Kết nối với chúng tôi

Thời sự Thể thao

Văn phòng CDC Đông Nam Á của Mỹ sẽ giúp ích gì trong việc phòng chống dịch Covid-19 ở Việt Nam?

Theo dự kiến trong chuyến thăm Việt Nam, Phó Tổng thống Mỹ Kamala D. Harris sẽ khai trương Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC) tại Hà Nội vào ngày 25/08. Trong khi đó, tình hình dịch Covid-19 trong nước đang hết sức căng thẳng, văn phòng CDC của Mỹ liệu sẽ giúp ích?

Khai trương văn phòng CDC Đông Nam Á tại Hà Nội

Sau 3 giờ bị hoãn, khoảng 21h45 ngày 24/08, chiếc máy bay Không lực 2 của Phó Tổng thống Hoa Kỳ đã hạ cánh xuống phi trường quốc tế Nội Bài, Hà Nội.

Nhân chuyến thăm Việt Nam từ ngày 24-26/8, Phó Tổng thống Mỹ Kamala D. Harris sẽ khai trương Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC) tại Hà Nội.

Ngày hôm nay 25/08, buổi lễ sẽ diễn ra vào khoảng 15:30 (theo giờ Việt Nam), với sự tham dự của Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, Giám đốc CDC Mỹ, các Phó Thủ tưởng và các Bộ trưởng Y tế đến từ các quốc gia.

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris bắt đầu chuyến thăm Việt Nam

Thông cáo từ Đại sứ quán Mỹ cho biết, văn phòng khu vực mới sẽ tăng cường năng lực của CDC nhằm đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ người dân trong khu vực thông qua việc ứng phó với các mối đe dọa y tế một cách nhanh chóng hơn. Đồng thời, xây dựng các kết nối quan trọng nhằm giải quyết những ưu tiên chung về y tế.

Ngoài ra, CDC đóng vai trò đặc biệt phù hợp để tăng cường gắn kết và hợp tác của Mỹ với các lãnh đạo Đông Nam Á nhằm nâng cao năng lực khu vực trong việc ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với các bệnh truyền nhiễm và các mối đe dọa y tế mới nổi khác.

Những ưu tiên dành cho văn phòng khu vực mới này bao gồm:

  • Xây dựng lực lượng y tế công cộng cho tương lai, mở rộng đào tạo – tập huấn cho các cơ sở xét nghiệm y tế công cộng trong khu vực;
  • Phát triển các chương trình đổi mới nhằm cải thiện sức khỏe cho các nhóm dân số lưu động và di cư;
  • Bảo đảm công tác phối hợp đồng bộ ứng phó trước các tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng thông qua mạng lưới các Trung tâm Điều hành ứng phó Khẩn cấp;
  • Tăng cường hệ thống cảnh báo sớm nhằm phát hiện các bệnh truyền nhiễm mới nổi và có nguồn gốc từ động vật.

Cập nhật sáng 25/08, Việt Nam có 369.267 ca mắc COVID-19 kể từ đầu dịch đến nay, đứng thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 168/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.756 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 365.152 ca.

Trong 10.811 ca nhiễm Bộ Y tế công bố tối 24/8 có 10.797 ca ở 43 tỉnh thành, tăng 531 ca so với hôm trước đó; 7.663 người khỏi bệnh; 348 ca tử vong.

Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến ngày 24/8 là 9.014 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong trên thế giới.

Hy vọng với chuyên môn cao và đầy đủ tiêu chuẩn của văn phòng CDC Đông Nam Á sẽ giúp phân tích tình hình dịch ở Việt Nam nói chung và trước mắt là Hà Nội đưa ra phương án phù hợp để đưa thành phố sớm trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Tình hình dịch tại Hà Nội sáng 25/08

Sở Y tế Hà Nội sáng 25/8 cho biết, trong 12 giờ qua ghi nhận 4 ca mắc mới trong đó 2 ca tại cộng đồng và 2 ca khu cách ly.

Các chuỗi cửa hàng ở khu vực hồ Hoàn Kiếm cửa đóng then cài.
Hà Nội đặt mục tiêu kiểm soát dịch trước mốc thời gian 6/9

Trước đó vào tối 24/8, sau khi thành phố ghi nhận thêm 9 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 4 trường hợp ghi nhận tại cộng đồng, đã nâng tổng số ca lên 67 ca COVID-19 trong vòng 24 giờ, trong đó 33 ca cộng đồng.

So với những tỉnh, thành khác tổng ca nhiễm ở Hà Nội vẫn là con số khá khiêm tốn, cụ thể 05 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (184.872), Bình Dương (77.053), Đồng Nai (19.110), Long An (18.586), Tiền Giang (7.836).

Tuy nhiên, Thủ đô đã trải qua hơn một tháng giãn cách xã hội nhưng số ca nhiễm mới được phát hiện trong cộng đồng vẫn chưa giảm triệt để. Thành phố đang tận dụng “15 ngày vàng” để giải quyết được bài toán dịch tế trước mốc thời gian 6/9.

Nói về thời gian giãn cách xã hội để chống dịch từ ngày 23/8 đến ngày 6/9, lãnh đạo thành phố Hà Nội đánh giá:

“Đây là thời điểm then chốt, quyết định đến hiệu quả công tác phòng, chống dịch” ở Thủ đô từ trước tới nay.

Đây cũng là quyết định bảo vệ thành quả đã đạt được trong một tháng qua của Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội khi dựa vào cơ sở khách quan.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4 đến nay) là 2.681 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.354 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.327 ca.

Hà Thu

Xem thêm Thời sự Thể thao