Kết nối với chúng tôi

Thể thao

Điều ít biết về đô cử Lê Văn Công từng phá vỡ kỷ lục thế giới Paralympic 2016

Trong ngày thi đấu thứ hai của Thế vận hội dành cho người khuyết tật lần thứ 16 (Paralympic Tokyo 2020), đoàn thể thao khuyết tật Việt Nam sẽ có 3 vận động viên (VĐV) tranh tài.

Điều ít biết về lực sỹ khuyết tật Lê Văn Công

Trong đó, phải đến đô cử Lê Văn Công được kỳ vọng sẽ mang về tấm huy chương cho đoàn Việt Nam khi anh từng là người giữ kỷ lục thế giới ở nội dung thi đấu này vào 2016.

Cũng tại kỳ Paralympic Tokyo 2020 chỉ với 5 tuần tập luyện và vẫn bị ảnh hưởng bởi chấn thương nhưng lực sỹ Lê Văn Công đã giành tấm HCB môn môn cử tạ Paralympic Tokyo sau phần thi đấu đầy ấn tượng ở hạng dưới 49kg nam. Sau đây chúng cùng khám phá đôi nét về đô cử Lê Văn Công từng phá vỡ kỷ lục thế giới Paralympic 2016.

Sinh ra trong một gia đình nghèo của vùng quê gian khó Hà Tĩnh có tới 5 anh em trai, Công bị khuyết tật bẩm sinh từ lúc chào đời do mẹ anh bị sốt xuất huyết khi mang thai. Chuỗi ngày cơ cực, đầy mặc cảm của Công tưởng như kéo dài vô tận, phía sau lũy tre làng.

Năm 19 tuổi, ý thức được trách nhiệm bản thân, Lê Văn Công đã một mình vào Thành phố Hồ Chí Minh để học kỹ thuật tại trường dạy nghề cho người khuyết tật…

Lực sỹ khuyết tật Lê Văn Công hạnh phúc bên gia đình

Lúc đó anh vừa học vừa xin làm thêm ở các xưởng mộc gần trường để chi trả cho cuộc sống. Ra trường, Lê Văn Công tiếp tục học thêm khóa chỉnh sửa hình ảnh trên vi tính ở CLB khuyết tật trẻ vừa nhận các văn bản về đánh máy kiếm thêm với mức thu nhập chẳng đáng là bao.

Công tiếp tục tham gia lớp học tại một CLB hướng nghiệp khuyết tật trẻ của Thành phố. Từ đây, anh được giới thiệu vào tham gia tập luyện TDTT, rèn luyện sức khỏe của CLB Cử tạ tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao Tân Bình. Cơ duyên với cử tạ từ đó, hàng ngày vừa tranh thủ làm thêm, vừa tập tạ. Do suốt 20 năm trước đó Công sử dụng đôi tay làm thay những công việc của đôi chân, nên chuyện nâng tạ với anh quá dễ.

Bước ngoặt trong sự nghiệp vận động viên của Lê Văn Công bắt đầu khi anh may mắn được HLV Nguyễn Hồng Phúc (PGĐ Trung tâm Văn hóa – Thể thao quận Tân Bình, TPHCM) trực tiếp huấn luyện. Sau 1 năm, anh được chọn tham gia Giải Thể thao người khuyết tật toàn quốc và đoạt HCB ở hạng cân 48kg. Nhờ vào niềm đam mê, lòng quyết tâm và sự bền bỉ, Lê Văn Công đã có những bước thăng tiến không ngừng trong sự nghiệp.

Tính đến thời điểm, Lê Văn Công là một trong những cái tên nổi bật của làng thể thao nước nhà. Lực sĩ sinh năm 1984 đã mang về cho đoàn thể thao Việt Nam tấm HCV ở hạng 49kg tại Giải Vô địch cử tạ người khuyết tật thế giới 2017 diễn ra tại Mexico.

Người vợ hiền giúp anh vượt lên số phận

Năm 2006, anh gặp Chu Thị Tám khi chị mới từ Nghệ An vào TPHCM lập nghiệp. Sau 2 năm tìm hiểu, cùng nhau vượt nhiều khó khăn, cách trở, cả 2 đã về chung một nhà. Hiện tại, anh đã có 2 người con trai. Sau những chuyến du đấu dài ngày, lực sĩ Lê Văn Công lại trở về cùng vợ con để tận hưởng những phút giây yên bình. Với anh, gia đình luôn là nơi đầy ắp tiếng cười.

Chị Tám vợ anh Công không nghĩ chồng sẽ là nhà vô địch và cũng chưa một lần nghĩ mình lấy anh để được nổi tiếng bởi chị yêu chính con người nghị lực, luôn vượt lên số phận của đô cử Lê Văn Công.

Chị Tám, một người con của vùng đất Nghệ An, cuộc sống quê nhà khó khăn buộc chị phải xa xứ lập nghiệp. Giữa Sài Gòn rộng lớn, cuộc sống lại run rủi chị và đô cử Lê Văn Công gặp nhau trong một lần họp bạn. Ngày đó chị mới 17 tuổi.

