Quyết định của FIFA cho phép mở rộng vòng chung kết World Cup thành sân chơi của 48 đội tuyển kể từ giải đấu năm 2026 tại Bắc Mỹ vừa phù hợp với xu hướng phát triển của bóng đá thế giới vừa tạo điều kiện cho nhiều nền bóng đá tầm trung vươn lên.
Rất nhiều quốc gia châu Phi và châu Á mừng khấp khởi trước quyết định lịch sử này của FIFA bởi đây cũng là hai khu vực được hưởng lợi nhiều nhất từ việc tăng số đội bóng tham dự VCK World Cup . Khu vực Bắc, Trung Mỹ và Caribbean (CONCACAF) cũng gia tăng đáng kể cơ hội tranh tài tại Cúp Thế giới dù thực tế số suất vé tăng thêm đều không được phân chia như ý định ban đầu của cả cựu chủ tịch FIFA Sepp Blatter lẫn nguyên lãnh đạo UEFA Michel Platini, hai “cha đẻ” của ý tưởng mở rộng World Cup.
Con số 48 không tưởng
Thật vậy, nếu nhìn lại các giải đấu trong quá khứ đối chiếu với hiện tại, World Cup đã trải qua một chặng hành trình dài để phát triển và trở thành sân chơi “khổng lồ” cấp độ hành tinh theo nhiều nghĩa. World Cup 1930 chỉ có 13 đội tham dự và bốn năm sau, số đội bóng góp mặt tại World Cup 1934 được nâng lên thành 16. Con số này được duy trì đến tận giải đấu 1978 diễn ra tại Argentina trước khi trở thành 24 đội ở các kỳ World Cup từ 1982 đến 1994.
Có đến 32 đội tham dự kỳ World Cup 1998 tại Pháp và đến World Cup 2026, con số này sẽ trở thành 48, phản ánh sự phát triển lớn mạnh của bóng đá trên phạm vi toàn cầu cũng như khát khao được góp mặt tại giải đấu danh giá này của mọi đội bóng.
Lịch sử gọi tên
Chỉ một ngày trước khi VCK World Cup 2018 khởi tranh, FIFA quyết định công bố quốc gia được trao quyền đăng cai VCK World Cup 2026, không phải một mà là liên danh 3 quốc gia vùng Bắc Mỹ gồm Mỹ, Mexico và Canada. Liên danh này giành được 134 phiếu ủng hộ (tỉ lệ 67%) so với chỉ 65 phiếu của Morocco (33%) bởi cam kết mang về khoản lợi nhuận 8,1 tỉ USD so với 4,48 tỉ của quốc gia Bắc Phi; chưa kể Morocco phải xây mới 9/12 sân bóng theo yêu cầu.
Đây là lần đầu tiên, một liên minh “tay ba” giành được quyền tổ chức World Cup, 24 năm sau khi Nhật Bản – Hàn Quốc trở thành đồng chủ nhà của World Cup 2002, giải đấu lần đầu tiên tổ chức tại châu Á.
Tiếng là ba quốc gia đồng đăng cai nhưng Mỹ sẽ “gánh” việc tổ chức phần lớn các trận đấu tại World Cup 2026, dự kiến 60/80 trận, bao gồm cả các trận đấu từ vòng tứ kết. Với số lượng đội bóng tham dự tăng từ 32 lên 48, World Cup do ba quốc gia cùng tổ chức sẽ nhẹ nhàng và hợp lý hơn về chi phí tổ chức giải.
Theo kế hoạch ban đầu, 48 đội tuyển sẽ được chia vào 16 bảng, mỗi bảng 3 đội, tăng tổng số trận đấu từ 64 lên thành 80 trận. Tuy nhiên, theo chủ tịch Gianni Infantino, FIFA đang cân nhắc lại kế hoạch tổ chức vòng bảng theo hướng chia thành 12 bảng đấu với mỗi bảng gồm 4 đội. Theo cách chia này, 2 đội đứng đầu mỗi bảng và 8 đội xếp thứ ba có thành tích tốt nhất sẽ tiến vào vòng sau, cụ thể là vòng 32 đội.
