Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gấp rút ứng phó với bão Conson, cắt giảm làm chậm lũ, bảo đảm an toàn công trình hồ đập, ngừng tất cả các nhiệm vụ không cần thiết để chốt trực 24/24 chống bão Conson.
Quân đội đã sẵn sàng hơn nửa triệu quân cùng 2.000 trang thiết bị ứng phó với bão Conson khi các địa phương dự kiến sơ tán trên 258.000 dân.
Tin mới nhất về bão Conson
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn, hồi 13 giờ ngày 8/9, vị trí tâm bão ở khoảng 14,2 độ Vĩ Bắc, 120,9 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực phía Nam đảo Luzone, Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, đi vào Biển Đông. Đến 13 giờ ngày 09/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc, 118,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 660km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.
Do ảnh hưởng của bão, từ sáng sớm ngày mai (9/9), ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8, sau tăng lên cấp 9-10, giật cấp 12, sóng biển cao từ 3,0-5,0m, biển động rất mạnh. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển đông: cấp 3.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 10/9, vị trí tâm bão ở khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc, 114,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 11/9, vị trí tâm bão ở khoảng 18,1 độ Vĩ Bắc, 111,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 220km về phía Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-120km/giờ), giật cấp 13. Trong 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km.
Kịch bản nào khi bão Conson (Côn Sơn) đi vào Biển Đông?
Sáng ngày 8/9, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức họp công tác ứng phó với bão Conson.
Tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, lúc 8h sáng nay, bão Conson đang hoạt động ở miền Trung Philippines, mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Đáng chú ý, ngoài bão Conson thì còn có bão Chanthu “rất mạnh” cũng đang hoạt động song song bên ngoài.
“Do khoảng cách không quá xa nên sẽ tác động đến cường độ, hướng di chuyển bão Côn Sơn khi đi vào Biển Đông và tác động đến đất liền Việt Nam”, lãnh đạo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nêu rõ.
Theo các chuyên gia dự báo, đêm nay, bão Conson sẽ vào Biển Đông. Ông Mai Văn Khiêm cho biết, hiện tại, bão nằm trên dải hội tụ nhiệt đới, đang chịu tác động của bão Chanthu và tác động hệ thống cao cận nhiệt đới. Do đó, hướng di chuyển vào Biển Đông trong 3-4 ngày tới sẽ có một số thay đổi nhất định.
Ông Khiêm cho rằng, hiện tại, nhận định còn phân tán, bởi có phương án bão đi lệch xuống Bắc Trung Bộ, có phương án sau khi bão đi qua quần đảo Hoàng Sa sẽ suy yếu dần.
Tuy nhiên, hầu hết các phương án bão Conson di chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ 20km/h hướng vào vịnh Bắc Bộ và hướng vào đất liền giữa các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Ông Khiêm cho hay, về cường độ, bão mạnh nhất đạt cấp 11 khi đi qua quần đảo Hoàng Sa, khi tiến gần về đảo Hải Nam sẽ suy yếu dần.
“Trước mắt cần lưu ý gió mạnh ở Bắc Biển Đông trong 2 -3 ngày tới, gió mạnh dần lên cấp 8, sau tăng lên cấp 10-11, giật cấp 12-13. Quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 11 trong ngày 10/9, toàn bộ các tàu thuyền phải lưu ý và cần có phương án phòng tránh an toàn”, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia lưu ý.
Nhận định tại cuộc họp về ảnh hưởng đối với khu vực trên đất liền, ông Mai Văn Khiêm cho biết, hiện bão còn chịu tác động của bão Chanthu (bão có thể đạt cấp 15-16) sẽ tác động đến cường độ và hướng di chuyển của bão Conson nên các phương án tính toán tổ hợp, chắt lọc đến thời điểm hiện tại vùng có khả năng chịu tác động của bão từ Bắc Trung Bộ đến Bắc Bộ.
Trong khi đó, về mức độ ảnh hưởng cường độ và mưa thì do bão còn xa, các tính toán cũng có thể biến động nên ông Khiêm cho hay, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia sẽ cập nhật những tác động và mưa sau khi bão vào đến Biển Đông.
