Được đánh giá là thế hệ phóng khoáng, tự do nhất từ trước đến nay, Gen Z đã thể hiện tư duy mở trong việc đón nhận các tác phẩm âm nhạc.
Gen Z – Thế hệ Z, là cụm từ để nói đến những người trẻ sinh ra trong khoảng từ giữa những năm 1990 đến giữa những năm 2000 (theo Wikipedia). Đây là thế hệ lớn lên trong thế giới trực tuyến và có cơ hội tiếp xúc với công nghệ ngay từ nhỏ. Gen Z được xem là thế hệ tự do nhất từ trước tới nay. Sự tự do này được thể hiện rõ ràng trong cách thế hệ Z đón nhận các tác phẩm âm nhạc.
Đa dạng về thể loại âm nhạc
Với tinh thần rộng mở và cơ hội được tiếp xúc với nhiều trào lưu văn hóa thông qua Internet, thể hệ Z luôn sẵn sàng đón nhận, lắng nghe các thể loại âm nhạc khác nhau. Thật không khó để tìm thấy trong playlist của một bạn trẻ các ca khúc Kpop sôi động, nhạc đồng quê Mỹ và cả những bản Ballad Việt trữ tình, lãng mạn.
Nếu các thế hệ trước còn do dự khi đón nhận các thể loại âm nhạc có phần mới mẻ như Hip-hop hay Rap thì giờ đây gen Z đã mở lối, tạo ” đất sống” cho những dòng nhạc này. Minh chứng rõ ràng nhất chính là sự thành công của hai chương trình truyền hình về Rap cuối năm 2020 là Rap Việt và King Of Rap. Những cái tên nổi bật trong cả hai sân chơi hầu hết cũng đều là một bộ phận của thế hệ Z như Dế Choắt, Tlinh. MCK, Pháo,… Như vậy, âm nhạc Việt đã bước sang một chương mới Gen Z làm nhạc cho Gen Z nghe.
Phóng khoáng về ca từ
Trước đây, vấn đề ca từ luôn là vấn đề gây ra nhiều tranh cãi. Các từ ngữ có phần nhạy cảm sẽ bị lược bỏ khi các ca khúc được phát trên sóng truyền hình quốc gia. Thế nhưng, ngày nay sự chào đón của Gen Z đã tạo động lực cho các nhà làm nhạc tự do hơn trong việc sáng tạo ca từ.
Ngôn từ được sử dụng trong lời ăn tiếng nói hằng ngày đã trở khiến các tác phẩm âm nhạc trở nên chân thật hơn, dễ dàng tiếp cận với số đông công chúng. Đó có lẽ cũng chính là công thức thành công của nam rapper Đen Vâu. Sự chân thành trong câu chữ đã khiến các sản phẩm âm nhạc của Đen nhanh chóng chạm tới trái tim khán giả Gen Z.
Độc đáo về chủ đề
Bên cạnh chủ đề tình yêu muôn thuở, âm nhạc của thế hệ Z còn hướng tới những chủ đề vô cùng mới mẻ như xê dịch, tin tức thời sự và triết lý nhân sinh. Là thế hệ tự do, Gen Z đặc biệt quan tâm đến vấn đề đi để khám phá. Những ca khúc nổi bật xoay quanh hành trình trải nghiệm được các bạn trẻ đặc biệt yêu thích là “Đi thật xa để trở về” (Soobin Hoàng Sơn), “Đưa nhau đi trốn” (Đen Vâu), “Bài ca tuổi trẻ” (nhiều nghệ sĩ),…
Các vấn đề nóng hổi, thu hút sự chú ý của xã hội cũng nhanh chóng được các nghệ sĩ đưa vào âm nhạc. Cụ thể, để phản ánh những mảng tối trong showbiz, nam ca sĩ Trúc Nhân đã đem đến ca khúc “Thật bất ngờ”. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, rất nhiều bài hát về chủ đề này cũng đã được trình làng như “Ghen Cô-vy” (Khắc Hưng – Min – Erik), “Cả nước không ưa em” (Phan Mạnh Quỳnh),… Khi tin tức về những người Việt vượt biên phải bỏ mạng tại Anh Quốc khiến đồng bào trong nước không khỏi đau lòng, ca khúc “Nước ngoài” của nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh cũng đã được nhiều khán giả trẻ chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.
Được đón nhận, tiếp thu nhiều luồng văn hóa khác nhau, thế hệ Z có thể tự hình thành các quan điểm, triết lý từ rất sớm. Âm nhạc khi đó chính là phương tiện truyền tải những chiêm nghiệm đã được đúc kết của người nghệ sĩ. Ngọt Band được đánh giá là một trong những ban nhạc Việt khéo léo đưa triết lý nhân sinh vào tác phẩm âm nhạc. Các ca khúc như “Quan điểm”, “Chuyển kênh”,… đã đưa triết lý sống của người trẻ đến với người trẻ. Bên cạnh Ngọt Band, Lê Cát Trọng Lý hay Tiên Tiên cũng là các nghệ sĩ thường xuyên lồng ghép triết lý nhân sinh trong những “đứa con tinh thần” của mình.