Kết nối với chúng tôi

Giáo dục Thể chất

Tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận được sự tin tưởng và kỳ vọng lớn

Thông tin PGS-TS Nguyễn Kim Sơn đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhận được nhiều sự quan tâm, phấn khởi của quý phụ huynh và học sinh. Nhiều người kỳ vọng ở Tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trong thời gian tới, sẽ đưa ngành giáo dục Việt Nam ngày càng tiến bộ và vươn xa.

Tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT là ai?

Ngày 8/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình danh sách để Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.

PGS-TS Nguyễn Kim Sơn – Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội – đã được Thủ tướng giới thiệu để Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thay GS-TS Phùng Xuân Nhạ vừa được Quốc hội miễn nhiệm.

Sau đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc bổ nhiệm PGS-TS Nguyễn Kim Sơn làm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, có rất nhiều công việc đang chờ ở phía trước và ông tạm chia 3 nhóm công việc để ưu tiên thực hiện.

Thứ nhất là nhóm việc “nóng”, cấp bách như kỳ thi THPT quốc gia, triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới…

Tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận được sự tin tưởng và kỳ vọng lớn Ảnh 1
PGS-TS Nguyễn Kim Sơn – Tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT

Thứ hai là những việc dài hơi hơn, mang ý nghĩa trung hạn. Đó là công cuộc chuyển đổi số, thích ứng cách mạng công nghiệp lần thứ 4; sự nghiệp chuyển đổi số cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo; triển khai Luật Giáo dục, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; quy hoạch mạng lưới các trường đại học, nhất là các trường đại học sư phạm trọng điểm…

Thứ ba là những việc phải thực hiện lâu dài, như chương trình hành động của ngành giáo dục để triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong đó phát triển giáo dục và đào tạo phải nhằm mục tiêu lớn như phát triển toàn diện về con người, văn hóa gắn với khoa học công nghệ, để tạo ra bước đột phá về năng suất lao động, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo bồi dưỡng nhân tài, tham gia vào việc khơi dậy khát vọng xây dựng Việt Nam hùng cường. 

PGS-TS Nguyễn Kim Sơn hiện 55 tuổi (sinh năm 1966), quê Hải Phòng; Phó Giáo sư- Tiến sĩ Văn học; Lý luận chính trị cao cấp. Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII.

Ông tốt nghiệp cử nhân Ngữ văn năm 1990 tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội). Sau đó ông giảng dạy tại khoa Ngữ văn và trải qua nhiều vị trí công tác tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trước khi trở thành Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội vào tháng 6/2016.

“Ủng hộ quan điểm “nhân bản vi tiên” của ông”

Tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định “kỳ vọng đối với giáo dục là một áp lực rất lớn”.

Theo ông Sơn, thuộc tính của giáo dục là không thể quá nhanh, hoạt động giáo dục là từng bước. Kết quả của hoạt động giáo dục, bao gồm chính sách giáo dục, có những cái thấy ngay hiệu quả, sự tác động, nhưng có những cái phải chờ đợi. Giải quyết các mục tiêu ngắn hạn trước mắt và mục tiêu lâu dài, đáp ứng kỳ vọng nhanh chóng và xử lý căn bản những vấn đề của giáo dục vốn cần thời gian, tất cả phải làm cùng lúc, hài hòa, đó chính là thách thức.

Để làm được điều đó, ngành giáo dục cần có sự chia sẻ, hiểu và đồng thuận lớn từ xã hội, để người dân cùng chung tay với ngành.

Chia sẻ quan điểm khi giữ trọng trách của một nhà quản lý giáo dục, PGS-TS Nguyễn Kim Sơn khẳng định, người quản lý không nhất thiết phải thạo công việc chuyên môn quá sâu. Quan trọng hơn là có tầm nhìn chiến lược với những kỹ năng về quản lý, điều phối công việc và hơn hết là xây dựng được một đội ngũ gồm những người vừa giỏi chuyên môn, vừa tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, đó sẽ là những phụ tá đắc lực đồng thời là những nhà tư vấn chuyên môn quan trọng.

Tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận được sự tin tưởng và kỳ vọng lớn Ảnh 2
Thông tin PGS-TS Nguyễn Kim Sơn đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhận được nhiều sự quan tâm, phấn khởi. Ảnh minh họa

PGS-TS Nguyễn Kim Sơn cho hay, điều khiến ông trăn trở nhất đó là làm thế nào để củng cố nâng cao vị thế cần có, phải có, nên có của người giáo viên. Bản thân ông Sơn nhận thấy đây là việc lớn và rất khó, vì nó vừa là vấn đề của ngành GD&ĐT, của chính nhà giáo, nhưng cũng cần sự ủng hộ từ người dân, phụ huynh và cả về phương diện quy phạm pháp luật; cần các quy định, thể chế, cần gia tăng luật để thực hiện mục tiêu đó.

