Hội thảo Giáo dục 2021: Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo
Các vấn đề về thực trạng văn hóa học đường, những mặt tích cực và hạn chế đã được các đại biểu cùng thảo luận tại Hội thảo Giáo dục Việt Nam năm 2021. Từ đó, đề xuất các giải pháp để xây dựng và phát triển nội dung này.
Hơn 300 đại biểu cùng thảo luận tìm cách phát triển văn hóa học đường
Ngày 21/11, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức Hội thảo Giáo dục Việt Nam năm 2021 với chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến với sự tham gia của hơn 300 đại biểu trong nước và quốc tế.
Hội thảo gồm phiên chung, trình bày về thực trạng văn hóa học đường từ góc nhìn của các cơ quan quản lý nhà nước; ý kiến của một số chuyên gia; những thách thức và kiến nghị chính sách, giải pháp xây dựng văn hóa học đường tại Việt Nam.Tiếp đó, phiên chuyên đề dành cho việc thảo luận ba nhóm nội dung: Văn hóa học đường nhìn từ các mối quan hệ bên trong nhà trường; văn hóa học đường trong mối quan hệ với các yếu tố tác động bên ngoài nhà trường và văn hóa học đường trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chia sẻ: “Thế hệ trẻ là mầm non, là tương lai của đất nước. Vì vậy, việc rèn luyện, hoàn thiện nhân cách cho sinh viên, học sinh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng”.
Cũng theo ông Mẫn, văn hóa học đường chính là vấn đề quan trọng nhằm thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, có những con người có đủ đức, đủ tài đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và xu thế hội nhập quốc tế.
“Đây thực sự là nhiệm vụ cấp bách và rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã, sẽ và đang ảnh hưởng nặng nề tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nói.
Bàn giải pháp tạo chuyển biến mạnh về văn hóa học đường
Tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, văn hóa học đường không chỉ đem lại bộ mặt văn hóa cho nhà trường, điều cốt lõi là nó sẽ tạo nên nền tảng tinh thần của nhà trường, tạo niềm tin và động lực cho cộng đồng nhà trường gắn kết, cùng nhau thực hiện các mục tiêu đổi mới.
Cùng quan điểm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh khẳng định, văn hóa học đường là môi trường quan trọng đề rèn luyện đạo đức, lối sống cho học sinh. Trong thời gian qua, ngành GD&ĐT đã triển khai khoa học, chặt chẽ, sâu rộng nhiều nội dung, hoạt động để phát triển văn hóa học đường. Tuy nhiên, nhiều hoạt động còn mang tính hình thức và còn những biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống trong trường học.
“Xây dựng văn hóa học đường đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp quản lý và đặc biệt là sự chủ động, quyết tâm của các cơ sở giáo dục, đòi hỏi sự chỉ đạo mạnh mẽ của toàn ngành Giáo dục”, bà Ngô Thị Minh nhấn mạnh.
Để tìm giải pháp phát triển văn hóa học đường, tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về ba nội dung chính. Thứ nhất là đánh giá, phân tích đúng thực trạng văn hóa học đường, những mặt tích cực, những tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân và xác định những vấn đề trọng tâm cần tập trung giải quyết. Hai là khuyến nghị cơ chế, chính sách xây dựng văn hóa học đường trong, ngoài nhà trường và trên môi trường mạng. Thứ ba là đề xuất các giải pháp xây dựng văn hóa học đường lành mạnh trong tất cả các trường học, khắc phục tồn tại, hạn chế, đẩy lùi bệnh thành tích trong giáo dục.
Nhận định về kết quả và một số vấn đề còn tồn tại của văn hóa học đường, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, các cơ quan quản lý nhà nước theo thẩm quyền cần xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch về tăng cường hoạt động xây dựng văn hóa học đường, hệ giá trị văn hóa trong trường học đáp ứng yêu cầu của thời đại mới.
Hội thảo Giáo dục là sự kiện thường niên được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức từ năm 2017, nhằm tạo diễn đàn để các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia trong và ngoài nước, các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục chia sẻ, trao đổi, thảo luận về các vấn đề trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; làm rõ hơn cơ sở lý luận, thực tiễn, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách để việc tổ chức thực hiện hiệu quả. Mỗi năm, hội thảo có chủ đề riêng, bám sát thực tế và phản ánh những vấn đề quan trọng của ngành Giáo dục.