Đồng thời, vì bão còn xa nên các phương án tính toán mô hình về mưa còn phân tán, với kịch bản xấu nhất theo đúng như dự báo lượng mưa có thể lên tới 200-300mm/đợt.
Sơ tán dân ở nơi có dịch Covid-19 khi bão Conson đổ vào
Tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho hay, theo dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, bão Conson đổ bộ vào đất liền sẽ vào khoảng đêm ngày 12/9 (Chủ nhật) đến rạng sáng 13/9 (thứ Hai) với cường độ cấp 10-11, giật cấp 13, kèm mưa lớn trên diện rộng.
Một nội dung rất đáng chú ý được các lãnh đạo Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai lưu ý đó là việc phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp ở nhiều địa phương.
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Bộ Y tế cho hay đã ban hành công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận, cũng như các đơn vị trực thuộc trong khu vực có thể bị bão đổ vào hoặc ảnh hưởng do hoàn lưu bão.
Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc sẵn sàng ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh, đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến bão Conson, tình hình mưa lũ để kịp thời cập nhật các phương án, ứng phó kịp thời trong tình huống mưa bão, lũ lớn, đồng thời đảm bảo công tác cấp cứu, thu dung, điều trị phòng chống dịch bệnh cho nhân dân không bị gián đoạn trong giai đoạn này.
Sau khi nghe báo cáo của đại diện Bộ Y tế, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai nêu vấn đề, nếu bão đổ bộ ở khu vực vùng đỏ, nơi mà người dân phải thực hiện ai ở đâu ở yên đó thì có được phép sơ tán dân, và sơ tán dân thì phải đảm bảo điều kiện như thế nào.
Đáp lại, đại diện Bộ Y tế cho biết, vấn đề này tùy theo tình huống thực tế. Trong tình huống bão lũ như thế này thì công tác đảm bảo an toàn cho người dân thì cần đặt trên hết.
“Những khu vực nào không đảm bảo an toàn chúng ta vẫn bắt buộc phải sơ tán đến những nơi an toàn. Những nơi sơ tán đến cũng phải đảm bảo các điều kiện của cách ly để phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế”, đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh.
Bộ Y tế cũng dự kiến các tình huống có thể xảy ra để lên phương án, sau đó trình lãnh đạo Bộ để có hướng dẫn triển khai.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa báo cáo tại cuộc họp nêu trở ngại về vấn đề sơ tán dân do có 114 xã phường thuộc 6 huyện, thị xã, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng. Vấn đề lựa chọn phạm vi sơ tán, sàng lọc đối tượng sơ tán và bố trí lực lượng như thế nào để đảm bảo phục vụ trong các khu cách ly, sơ tán là điều cần xem xét.
Ông Trần Quang Hoài kết luận cuộc họp đề nghị Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia tiếp tục theo dõi và
có bản tin dự báo kịp thời, chính xác. Ông Hoài cũng đề nghị Bộ Y tế sớm có hướng dẫn về phòng chống thiên tai trong điều kiện dịch bệnh.
Lãnh đạo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sẵn sàng ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tại công điện số 1107 ngày 31/8 và văn bản số 1100 ngày 23/8.
“Đặc biệt là phương án sơ tán đảm bảo an toàn thiên tai và an toàn phòng, chống dịch cho các địa điểm sơ tán, khu cách ly”, ông Hoài lưu ý.
Ông Hoài cũng nhấn mạnh, khi ứng phó với bão Conson thì khu vực vùng ảnh hưởng của bão và khu vực tàu thuyền neo đậu phải có phương án bảo đảm an toàn khi bão đổ bộ.
Theo ông Hoài, ở miền núi, mực nước các hồ chứa ở mức độ thấp nhưng mưa trong một tuần qua có những nơi trên 200mm nên nước đang trong tình trạng bão hòa, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất hiện hữu. Do đó, nếu xảy ra mưa từ 150-200mm có thể nhiều nơi sẽ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Một số hồ chứa, hồ thủy lợi, thủy điện nhỏ có thể phải xả lũ.