“Giáo viên phải nêu gương trong vấn đề dạy người trong khi vị thế của nhà giáo chưa cao, chưa được bảo vệ thì sẽ khó thực hiện tốt nhiệm vụ dạy người. Giáo dục phải vì con người. Đây là việc tôi sẽ làm”, ông Sơn nói. 

Trong thời gian tới, PGS-TS Nguyễn Kim Sơn sẽ triển khai rà soát chương trình học tập của các em học sinh nhằm giảm áp lực, gánh nặng cho các em khi tới trường.

“Điều quan trọng nhất là trẻ em đi học phải vui, phải hào hứng, thích học. Chúng ta đã ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới, đây là bước đổi mới rất quan trọng, giờ vấn đề là cách triển khai ra sao, việc tổ chức dạy và học thế nào cho phù hợp. Quan trọng là cách làm. Tôi sẽ cho rà soát chương trình để có cơ sở trước khi đưa ra đánh giá và đưa ra giải pháp”, PGS-TS Nguyễn Kim Sơn cho hay.

Trước thông tin PGS.TS Nguyễn Kim Sơn được Quốc hội phê chuẩn chức vụ bộ trưởng Bộ Giáo dục – đào tạo, dư luận tỏ ra vô cùng quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng ở Tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trong thời gian tới, sẽ đưa ngành giáo dục Việt Nam ngày càng tiến bộ và vươn xa. 

Anh Đỗ Nhật nêu suy nghĩ: “Giáo dục Việt Nam đã từng có thời lấy “nhân bản” làm giá trị cốt lõi hàng đầu (Nhân bản-Dân tộc-Khai phóng). Cơn lốc kinh tế thị trường đã đánh gần như bật gốc “nhân bản” này. Nay Bộ trưởng Sơn đã khẳng định trong ngày đầu nhậm chức rằng sẽ coi “nhân bản” là gốc trong triết lý giáo dục. Rất ủng hộ quan điểm “nhân bản vi tiên” của ông”.

Trang Nguyễn bày tỏ: “Rất thích quan điểm của ông: “Cái cần nhất là có ” tầm nhìn chiến lược”. Có chiến lược rõ ràng thì mới có kế hoạch ngắn và dài hạn rồi hành động cụ thể. Là phụ huynh, chúng tôi sẵn sàng đóng học phí công…”.

Cùng tin tưởng ở Tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Triển Nguyễn bình luận: “Em rất thích câu nói của thầy: “Một nhà quản lý không nhất thiết phải thạo công việc chuyên môn quá sâu. Quan trọng hơn là có tầm nhìn chiến lược với những kỹ năng về quản lý, điều phối công việc và hơn hết là xây dựng được một đội ngũ gồm những người vừa giỏi chuyên môn, vừa tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, đó sẽ là những phụ tá đắc lực đồng thời là những nhà tư vấn chuyên môn quan trọng”.

“Vui mừng và chúc mừng Tân Bộ trưởng. Thấy rõ được trình độ chuyên môn giáo dục. Chúc Thầy hoàn thành tốt công việc và nhiệm vụ cao cả mà Đảng và nhà nước giao phó. Nhân dân cả nước trông đợi ở thầy nhiều. Chúc thầy sức khỏe bình an và hạnh phúc”, lời gửi gắm đầy tin tưởng đến Tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. 

“Quan trọng nhất là đảm bảo chất lượng cuộc sống đội ngũ giáo viên, với đồng lương đảm bảo thì giáo viên toàn tâm toàn ý giảng dạy…. Xóa bỏ các văn bản quy định văn bằng chứng chỉ nay thế này mai thế kia, xóa bệnh thành tích, bỏ các kỳ thi không cần thiết…. thì giáo dục sẽ mới ngay.

“Khi mà đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, cống hiến, không còn phải lo chạy vạy thu nhập, bằng cấp, chứng chỉ…thì giáo dục Việt Nam ta sẽ đi lên. Chất lượng giáo dục không nằm ở kỳ thi cuối cùng cũng không nằm trên cuốn sách nay vầy mai khác. Hy vọng ở Bộ trưởng thật nhiều.”, thêm lời gửi gắm  gửi đến Tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. 

Theo: saostar.vn

Xem thêm Giáo dục Thể chất