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc của đô cử Lê Văn Công.

Quen nhau một thời gian, hai người nảy sinh tình cảm. Nhưng vì mặc cảm bản thân, phải mất một thời gian dài Công mới thổ lộ tấm lòng cho người mình yêu. Dù đang tuổi thanh xuân lại có khuôn mặt ưa nhìn và được nhiều người theo đuổi nhưng chị Tám vẫn đón nhận tấm lòng của Công. Bởi chị nhận ra ở người đàn ông tật nguyền này chứa đựng một ý chí mạnh mẽ, luôn cố gắng vượt lên số phận.

Sau một thời gian, gia đình của chị Tám biết chuyện ra sức phản đối vì sợ con gái cực khổ khi yêu người khuyết tật nên bắt chị về quê để không còn gặp mặt anh. Điều này đã khiến Công suy sụp rất nhiều. Nhưng với niềm tin và trực quan của người phụ nữ, chị Tám vẫn kiên định trong mối duyên này nên đã dần thuyết phục cha mẹ cho được quen Công.

Dịp Tết năm 2008, chị Tám gọi báo tin mừng: “Bố mẹ kêu anh về ra mắt”. Quá bất ngờ, chàng đô cử khi đó đang ở Hà Tĩnh bỏ lại mọi chuyện, tức tốc ra huyện Nghi Lộc (Nghệ An) để ra mắt gia đình người yêu. Và rồi, một thời gian sau anh chị đã cùng chung tay xây dựng tổ ấm. Nhắc lại chuyện tình con gái, bà Nguyễn Thị Quảng (mẹ chị Tám) kể: “Lúc hai đứa nói chuyện cưới xin, tôi không hỏi gì nhiều bởi đã biết tính con mình, quyết làm cái gì là làm cho bằng được”.

Vợ anh luôn là nguồn động viên lớn nhất

Rồi chị Tám sinh cho Công đứa con trai kháu khỉnh, cuộc sống đang tạm ổn thì Công bị tai nạn buộc ngưng thi đấu. Đó cũng là nguyên nhân chính khiến anh không có cơ hội dự Paralympics 2012. Không thi đấu đồng nghĩa với việc không thể giành huy chương để có thêm tiền thưởng trang trải cuộc sống, gánh nặng mưu sinh đè nặng lên đôi vai của cặp vợ chồng trẻ.

Chị Tám từng chia sẻ trên báo chí: “Lúc này, tôi làm thợ may, còn anh sửa chữa đồ điện tử ở nhà. Thu nhập của chúng tôi chỉ chừng 5-6 triệu đồng/tháng. Khó khăn là thế nhưng anh Công quyết tâm lắm, luôn đi tập để chờ ngày trở lại”.

Riêng Công đó là gian đoạn anh cảm thấy thương vợ nhất. Sáu tháng đầu tiên anh suy sụp tinh thần, lủi thủi ở nhà với con nhỏ, còn chị Tám phải bươn chải đủ đường mưu sinh. “Nhìn vợ cực khổ vì gia đình tôi xót lắm và đó cũng là động lực để tôi phấn đấu trở lại phòng tập. Khoảng thời gian nghỉ thi đấu nếu không có cô ấy tôi nghĩ mình khó được như hôm nay”, đô cử Lê Văn Công từng tâm sự trên báo.

Lê Văn Công vô địch, phá kỷ lục cử tạ thế giới Người khuyết tật 2016.

Nhà vô địch Paralympic Brazil 2016 tiếp tục tỏa sáng với tấm HCV cùng kỷ lục thế giới ở hạng cân -49 kg tại giải bơi và cử tạ Người khuyết tật vô địch thế giới diễn ra sáng nay tại Mexico.

Ở hạng cân -49 kg thu hút 18 đô cử tham gia tranh tài, trong đó tâm điểm là cuộc đối đầu giữa nhà vô địch thế giới 2014 Yakubu Adesokan  (Nigeria) và nhà vô địch Olympic Lê Văn Công.

Trên đỉnh vinh quang

Ở giải vô địch thế giới 2014, Adesokan Yakubu đoạt HCV với mức 181 kg, hơn Lê Văn Công hạng nhì đúng 1kg. Thế nhưng 2 đô cử này không có cơ hội tái đấu ở Olympic Brazil bởi Yakubu Adesokan  gặp trục trặc thủ tục, không  tham dự. Đó là giải đấu mà Lê Văn Công tỏa sáng với tấm HCV lịch sử cho bản thân cũng như thể thao Người khuyết tật Việt Nam. Thành tích 183 kg của Lê Văn Công khi đó cũng là kỷ lục Paralympic lẫn thế giới.