Trong tình hình hiện nay, nếu bão Conson vẫn giữ cường độ và hướng đi như dự báo thì Phó Thủ tướng Lê Văn Thành có thể sẽ họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai với lãnh đạo các Ban Chỉ huy, các bộ, ngành, địa phương vào thứ Sáu ngày 10/9 tới đây.
Bão Conson sẽ rất phức tạp?
Đánh giá về diễn biến của cơn bão Conson, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết các phương án tính toán dự báo mới nhất của Việt Nam và thế giới cho thấy quỹ đạo và cường độ của bão Conson còn rất phức tạp, dự báo cường độ và quỹ đạo của bão Conson sau khi đi qua Philippines còn thay đổi nhiều.
Theo ông Lâm, ở thời điểm hiện tại, khả năng cao nhất là bão Conson sau khi suy yếu khi đi qua Philippines, vào Biển Đông sẽ được tổ chức lại, mạnh dần lên và di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 15-20km/h.
“Các dự báo cho bão Conson còn rất phân tán, nguyên nhân chính là do bão đang ở trên vùng đảo và đất liền của Philippines, tương tác với đất liền, các cụm đảo và cả bão Chanthu bên ngoài khiến bão Conson còn rất khó lường”, ông Hoàng Phúc Lâm nói.
Nhận định về nguy cơ bão Conson có thể gây ra đối với Việt Nam, ông Hoàng Phúc Lâm cho biết, với phương án khả năng xảy ra cao nhất cho quỹ đạo và cường độ bão Conson là đêm 8/9, sau khi đi qua Philippines, bão Conson sẽ đi vào Biển Đông trở thành cơn bão số 5 năm 2021.
Bão Conson có hướng di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ di chuyển trung bình 20km/h, ảnh hưởng trực tiếp, gây sóng to, gió lớn cho khu vực quần đảo Hoàng Sa trong ngày 10/9. Bão sẽ đạt mạnh nhất khoảng cấp 11 khi đi qua vùng biển quần đảo Hoàng Sa và trước khi tiến gần về đảo Hải Nam (Trung Quốc) sau đó có quá trình suy yếu dần.
Những nguy cơ và tác động lớn nhất của bão Conson sẽ là gió rất mạnh trên toàn bộ vùng biển Bắc Biển Đông trong các ngày từ 9-11/9, trong đó khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 11 trong khoảng ngày 10/9, toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên khu vực này cần phải được tránh trú an toàn trước khi bão đổ bộ.
Đáng chú ý, dự báo, sau cơn bão số 5, từ nay cho tới hết năm 2021, trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện khoảng 6 – 8 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, và khoảng còn khoảng từ 2 đến 4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam.
Về diễn biến mưa lũ giai đoạn tháng 10-11 và nửa đầu tháng 12/2020 là quãng thời gian xảy ra mưa lớn dồn dập ở khu vực miền Trung, với các đợt mưa lớn kéo dài cộng thêm nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét và sạt lở đất ở mức cao, trọng tâm là các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ.
EVN tạm ngừng tất cả các hoạt động không cần thiết, ứng phó bão Conson
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có công điện số 5513 gửi toàn bộ các đơn vị thành viên chủ động ứng phó với diễn biến của bão Conson và mưa lớn trong bối cảnh dịch Covid-19.
EVN cho hay Tập đoàn đang tập trung đôn đốc các đơn vị trực thuộc gấp rút triển khai các biện pháp chủ động ứng phó bảo đảm hành lang an toàn lưới điện nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với hệ thống lưới điện do ảnh hưởng của cơn bão này.
Các đơn vị ngành điện lực sẽ tạm ngưng các hoạt động chưa cần thiết, tập trung chỉ đạo, kiểm tra thực hiện các nội dung công việc liên quan đến ứng phó, khắc phục hậu quả do bão gây nên.
Đối với các công ty thủy điện trực thuộc, các tổng công ty phát điện, EVN chỉ đạo tổ chức quan trắc, thu thập thông tin về khí tượng thủy văn, chủ động phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để tuyên truyền, vận hành đảm bảo an toàn, hiệu quả.
