Kết nối với chúng tôi

Phong cách thể thao

Phim “Kiều” tham vọng “hạ cánh” ở Mỹ sau khi lỗ chục tỷ ở thị trường Việt Nam

Sau khi công chiếu trong nước, phim “Kiều” bị lỗ gần chục tỷ đồng với nhận xét như có nhiều cảnh “nóng” không cần thiết, kỹ xảo yếu, tạo cảm giác hụt hẫng cho người xem. Đây không phải là lần đầu tiên “Truyện Kiều” được lấy cảm hứng để dựng thành phim nhưng vẫn không đạt kì vọng, đây có phải là chủ đề quá sức đối với phim Việt?

Phim Kiều sẽ được chiếu trên cả nền tảng Amazon

Phía đoàn làm phim “Kiều” vừa cho biết, tác phẩm này sẽ được ra mắt vào tối 27/10 tại cụm rạp LOT Fashion Island, Newport Beach, California, trong khuôn khổ Liên hoan phim Newport Beach.

Nhà sản xuất Mai Thu Huyền cho biết chị và diễn viên Lê Anh Huy – đóng vai Thúc Sinh – góp mặt trên thảm đỏ trước buổi công chiếu và giao lưu khán giả sau sự kiện.

Sau khi công chiếu trong nước hồi tháng 4, phim chỉ thu gần 2,7 tỷ đồng dù kinh phí là 30 tỷ.

Thiên A. Phạm – Giám đốc 3388 Films, đơn vị tại Mỹ giới thiệu tác phẩm đến liên hoan phim – nói muốn góp phần quảng bá một phim chuyển thể từ kiệt tác văn học kinh điển của Việt Nam. Thậm chí vào ngày 29/10, phim sẽ được chiếu trên nền tảng trực tuyến của Amazon.

Nguyên nhân kiến phim “Kiều” chưa đủ thuyết phục khán giả

Theo nhà sản xuất, sau khi công chiếu trong nước hồi tháng 4, phim chỉ thu gần 2,7 tỷ đồng dù kinh phí là 30 tỷ.

Thậm chí trên Box Office Việt Nam – đơn vị khảo sát phòng vé độc lập, Kiều là một trong những phim Việt có doanh thu thấp từ đầu năm, xếp sau Cậu Vàng với 3,7 tỷ đồng. Sau 18 ngày chiếu, phim rời rạp để phát hành trực tuyến nhằm bù lỗ.

Nhà sản xuất, diễn viên Mai Thu Huyền cho biết êkíp buồn vì phim không thành công như kỳ vọng. Ban đầu, cô dự định phát hành phim trên thị trường quốc tế nhưng do ảnh hưởng của dịch, hoạt động chiếu ở nước ngoài phải hoãn lại đến nay.

Mai Thu Huyền cũng chia sẻ, đây là bộ phim mà cô đã ấp ủ trong suốt 10 năm, nhằm tri ân Nguyễn Du nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất đại thi hào. Tuy nhiên sau khi phát sóng, phản ứng của đa số khán giả đối với bộ phim lấy cốt truyện từ tác phẩm văn học kinh điển này là một “thảm họa” đúng nghĩa. Với thời lượng 90 phút, phim cho thấy nhiều lỗ hổng về kịch bản.

Tuy có nước phim đẹp và điểm cộng là nhạc phim khá thu hút nhưng nội dung phim vẫn chuyển biến chóng vánh, chưa hợp lý.

Chuyện tình Kiều – Thúc Sinh diễn tiến khá nhanh chỉ sau một lần gặp, cả hai chưa trò chuyện nhiều. Kịch bản chỉ giải quyết qua loa chuyện tình tay ba của Kiều – Thúc Sinh – Hoạn Thư. Ở cao trào, các nhân vật chỉ chia sẻ nỗi niềm qua vài lời thoại.

Phim khép lại khi bi kịch các nhân vật chưa được giải quyết, số phận Kiều còn lửng lơ. NSND Lê Khanh, diễn viên đóng Hoạn Bà trong phim Kiều từng nói về bộ phim: “Việc hóa thân những nhân vật trong các tác phẩm văn học lớn, đã được khẳng định với thời gian là khó khăn vô cùng, áp lực vô cùng vì đó là ước mơ của nhiều thế hệ nghệ sĩ”. Không những thế, phim còn bị chê là có nhiều cảnh “nóng” không cần thiết. Kỹ xảo yếu, kỹ thuật dựng phim không nhịp nhàng khiến nhiều phân đoạn chuyển cảnh đột ngột, tạo cảm giác hụt hẫng, không tạo được cảm giác cho người xem.

Chủ đề về ‘Kiều’ có quá sức với điện ảnh Việt?

“Truyện Kiều” có 3.254 câu thơ lục bát trải dài suốt hơn 15 năm thanh xuân lưu lạc của nàng Kiều. Khung thời gian 15 năm không phải là quá sức để đưa lên màn ảnh rộng, điện ảnh thế giới từng có nhiều phim tiểu sử bao quát suốt cuộc đời nhân vật.Tuy nhiên, với điện ảnh Việt Nam, dường như cuộc đời nàng Kiều vẫn là chủ đề quá sức. Phim “Kiều” của Mai Thu Huyền không phải là tác phẩm đầu tiên có “số phận hẩm hiu”, trước đó cũng từng có 2 phim Việt làm về đề tài này và không đạt kì vọng.

“Sài Gòn nhật thực” (2007, của đạo diễn Othello Khánh) có Trương Ngọc Ánh vào vai Kiều. Phim đưa nhân vật vào thời hiện đại, là một nữ diễn viên nổi tiếng nhưng vẫn rơi vào cảnh bán mình để trả nợ cho gia đình. Các nhân vật Kim, Trọng Hải, bà Tú… được cải biên từ Kim Trọng, Từ Hải, Tú bà… Chủ đề buôn người, mua bán trao đổi thân xác phụ nữ được bê nguyên từ truyện cổ vào bối cảnh thời hiện đại nhưng lại gây cảm giác lệch pha, khiên cưỡng, thiếu hiểu biết về xã hội Việt Nam. Bên cạnh đó, “Sài Gòn nhật thực” còn thất bại vì ngôn ngữ lộn xộn, tình tiết ngô nghê.Kiều@ (2021) cũng gây khó hiểu khi mượn danh Truyện Kiều nhưng thực chất là chuyển thể từ vở cải lương “Nửa đời hương phấn”. Trên thực tế, “Nửa đời hương phấn” cũng là tác phẩm lấy cảm hứng từ “Truyện Kiều” nhưng hành động mượn danh Kiều này cũng gây không ít lùm xùm.

Tóm lại, cả 3 phim đều mượn danh “Truyện Kiều” (đều có dòng chữ “cảm hứng từ tuyệt tác “Truyện Kiều” hay “lấy cảm hứng từ “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du”) nhưng sản phẩm lại cải biên quá nhiều và không truyền tải được một phần nhỏ tư tưởng của nguyên tác.

Qui Qui – T/h

Xem thêm Phong cách thể thao