Kết nối với chúng tôi

Thời sự Thể thao

Vaccine “Made in Vietnam” được cấp phép để sử dụng hay chưa?

Sáng 27/07, tiến hành tiêm thử nghiệm vaccine NanoCovax phòng Covid-19 mũi 2 của giai đoạn 3 cho 12.000 tình nguyện viên tại Hà Nội. Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu vaccine ngừa Covid-19 trong nước để tự chủ về nguồn cung?

Đảm bảo an toàn tiến độ

Theo thông tin từ Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng, đợt tiêm thử nghiệm này được thực hiện sau khi hoàn thành tiêm mũi 2 cho 1.000 tình nguyện viên (đợt 3a).

Trung tá, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Chử Văn Mến, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học, Học viện Quân y cho biết, trước khi tiêm thử nghiệm, các tình nguyện viên phải khai báo y tế, khám sinh hiệu đo các chỉ số dấu hiệu sinh tồn, kiểm tra cho nữ tình nguyện viên trong độ tuổi sinh sản xem có đang mang thai hay không, sau đó khám trước tiêm. Sau đó, 12.000 tình nguyện viên được tiêm theo tỷ lệ 2:1 (tức “2 người tiêm vaccine, 1 người tiêm giả dược”) với nhóm liều duy nhất 25mcg.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà cho các lực lượng đang thực hiện nhiệm vụ và người tình nguyện tham gia thử nghiệm lâm sàng Vaccine Nanocovax tại Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự, Học viện Quân y.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà cho các lực lượng đang thực hiện nhiệm vụ và người tình nguyện tham gia thử nghiệm lâm sàng Vaccine Nanocovax tại Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự, Học viện Quân y.

Trước đó, 13.000 tình nguyện viên (đợt 3a và 3b) đã hoàn thành mũi tiêm thử nghiệm đầu tiên vaccine NanoCovax vào ngày 14/7; sau đó, 1.000 tình nguyện viên (đợt 3a) hoàn tất mũi tiêm thứ 2 vào ngày 22/07. 

Các tình nguyện viên có sức khỏe ổn định, không xuất hiện trường hợp gặp phản ứng ngoài dự kiến. Dự kiến ngày 15/8, các đơn vị sẽ hoàn thành tiêm mũi 2 của cả giai đoạn 3. 

Giai đoạn 3 được thực hiện tại nhiều trung tâm trong nước: Phía Bắc do Học viện Quân y làm đầu mối triển khai tại Bệnh viện Quân y 103, phối hợp với Sở Y tế tỉnh Hưng Yên triển khai tại địa phương. Phía Nam do Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh làm đầu mối triển khai, phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Long An và Tiền Giang triển khai tại địa phương.

Một chư Ni tình nguyện tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Bệnh viện Quận 11
Tháng 8 sẽ nộp hồ sơ đăng ký vắc xin NanoCovax

Vaccine phòng COVID-19 NanoCovax được Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen phát triển từ tháng 5-2020, dựa trên công nghệ protein tái tổ hợp. 

Trước khi thử nghiệm giai đoạn 3, vaccine này đã trải qua 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng: giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 18/12/2020; giai đoạn 2 từ ngày 26/2/2021; giai đoạn 3 chính thức từ ngày 11-6-2021.

Theo đề cương đã được phê duyệt, giai đoạn 3 tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax nhằm đánh giá yếu tố hiệu lực bảo vệ của vaccine đối với cộng đồng và được thực hiện tại nhiều trung tâm trong nước với 13.000 người; chỉ thực hiện tiêm nhóm liều duy nhất 25 mcg và nhóm tiêm giả dược đối chứng. Qua 2 giai đoạn đầu, kết quả thử nghiệm cho thấy, 100% tình nguyện viên đều sinh miễn dịch tốt, tỉ lệ chuyển đổi huyết thanh đạt trên 99%.

Vaccine.

Trước đó tại phiên họp chiều 23/7 với Bộ Y tế, Bộ Khoa học và công nghệ, các công ty đang phát triển vắc xin tại Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, các báo cáo cho biết thời gian tới sẽ có 4 vắc xin sản xuất tại Việt Nam, trong đó có 2 sản phẩm nội địa và 2 sản phẩm Việt Nam nhận chuyển giao công nghệ.