EVN cũng cam kết về việc tham gia cắt giảm, làm chậm lũ, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du, triển khai thực hiện các phương án đảm bảo an toàn công trình hồ đập, vùng hạ du hồ chứa, đặc biệt là các điểm xung yếu.
Theo ông Phạm Hồng Long, Trưởng ban An toàn EVN, hiện tại tất cả các hồ chứa thủy điện do EVN quản lý khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ – khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi bão Conson đều dưới mực nước cho phép.
Theo ông Long, trong thời gian qua cũng không có lũ nên hiện mực nước các hồ chứa đang thấp, có dung tích phòng lũ cao.
“Các nhà máy đang thực hiện theo đúng quy định tại quy trình vận hành liên hồ chứa và đơn hồ chứa”, Trưởng ban An toàn EVN nhấn mạnh.
Đối với hệ thống lưới điện, các đơn vị trực thuộc EVN đang tiếp tục tập trung xử lý các tồn tại, gia cố điểm xung yếu. Chuẩn bị sẵn sàng vật tư, thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ” trong giai đoạn hiện nay.
Tập đoàn chủ động xử lý kịp thời các tình huống mất an toàn có thể xảy ra, đặc biệt là tình huống xả lũ khẩn cấp.
Với công ty nhiệt điện trực thuộc, các tổng công ty phát điện tăng cường kiểm tra hệ thống mái che, hệ thống thoát nước mặt, kho nhiên liệu, bãi thải xỉ đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy, không làm ảnh hưởng đến môi trường.
Tập đoàn Điện lực cho biết, trong trường hợp thiên tai gây sự cố mất điện sẽ huy động tối đa nhân lực, phương tiện nhanh chóng tổ chức xử lý, khắc phục, sớm khôi phục điện đảm bảo an toàn và ưu tiên các phụ tải quan trọng, các phụ tải đảm bảo điện phòng chống dịch Covid-19, các công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn.
Các đơn vị lưu ý dự phòng nhiên liệu cho sản xuất điện khi các địa phương thực hiện lệnh cấm biển.
EVN cũng kiến nghị chính quyền các địa phương khu vực bão Conson có khả năng ảnh hưởng trực tiếp cần khẩn trương hỗ trợ, phối hợp vận động người dân chặt tỉa cây xanh, phát quang hành lang tuyến đường trước khi bão đổ bộ nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với hệ thống lưới điện, bảo đảm an toàn tài sản và tính mạng của người dân do mưa to gió lớn có thể gây ra.
EVN cũng đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai và chính quyền các địa phương tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho các lực lượng, phương tiện ứng trực và xử lý sự cố điện sau bão để có thể phát hiện, khôi phục cấp điện trở lại sớm nhất những sự cố do mưa bão gây ra.
“Các đơn vị tổ chức trực ban 24/24h, tuyệt đối không được chủ quan và cần tăng cường kiểm tra việc chuẩn bị ứng phó, khắc phục ảnh hưởng của thiên tai”, EVN nêu rõ.
Quân đội sẵn sàng hơn nửa triệu quân ứng phó với bão Conson
Đại tá Phạm Hải Châu, Phó Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu đã chỉ đạo các đơn vị triển khai phương án ứng phó với bão Conson.
Thống kê đối với lực lượng quân đội đã sẵn sàng hơn 500.000 bộ đội, dân quân tự vệ cùng hơn 2.000 trang thiết bị để ứng phó với cơn bão này.
Báo cáo tại các địa phương với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho thấy, một số nơi đã rà soát phương án sơ tán dân trong trường hợp bão Conson diễn biến phức tạp, thành bão mạnh, gây mưa lớn trên diện rộng khi dịch Covid-19 còn phức tạp.
Trong đó, dự kiến sơ tán 73.996 dân khu vực ven biển, 114.091 dân khu vực ven sông và ngoài đê, 70.770 dân khu vực nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất.
Các tỉnh đang tiếp tục tổng hợp rà soát phương án sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm theo từng kịch bản về diễn biến thiên tai có khả năng xảy ra trong đợt này.
Hà Thu