“Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong cuộc chiến chống dịch COVID-19
Hiện nay, các cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát trường hợp thuộc diện hỗ trợ để trình UBND tỉnh phê duyệt, đảm bảo không bỏ sót đối tượng.
Ngay sau khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 68 và Quyết định số 23, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai chính sách trên, vợ chồng chị Lê là một trong những trường hợp được nhận tiền hỗ trợ trong đợt này. Chị Lê vui mừng cho biết, lãnh đạo UBND xã đã đến động viên, thăm hỏi và trao tiền hỗ trợ cho vợ chồng chị và các trường hợp F1 bị ảnh hưởng sau khi hoàn thành thời gian cách ly. Mọi người rất xúc động trước sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành trong tỉnh. Chính sách này đã giúp gia đình chị vượt qua khó khăn trước mắt, ổn định cuộc sống.
Vợ chồng chị Chu Thị Lê, người Cao Lan, ở thôn 18, xã Kim Phú, thành phố Tuyên Quang trước đây từng làm việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hosiden Việt Nam (Bắc Giang) và bị mắc COVID-19. Sau khi thực hiện cách ly, điều trị dài ngày, vợ chồng chị đã có kết quả âm tính và sức khỏe trở lại bình thường nhưng cuộc sống rất khó khăn vì phải nuôi con nhỏ. Hai vợ chồng chị tranh thủ làm thêm trong những ngày chưa thể trở lại công ty làm việc.
Tính theo đủ các tiêu chí, cả gia đình nhận được gần 9 triệu đồng hỗ trợ từ Nhà nước, chị xúc động: “Trong lúc đợi việc, vợ chồng có đi làm tăm thuê nhưng thu nhập cũng không đủ chi phí, số tiền được Nhà nước hỗ trợ thực sự đã giúp đỡ gia đình trang trải được một số khoản chi phí, cầm cự đến lúc có việc trở lại”.
Được biết, UBND xã Kim Phú, xã có 16 trường hợp từng là F1, F0 được nhận quyết định hỗ trợ trong đợt này với số tiền gần 20 triệu đồng. Xã đã hoàn thành việc chi trả cho người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 theo đúng quy định. Qua rà soát, có 7 hộ kinh doanh thuộc diện hỗ trợ, UBND xã đã lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho các hộ này. Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Phú cho biết, xã cố gắng hoàn thành việc chi trả sớm nhất để người dân yên tâm, tin tưởng vào cách chính sách của Đảng và Nhà nước, “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Hiện nay, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã rà soát, lập danh sách người lao động, người dân, hộ kinh doanh cá thể… để đề nghị UBND tỉnh phê duyệt, triển khai sớm chính sách hỗ trợ cho trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Theo ông Đỗ Chí Thanh, Trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Yên Sơn cho biết, trong đợt dịch vừa qua, huyện có 71 trường hợp phải cách ly dài ngày được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn, với kinh phí trên 129 triệu đồng. Các chính sách hỗ trợ khác của Nghị quyết 68 như: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng; hỗ trợ hộ kinh doanh; cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất… đang được địa phương rà soát, tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt.
Đồng thời, theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang, đến ngày 2/8, toàn tỉnh có trên 28.830 trường hợp gồm các F0, F1, người lao động, viên chức hoạt động nghệ thuật, hộ kinh doanh… được chi trả hỗ trợ với số tiền trên 820 triệu đồng. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát trường hợp thuộc diện hỗ trợ để trình UBND tỉnh phê duyệt, đảm bảo không bỏ sót đối tượng.
Ông Hoàng Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang khẳng định, việc hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 được thực hiện trên tinh thần khẩn trương, rà soát có đối tượng đến đâu giải quyết ngay đến đó. Chính quyền các cấp đều đẩy nhanh tiến độ để kịp thời hỗ trợ cho người lao động và các đối tượng theo quy định.
Đầu tháng 7.2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 và Quyết định 23 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với 12 chính sách cơ bản như: Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương…
Trong đó chính sách số 12 hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù được cho sẽ phát sinh một số khó khăn khi thực hiện. Mấu chốt của việc thực hiện hiệu quả chính sách này là các địa phương xây dựng tiêu chí, xác định đúng đối tượng làm căn cứ để hỗ trợ kịp thời, đảm bảo nguồn lực Nhà nước được sử dụng đúng mục đích.