Việt Nam sẽ có 2 vaccine nội địa, 2 loại vaccine được chuyển giao công nghệ

Trong số 2 loại vaccine nội địa, vaccine NanoCovax được đánh giá có tiến độ nhanh nhất. Dự kiến các kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 sẽ được hoàn thành trong thời gian từ 4 đến 19/8. Bộ Y tế đã chỉ đạo và cử nhóm chuyên gia trong nước kết hợp cùng chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ đến hỗ trợ nhà sản xuất và nhóm nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng (Viện Pasteur TP.HCM và Học viện Quân y) để nhóm hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu, đánh giá sơ bộ các kết quả xét nghiệm tính sinh miễn dịch, hoàn thiện hồ sơ báo cáo và hồ sơ đăng ký để đệ trình các hội đồng xem xét thẩm định.

Loại vaccine có tiến độ nhanh thứ 2 là Covivac do Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang nghiên cứu sản xuất, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và ĐH Y Hà Nội nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, ngày 27-7 sẽ có kết quả đánh giá về tính sinh miễn dịch, ngày 30-7 nhóm nghiên cứu sẽ nộp báo cáo giữa kỳ để chuyển sang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2. Bộ Y tế cũng cho biết có thể xem xét triển khai gối đầu giai đoạn 3 từ tháng 9-2021 nhằm đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu.

Sản xuất vắc xin Sputnik V tại Tổ hợp dược phẩm Karaganda

Về 2 sản phẩm vaccine chuyển giao công nghệ, một do Vingroup đàm phán chuyển giao công nghệ với Công ty Acturus, Hoa Kỳ. Dự kiến tháng 8/2021 có thể bắt đầu thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam. Nhà máy dự kiến có công suất 100 – 200 triệu liều/năm.

Vaccine thứ 2 do Công ty AIC và Công ty Vabiotech ký thỏa thuận với Công ty Shionogi (Nhật Bản), chuẩn bị triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Việt Nam và chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin do Nhật Bản nghiên cứu. Dự kiến tháng 6-2022 sẽ hoàn tất các hoạt động và đưa vắc xin ra thị trường. 

Bên cạnh đó, Vabiotech đã ký thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp Liên bang Nga về việc đóng ống vaccine Sputnik V từ bán thành phẩm. Dự kiến 10-8 sẽ có kết quả kiểm định chất lượng vắc xin đóng ống tại Việt Nam, sau đó có thể tiến hành đóng ống với quy mô 5 triệu liều/tháng (trong tháng 8-2021 có thể bắt đầu với tối thiểu 500.000 liều), tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/năm.

Cần đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu vaccine “Made in Vietnam” để chủ động nguồn cung

Tính đến thời điểm sáng 27/07, gần 4,75 triệu liều vắc xin Covid-19 đã được tiêm chủng tương đương với hơn 2 triệu người dân nếu như đủ 2 liều đã được tiêm. Với mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng cho 70% dân số, Việt Nam cần có 150 triệu liều vaccine. Trước đó, Thứ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Quốc Cường cũng cho hay:

“Tổng số vaccine Việt Nam đặt hàng là khoảng 170 triệu liều nhưng chúng ta cũng lường trước việc giao hàng không đúng tiến độ, không đầy đủ vì đó là cam kết chúng ta đã ký với các nhà sản xuất”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường trả lời các câu hỏi của phóng viên.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường trả lời các câu hỏi của phóng viên. – Ảnh: TTXVN

Đồng thời, từ tháng 8 trở đi, tất cả nguồn vaccine Việt Nam tiếp cận sẽ về nhiều. Theo đó, Pfizer cam kết chuyển 15,5 triệu liều trong quý III/2021 và một số lượng tương đương trong quý IV. AstraZeneca và Covax cũng cam kết cung cấp khoảng 30 triệu liều. Và mới đây nhât, phía Nga cũng cam kết dành cho Việt Nam 20 triệu liều vaccine Sputnik V.

Tuy nhiên, với tình hình dịch Covid-19 đang vô cùng phức tạp như hiện nay, khi mà số ca nhiễm ở Việt Nam lên tới hơn 100.000 ca thì việc đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu vaccine “Made in Vietnam” và sớm được cấp phép là vô cùng quan trọng. Bởi khi đó, Việt Nam sẽ tự chủ được về nguồn vaccine, tạo nên sức mạnh ‘miễn dịch cộng đồng’ để đẩy lùi đại dịch.

Hà Thu (T/h)

Xem thêm Thời sự Thể thao