hành động phát triển Du lịch Việt Nam 2020 – 2026 theo hướng tiếp cận bình thường trong điều kiện mới. Rà soát lại toàn bộ Chiến lược phát triển TDTT để xây dựng một Chiến lược mới trong đó đặt trọng tâm là nhấn mạnh về thể thao quần chúng, trên cơ sở đó lựa chọn, phát triển bồi dưỡng và tập trung cho thể thao thành tích cao.

Để thực hiện những được nhiệm vụ này, Bộ VHTTDL nhận thức được rằng cần phải đổi mới công tác truyền thông và nâng cao chất lượng báo chí của Bộ; Đánh giá và định vị lại hệ thống báo chí của Bộ đang quản lý và công tác truyền thông của Bộ trong thời gian qua. Khẳng định những kết quả đạt được cũng như chỉ ra những khó khăn, hạn chế và phải trả lời cho được những câu hỏi đang đặt ra đối với ngành VHTTDL.

Vấn đề đặt ra đối với Cơ quan báo chí của Bộ đó là thời gian qua các cơ quan báo chí của Bộ đã thực hiện đúng vai trò là cơ quan dẫn nguồn các hoạt động VHTTDL hay chưa? đã lan tỏa được những giá trị tốt đẹp của tổ chức và giá trị căn bản cốt lõi, căn bản của văn hóa Việt Nam ra toàn xã hội hay chưa? Trong đó, báo chí của Bộ phải là cơ quan trọng yếu thực hiện nhiệm vụ này và đặc biệt là cơ chế phối hợp với các cơ quan truyền thông khác để thực hiện đầy đủ các nội dung đó.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong muốn các đại biểu thẳng thắn đưa ra những đánh giá, ý kiến đóng góp vào kết quả, hạn chế của công tác truyền thông báo chí của Bộ thời gian qua. Trên tinh thần cầu thị, các cơ quan báo chí của Bộ phải nhìn nhận một cách thấu đáo những bất cập, những khó khăn để từ đó có những kiến nghị một cách xác đáng với các cơ quan có thẩm quyền để cùng nhau tháo gỡ.

Quan trọng hơn, là nhìn nhận một cách tổng thể công tác báo chí, truyền thông của Bộ trong năm năm tới, cần phải đưa thông điệp gì đến với nhân dân, làm sao để lan tỏa được những giá trị cốt lõi của văn hóa, để văn hóa trở thành động lực của sự phát triển, là sức mạnh nội sinh như Bác Hồ kính yêu đã căn dặn “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Các đại biểu cũng được nghe tham luận của lãnh đạo các cơ quan báo chí lớn. Trong đó, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: báo chí là một bộ phận của văn hóa, văn hóa chính là môi sinh và dưỡng chất của báo chí. Quan hệ giữa báo chí và văn hóa là sự gắn bó, là mối quan hệ hữu cơ, báo chí truyền tải thông tin cũng là truyền tải văn hóa.

Xác định rõ hơn các nội dung cần thông tin, trực tiếp là các kế hoạch trong ba lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch từ khi xây dựng chính sách đến khi triển khai, công tác kiểm tra giám sát và thực hiện, trong đó đặc biệt quan tâm đến khía cạnh phê bình và phản biện của báo chí. Cung cấp cho báo chí một cách nhanh chóng kết quả đạt được của ngành trên tinh thần lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đầy lùi cái xấu…

Ông Hồ Quang Lợi cũng đề nghị Bộ VHTTDL tiếp tục duy trì và phát triển các giải báo chí về văn hóa và Hội Báo chí Việt Nam sẵn sàng phố hợp với Bộ VHTTDL tổ chức tốt các giải này; Tổ chức các đợt tập huấn cho các phóng viên chuyên ngành viết về văn hóa; Thường xuyên tổ chức hội thảo liên quan tới các hoạt động trong lĩnh vực VHTTDL, nhất là các vấn đề nóng…

Phó Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam Phạm Mạnh Hùng dưới góc độ là cơ quan truyền thông chủ lực của Chính phủ cũng như có nhiều trải nghiệm trong quan hệ hợp tác với Bộ VHTTDL, đánh giá cao ý nghĩa của việc tổ chức Hội nghị, đặc biệt là trong hoàn cảnh báo chí truyền thông thay đổi với tốc độ nhanh như hiện nay. Bộ VHTTDL cần tích cực, chủ động trong tương tác với báo chí, định hướng báo chí. Bên cạnh đó, xây dựng các chương trình truyền thông trọng điểm theo ưu tiên sẽ phát huy được sức mạnh truyền thông của Bộ VHTTDL.

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, ông Lê Hải Bình – Phó trưởng Ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Vụ trưởng Vụ Thông tin đối ngoại và hợp tác quốc tế, Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao những kết quả đạt được của Bộ VHTTDL trong lĩnh vực truyền thông, báo chí.

Mặc dù nhiều hoạt động phong phú của ngành đã được truyền tải, quảng bá và được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19, song bên cạnh đó còn rất nhiều điều mà ngành VHTTDL đã làm được tuy nhiên chưa được dư luận biết đến.

Ông Lê Hải Bình cũng đưa ra những kiến nghị đề xuất liên quan tới lực lượng truyền thông của ngành. Theo đó, cần coi lực lượng hàng vạn nhà báo của Hội báo chí Việt Nam là lực lượng của Bộ VHTTDL, bên cạnh đó còn có lực lượng cán bộ, các ca sĩ, nghệ sĩ, VĐV nổi tiếng nếu được định hướng tốt đều có thể làm công tác truyền thông báo chí cho ngành.

