Có nên bi quan quá mức về sự xa rời văn hóa đọc của người trẻ?
Trong thời đại công nghệ số, văn hóa đọc của người trẻ Việt Nam được nhìn nhận thế nào bởi những diễn giả tham gia sự kiện ra mắt sách “Nơi chỉ người đọc sách mới có thể chạm tới”.
“Nơi chỉ người đọc sách mới có thể chạm tới” là cơ hội để những độc giả từ nhiều độ tuổi, nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống có thể gặp gỡ, giao lưu, bàn luận về văn hóa đọc.
Tham gia buổi ra mắt là tác giả – dịch giả Hiền Trang và tác giả – dịch giả Nguyễn Quốc Vương (người đã chắp bút cho cuốn “Nơi chỉ người đọc sách mới có thể chạm tới” của Takashi Saito). Là những người khuyến đọc, có tầm ảnh hưởng trong việc truyền tải văn hóa đọc đến với công chúng, hai diễn giả đã có những chia sẻ vô cùng thú vị, đáng suy ngẫm, chiêm nghiệm.
Là tác giả của 4 cuốn sách đã xuất bản và độc giả trẻ say mê văn hóa đọc, Hiền Trang chia sẻ về tầm quan trọng của sách đối với cuộc sống của cô: “Tôi tìm đến với sách như một lối thoát. Thế giới sách giúp tôi rời khỏi thực tại khó khăn. Khi tôi không thể đối mặt với những thách thức của cuộc sống, tôi quyết định tìm đến sách để mở ra cho bản thân những chân trời mới. Nếu bạn mong đợi một sự thay đổi tức thời thì sách không phải một lựa chọn sáng suốt. Việc đọc sẽ giúp bạn xây dựng phông nền văn hóa rộng, những giá trị vững chắc, lâu dài”.
Văn hóa đọc ở Việt Nam nói chung và người trẻ Việt nói riêng luôn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Nói về chủ đề này, Nguyễn Quốc Vương chia sẻ: “Chúng ta hiện đang thiếu những cuộc điều tra khách quan được thực hiện trên diện rộng về văn hóa đọc của thanh niên Việt Nam. Bi kịch muôn đời của người Việt là không thể lan tỏa được từ nhóm nhỏ ra cộng đồng lớn. Phải đến các trường phổ thông xem thư viện hoạt động ra sao, cha mẹ nông thông quan tâm đến việc đọc sách của con trẻ như thế nào mới thấy được thực trạng của văn hóa đọc trong nước. Số lượng nhà xuất bản, các đầu sách đã phát hành trong nước là quá nhỏ so với số dân biết chữ. Vậy ai sẽ là người bắc cây cầu từ nhóm thiểu số yêu đọc ra với công chúng quảng đại?”
Không chỉ chia sẻ quan điểm về văn hóa đọc của người trẻ Việt Nam, Nguyễn Quốc Vương còn đặt vấn đề về sự tồn tại và phát triển của sách trong kỷ nguyên số: “Dân tộc ta không trải qua giai đoạn trưởng thành về văn hóa đọc trước khi công nghệ thông tin xuất hiện. Vì thế, các hành vi sử dụng Internet đang chưa thực sự khai thác được hết nguồn tài nguyên vô giá này. Internet có thể vừa là biển vừa là bãi rác. Sách chính là nền móng vững chắc cho mọi sự phát triển. Sách và Internet tồn tại cộng sinh, bổ sung và hỗ trợ tốt cho nhau”.
Vấn đề văn hóa đọc của người trẻ Việt Nam trong thời đại bùng nổ công nghệ số đã, đang và sẽ luôn là chủ đề bàn luận thu hút sự chú ý của công chúng. Những chia sẻ của các diễn giả trong sự kiện đã phần nào đem đến góc nhìn mới mẻ của những người trong cuộc. Đó chính là nỗi trăn trở lớn của các tác giả, dịch giả, người đam mê văn hóa đọc tại Việt Nam.