Kết nối với chúng tôi

Phong cách thể thao

Sau 8 năm “ở ẩn”, vầng trăng đẹp nhất năm đã trở lại vào đêm nay – rằm Trung thu

Năm nay, trăng tròn sẽ xuất hiện và chiếu sáng vào đêm nay – rằm Trung thu 15/08 âm lịch (nhằm 21/09 dương lịch)

Từ thuở xa xưa, người Nhật luôn trân trọng vẻ đẹp cùng những biến chuyển tinh tế của thiên nhiên, đất trời đến nỗi có cho mình thú vui thưởng thức cảnh sắc ứng với từng mùa trong năm. Lễ hội ngắm trăng Otsukimi là một sự kiện truyền thống như thế, nhằm tôn vinh giá trị của “trăng rằm Trung thu”. Vào ngày này, trăng vươn mình lên giữa bầu trời đêm quang đãng, người người cùng nhau bày tỏ lòng biết ơn mùa màng và cầu mong cho một vụ mùa bội thu trong năm tới.

Nhưng bạn có biết, không phải đêm Trung thu nào trăng cũng tròn, dù khi ta nhìn bằng mắt thường đều thấy trăng tròn vằng vặc?

Ảnh: PIXTA

Tuy nhiên, đêm rằm Trung thu – Jugoya (十五夜) – đêm 15 năm nay là một dịp đặc biệt, khi mặt trăng tròn đã quay trở lại sau 8 năm “ở ẩn” (lần gần nhất là 2013). Dù thế nào đi chăng nữa, chúng ta hãy cùng dành thời gian bên người thân để tận hưởng vầng trăng được mệnh danh đẹp nhất trong năm.

Có phải vào đêm Jugoya trăng lúc nào cũng tròn?

Câu trả lời là không, trăng rằm đêm Trung thu không phải lúc nào cũng là trăng tròn. Mùa thu tính theo âm lịch sẽ là tháng 7, tháng 8, tháng 9, ứng với từng tháng sẽ gọi lần lượt là đầu thu, trung thu và cuối thu. Vì lý do này, mặt trăng xuất hiện vào ngày 15/08 âm lịch được gọi là “trăng rằm Trung thu” và được mệnh danh là vầng trăng đẹp nhất trong năm. Đây cũng là thời điểm tổ chức lễ Otsukimi – lễ hội ngắm trăng từ xa xưa.

Tuy nhiên, vì chu kỳ của mặt trăng chỉ có 29,5 ngày và quỹ đạo của nó không phải là một hình tròn hoàn hảo mà có dạng elip nên không phải lúc nào cũng sẽ đạt tới trăng tròn sau 15 ngày kể từ ngày Trăng Non (mùng 1 âm lịch). Thực tế, số ngày từ ngày Trăng Non (mùng 1) đến ngày Trăng Tròn sẽ có sự thay đổi, nằm trong khoảng 13,9 đến 15,6 ngày.

Tranh Ukiyo-e mô tả cảnh ngắm trăng vào thời Edo tại Takanawa, một địa điểm nổi tiếng ở Edo. – Ảnh: Kuniteru Utagawa – Bộ sưu tập của Bảo tàng Lịch sử Dân gian Phường Minato.

Lễ hội ngắm trăng 2021 sẽ là lúc bạn chào đón sự trở lại của vầng trăng tròn và thưởng thức vẻ đẹp tuyệt diệu của ánh trăng. Trong 3 năm tới, tính đến năm 2023, trăng sẽ tiếp tục tròn vào đêm rằm tháng 8. Sau khoảng thời gian này, chúng ta sẽ phải đợi 7 năm nữa (2030) thì hiện tượng này mới trở lại.

Trung thu 2021, ảnh chụp từ Đài quan sát thiên văn quốc gia của Trung tâm thông tin thiên văn Nhật Bản. – Ảnh: kids.rurubu.jp

Không chỉ ngắm trăng vào rằm tháng 8

Ngoài 15/8 âm lịch, Otsukimi còn được tổ chức lần 2 vào khoảng 1 tháng sau – ngày 13/9 âm lịch. Nếu đêm 15/8 được đặt cho tên gọi đặc biệt là “đêm 15” (十五夜 – Jugoya), thì đêm 13/9 này được gọi là “đêm 13” (十三夜 – Jusanya) hay  “trăng sau” (後の月). Người Nhật quan niệm rằng một khi đã ngắm trăng đêm 15 thì nhất định phải ngắm trăng vào đêm 13.

Vào khoảng đêm 15 (tháng 8 âm lịch), thời tiết thường không tốt do có bão và mưa nhiều nên có câu “Đêm trăng rằm Trung thu, mười năm thì hết chín năm không thể thấy trăng”. Ngược lại, vào đêm 13 (tháng 9 âm lịch), trời thu nắng ráo hơn, dễ thấy được trăng hơn nên từ đó có câu “Đêm 13 không mây”, ý chỉ có thời tiết tốt có thể dễ nhìn thấy trăng đẹp.

Vào ngày rằm Trung thu, trên bàn thờ tổ tiên thường có bánh Tsukimi-dango – Ảnh: hyoki.jp

Đêm 13 năm nay sẽ rơi vào ngày 18/10. Cho dù là “trăng sau” nhưng bạn cũng đừng nên bỏ lỡ nó nhé! Bởi không chỉ có cơ hội ngắm mặt trăng rõ hơn mà theo quan niệm của người Nhật, nếu chỉ ngắm trăng đêm 15 hoặc đêm 13 thì chắc chắn sẽ gặp xui xẻo hay tai họa! Điều kiêng kỵ này trong tiếng Nhật được gọi là “Kata-tsukimi” (片月見). Đây cũng là một nét khác biệt của Otsukimi Nhật Bản.

Ki La

Xem thêm Phong cách thể thao