Về phương thức truyền thông, ông Lê Hải Bình chia sẻ, cơ chế cung cấp thông tin cho báo chí cần được tiến hành thường xuyên như: gặp mặt báo chí, họp báo định kỳ, phỏng vấn, bản tin cung cấp thông tin định kỳ, hội thảo, tọa đàm cũng là hình thức cung cấp thông tin rất hiệu quả.

Các đơn vị, đặc biệt là các Tổng cục của Bộ VHTTDL phải coi công tác truyền thông báo chí là công tác quan trọng và cần đẩy mạnh hơn nữa, nên có kế hoạch truyền thông định kỳ. Cơ chế xử lý khủng hoảng truyền thông là nội dung cực kỳ quan trọng, là câu chuyện cần phải quan tâm.

Theo ý kiến của Cục trưởng Cục Báo chí Bộ Thông tin truyền thông Nguyễn Thanh Lâm: ngành VHTTDL trong quá trình nắm bắt và điều chỉnh tương tác với truyền thông, cần có công cụ đo đếm. Bên cạnh đó cần chọn hình thức thông tin, chọn thời điểm phù hợp để thu hút sự quan tâm của báo chí.

Xây dựng hình ảnh Đại sứ văn hóa cho ngành, truyền được cảm hứng về lối sống tốt. Ngành văn hóa cần có chiến lược, có thể phối hợp với các Bộ, ngành khác trong việc quảng bá hình ảnh đất nước…

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao kết quả mà hội nghị đạt được, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến xác đáng để bổ sung vào các nhóm nhiệm vụ giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác báo chí, truyền thông của ngành.

Đây là lần đầu tiên Bộ tổ chức một Hội nghị có quy mô cấp Bộ có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo các cơ quan báo chí lớn, đề cập một cách tổng thể về ý nghĩa to lớn của công tác báo chí, truyền thông. Từ các cách tiếp cận và đánh giá khác nhau, tuy nhiên tựu chung lại văn hóa là một vấn đề rộng lớn.

Tiếp cận, hiểu, vận hành và xây dựng văn hóa là cả quá quá trình lâu dài, bền bỉ và có nhiều giải pháp trong đó giải pháp truyền thông thông qua phương tiện báo chí là giải pháp có tính căn cơ có thể lan tỏa toàn bộ sức mạnh nội sinh của văn hóa.

Bộ VHTTDL ghi nhận những đóng góp từ các đại biểu dự hội nghị, để có được những giải pháp căn cơ, bài bản. Ý thức một cách đầy đủ để truyền thông của Bộ tiếp cận theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại thì phải bắt đầu từ những việc làm cụ thể, làm từ việc dễ đến khó, từ cơ bản đến phức tạp. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng mong muốn các cơ quan báo chí của Bộ định vị lại công tác truyền thông, công tác báo chí; có cơ chế phối hợp tốt để đưa công tác báo chí, truyền thông phát triển xứng tầm với vị trí của nó.

“Chúng ta có một lực lượng nòng cốt các nhà quản lý giỏi, những nghệ sĩ tài năng, những cầu thủ xuất sắc… cần phải biết phát huy lực lượng này thế nào? Nhiệm vụ của chúng ta là cần hình thành được các nhóm, lan tỏa những giá trị tích cực mà mạng xã hội đem lại.

Rộng hơn  nữa, mỗi một cán bộ của ngành VHTTDL phải biết cách sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, các cơ quan của Bộ cần chủ động trong việc cung cấp thông tin, coi đó là trách nhiệm của mỗi Tổng cục, Cục, Vụ, đổi mới cách tiếp cận, không cứng nhắc, không hành chính hóa, để thông tin cung cấp phải được khách quan, minh bạch, có như vậy mới đạt được hiệu quả và mục tiêu hướng tới”. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh

Ngoài yếu tố nội lực là quan trọng cần chú trọng tới yếu tố ngoại lực, chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí lớn, có tầm ảnh hưởng cao, trên cơ sở sức mạnh của hai phía để lan tỏa những thông điệp mong muốn. Chủ động hơn nữa trong việc kết nối với Hội Nhà báo Việt Nam để giúp cho Bộ VHTTDL có nhiều tin bài, lan tỏa những điều tốt đẹp.

Đối với thể thao, vấn đề không mới nhưng cần nhận thức thể thao cho mọi người, ngoài việc chúng ta thấy được, yên tâm được thể thao trong lực lượng vũ trang, bồi dưỡng thể chất trong nhà trường thì vấn đề hiện nay là thể thao cho mọi người tiếp cận theo hướng nào? Phải hình thành cho được, phải số hóa cho được các bộ môn thể thao phù hợp và kịp thời cập nhật.

Chỉ khi chúng ta sử dụng số hóa, biên tập các bài tập, phổ biến đến từng đối tượng, thì vị thế của ngành thể thao mới có chỗ đứng thực sự trong lòng nhân dân. Phải chú ý đến lực lượng huấn luyện viên theo mô hình tự nguyện, tự quản, huấn luyện viên do cộng đồng dân cư đề xuất, chúng ta bồi dưỡng nghiệp vụ họ, từ tư tưởng đó chúng ta có được các mô hình, có được cuộc vận động đi vào thực chất đó là cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện TDTT theo gương bác Hồ vĩ đại”, thực hiện được Đề án nâng cao thể lực tầm vóc người Việt Nam mà lâu nay Đảng và Nhà nước đã kỳ vọng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định với sự yêu quý, đồng hành cùng các cơ quan báo chí, truyền thông, nhất định văn hóa, thể thao và du lịch sẽ đạt được những kết quả nhất định, theo kịp sự phát triên của đất nước.

Văn Hiền

Xem thêm Thời sự Thể thao