Số trận đấu của World Cup, vì thế, sẽ tăng lên thành 104 trận và giải đấu sẽ kéo dài trong 6 tuần thay vì gói ghém trong khoảng 1 tháng như trước. Điều này cũng đồng nghĩa với việc FIFA sẽ thu được nhiều tiền hơn. Tại Qatar 2022, FIFA thu được 7,5 tỉ USD tiền bản quyền và doanh thu tài trợ, cao hơn 1 tỉ USD so với World Cup 2018 tại Nga.
Quyền lợi và trách nhiệm
Theo phân bổ của FIFA, châu Á sẽ có 8 1/3 suất dự World Cup, so với 4,5 suất trước đây (tại World Cup 2022, châu Á thực chất có 6 đội tham dự do Úc giành suất thông qua trận play-off liên châu lục và Qatar là chủ nhà đương nhiên có suất tham gia). Các khu vực còn lại là CONCACAF 6 2/3 (cũ 3,5), Nam Mỹ 6 1/3 (4), châu Âu 16 (13), châu Phi 9 1/3 (5), châu Đại Dương 1 1/3 (0,5). Như vậy, sẽ có tổng cộng 46 vé chính thức dự World Cup 2026.
Hai suất còn lại sẽ được xác định qua vòng đấu liên châu lục. Hai đội đại diện vùng CONCACAF và Nam Mỹ, châu Á, châu Đại Dương và châu Phi mỗi khu vực 1 đại diện sẽ bước vào vòng play-off để xác định 2 vé cuối cùng dự World Cup 2026.
Cơ hội nào cho bóng đá Việt Nam?
Với việc châu Á có hơn 8 suất dự World Cup 2026, câu hỏi lớn nhất là liệu tuyển Việt Nam có tận dụng được cơ hội này để góp mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Về lý thuyết cũng như xét kết quả thi đấu thời gian qua, cơ hội dự World Cup 2026 của tuyển Việt Nam là có, dĩ nhiên, còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác.
Theo bảng xếp hạng FIFA mới nhất vừa được công bố vào cuối tháng 12-2022, tuyển Việt Nam xếp hạng 97 thế giới và 17 châu Á. Chỉ kém đội xếp ngay trên là Kyrgyzstan) vỏn vẹn khoảng 3 điểm và bám sát nhóm 16 đội mạnh nhất, tuyển Việt Nam được đánh giá ngang với Oman, Trung Quốc, Syria, Bahrain, Jordan, Uzbekistan, Oman… ở tốp thứ nhì châu lục.
Nếu bảng xếp hạng FIFA chỉ có tính chất tham khảo, sức mạnh thực sự của tuyển Việt Nam không chỉ dừng ở đó. Ở Asian Cup 2019, tuyển Việt Nam vào đến tứ kết còn ở vòng loại World Cup 2022, tuyển Việt Nam đã lọt đến vòng loại thứ ba dành cho 12 đội mạnh nhất. Đó là kết quả của việc từng đánh bại những đối thủ có thứ hạng cao hơn như Jordan, Trung Quốc hay cầm hòa Nhật Bản.
Chỉ về nhì tại AFF Cup 2022 nhưng thành tích này không phản ánh đúng mức thực lực của tuyển Việt Nam, hiện vẫn sở hữu lứa cầu thủ được đánh giá là tốt nhất trong nhiều năm qua. Ngoài yếu tố con người, tuyển Việt Nam cũng được đánh giá cao ở lối chơi và tinh thần thi đấu. Bản lĩnh chinh chiến cùng với khát vọng chiến thắng đã giúp tuyển Việt Nam trở nên mạnh mẽ hơn, không còn quá ngán ngại các đội bóng hàng đầu châu lục.
Bước tiến của tuyển Việt Nam thời kỳ “hậu Park Hang-seo” sẽ được ghi nhận với một tân thuyền trưởng khi đội tham dự Asian Cup 2023. Nếu tái lập thành tích nằm trong top 8 ở Asian Cup 2019, hy vọng dự World Cup 2026 sẽ mở ra với tuyển Việt Nam. Vị trí 17 châu Á giúp tuyển Việt Nam chỉ phải thi đấu ở vòng loại thứ hai World Cup 2026 khu vực châu Á, diễn ra từ tháng 10-2023 đến tháng 11-2025.