Tự tin tiến ra thi đấu

Ở Mexico năm 2016, Yakubu Adesokan  chỉ chinh phục thành công mức 175 kg, sau đó thất bại cả 2 lần ở mức 180 kg. Trong khi đó Lê Văn Công thực hiện thành công mức 178 kg lần đầu, 181 kg lần thứ hai và cầm chắc trong tay tấm HCV bởi đối thủ cạnh tranh khác Omar Qarada (Jordan) chỉ thành công ở mức 178 kg.

Khoảnh khắc hạnh phúc của lực sĩ Lê Văn Công khi giành chiến thắng

Lần cử thứ ba, Lê Văn Công quyết định nâng mức tạ lên 183,5 kg nhằm phá kỷ lục thế giới của chính mình nhưng anh thực hiện không  thành công. Thế nhưng ở lần cử cuối cùng, đô cử quê Hà Tĩnh đã thành công mức 183,5 kg để đoạt HCV, phá kỷ lục thế giới.Qarada (Jordan) HCB với thành tích 178 kg trong khi nhà vô địch thế giới 2014 Yakubu Adesokan (Nigeria) chỉ đoạt HCĐ với thành tích 175 kg.

Động tác hôn tạ sau mỗi lần thành công của Lê Văn Công

Đô cử Lê Văn Công thêm một lần nữa giành huy chương Bạc tại Paralympic Tokyo 2020

Lực sĩ Lê Văn Công là vận động viên thứ ba của đoàn thể thao Việt Nam tranh tài tại Paralympic Tokyo 2020. Vận động viên này xuất sắc giành huy chương bạc nội dung nam hạng cân 49 kg với thành tích cao nhất sau 3 lượt cử là 173 kg.

Điều đáng chú ý là mức tạ của Lê Văn Công ngang với người giành huy chương vàng, Omar Qarada (Jordan). Tuy nhiên, đại diện của thể thao Việt Nam xếp sau do hơn đối thủ 100 gam cân nặng.

Lê Văn Công thành công ở cả 3 lần thực hiện với các mức tạ 165 kg, 170 kg và 173 kg. VĐV của Jordan không thành công ở lượt thứ hai với mức 172 kg, tuy nhiên anh đã chinh phục được mức 173 kg ở lượt cuối để giành tấm HCV.

Lê Văn Công lần thứ 2 giành huy chương tại Thế vận hội.

Lực sĩ Lê Văn Công là niềm hi vọng giành huy chương lớn nhất của đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Paralympic Tokyo 2020. Anh chính là người giữ kỷ lục thế giới (183,5 kg) và kỷ lục Paralympic (183 kg) ở hạng cân nam 49 kg.

Tuy nhiên, năm 2018 lại là mốc thời gian bắt đầu với nhiều khó khăn của lực sĩ Lê Văn Công. Anh gặp chấn thương vai và phải mất đến hơn 2 năm để điều trị và hồi phục. Đây cũng là lí do khiến đại diện Việt Nam không có được thể trạng và sự chuẩn bị tốt nhất trước ngày tranh tài tại Paralympic Tokyo 2020 khỉ chỉ mới trở lại tập luyện từ tháng 4 năm nay. Thậm chí, Lê Văn Công còn phải xịt thuốc giảm đau ở vai ngay trước thời điểm bước lên thi đấu.

Đánh giá về thành tích của Lê Văn Công, Trưởng đoàn TTNKTVN Nguyễn Hồng Minh cho biết, “Chúng tôi rất vui mừng với những gì Lê Văn Công đã thể hiện trong phần thi đấu. Thời gian tập luyện của Lê Văn Công chỉ có 5 tuần trước khi dự Paralympic, rồi chấn thương vẫn còn ảnh hưởng và việc không đi thi đấu quốc tế trong 2 năm qua cũng tác động ít nhiều tới tâm lý thi đấu.

Nhưng Lê Văn Công đã thể hiện nỗ lực và tinh thần thi đấu rất tuyệt vời. Tấm huy chương của Lê Văn Công thực sự tiêu biểu cho ý chí, nỗ lực và tinh thần vượt khó của các VĐV thể thao người khuyết tật Việt Nam và là món quà hết sức ý nghĩa, đáp lại sự cổ vũ và động viên của người hâm mộ nước nhà”.

Sau khi giành tấm HCB Paralympic Tokyo, đoàn TTNKTVN cũng đã trao thưởng nóng cho Lê Văn Công ngay tại Nhật Bản, Trưởng đoàn TTNKTVN Nguyễn Hồng Minh chia sẻ thêm, có thể Lê Văn Công sẽ còn nhận được các khoản tiền thưởng khác từ các nhà tài trợ trong thời gian tới.

Tấm HCB của Lê Văn Công không chỉ ghi nhận nỗ lực của cá nhân lực sỹ này, nó đang trở thành động lực và tiếp lửa cho các tuyển thủ còn lại của đoàn TTNKTVN trong các cuộc thi đấu tới đây, nỗ lực hết mình để mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Xuân Hiền (T/h)

Xem thêm Thể thao