Nhạc ngoại lời Việt – Một trong những xu hướng âm nhạc đã không còn mới mẻ tại Việt Nam khi đã có “bề dày lịch sử” hàng chục năm trước. Nhắc đến thể loại âm nhạc này chắc chắn khán giả sẽ nhớ ngay đến loạt sản phẩm từ Đan Trường, Cẩm Ly hay Lam Trường, khi họ là những cái tên tiên phong trong xu hướng Việt hóa nhạc ngoại.
Tưởng chừng cũng chung số phận với sự thoái trào của dòng nhạc teen-pop những năm 2000, xu hướng nhạc ngoại lời Việt trong những năm gần đây bất ngờ tái nở rộ, tạo nên một cuộc chơi hết sức nhộn nhịp mà đa phần người tham gia là các ca sĩ trẻ. Chỉ trong một thời gian ngắn, các BXH âm nhạc hoặc trending Youtube đã chứng kiến sự “xâm lấn” của các sản phẩm nhạc ngoại lời Việt, khiến chúng ta phải đặt ra một câu hỏi: “Phải chăng trào lưu này đã sống dậy sau nhiều thập kỷ lụi tàn và sẽ thống trị thị trường trong thời gian tới?”.
Quay ngược thời gian về giai đoạn những năm 90, thời điểm này khán giả Việt Nam vẫn đang chịu sức ảnh hưởng mạnh mẽ của nền nghệ thuật nước ngoài. Về âm nhạc thì K-Pop và US-UK có thể được xem là 2 quốc gia có tác động mạnh mẽ nhất đến tai nghe khán giả Việt với những tên tuổi đình đám như: SNSD, T-Ara, Super Junior, BIGBANG,… Vì giai đoạn đó mạng truyền thông vẫn chưa phát triển, nên khán giả phải níu chân trước màn ảnh TV, thậm chí phải tìm đến băng đĩa lậu với mong muốn được chiêm ngưỡng thần tượng.
Trong khi đó, những tác phẩm điện ảnh kinh điển của Trung Quốc cũng chứng tỏ sức hút mạnh mẽ với khán giả Việt Nam không hề kém cạnh bất kỳ một idol quốc tế nào. Hoàn châu cách cách, Tân dòng sông ly biệt, Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài,… có thể được xem là những tác phẩm điện ảnh sống mãi với thời gian cũng như ký ức của nhiều thế hệ khán giả. Bên cạnh đó, những bản nhạc trong loạt tác phẩm điện ảnh này cũng vì thế mà trở nên hot “rần rần”, đưa ngành công nghiệp âm nhạc Trung Quốc đến gần hơn với khán giả Việt Nam.
Nắm bắt được nhu cầu khán giả, hàng loạt tên tuổi bấy giờ của làng nhạc bắt đầu tìm tòi và Việt hóa những ca khúc nước ngoài. Nổi bật có thể kể đến Chàng trai Bắc Kinh của cặp đôi ca sĩ Minh Thuận – Nhật Hào. Thành công ngoài sức tưởng tượng của dự án này đã tạo động lực cho cặp đôi thu âm và phát hành loạt series cùng tên tới số thứ… 16.
Hay Lam Trường cũng là một ví dụ rất thành công khi ra mắt tuyển tập nhạc Hoa lời Việt. Điển hình nhất phải nhắc đến album Mãi mãi ra mắt 1998, đã sản sinh cho Lam Trường hàng loạt các ca khúc hit như: Tuyết lạnh, Tuyết sơn phi hồ, Vầng trăng khuyết,… Hay Cẩm Ly – Đan Trường cũng từng ra mắt những dự án như Tuyết hồng, Ảo mộng tình yêu,… và hoàn toàn thành công khi đánh đúng vào tâm lý khán giả.
Tuy nhiên, như một quy luật tuần hoàn, việc sản xuất những ca khúc nhạc ngoại lời Việt không còn là một chiến thuật tốt khi cuối cùng nó vẫn rơi vào thời kỳ thoái trào. Trong giai đoạn xu hướng nhạc ngoại lời Việt đi xuống, V-Pop bước vào một “đế chế” âm nhạc mới với những cập nhật mang đậm hơi thở quốc tế như EDM hay rap. Chưa kể, sự phát triển mạnh mẽ của một thể loại âm nhạc khác là Indie cũng dần góp mình vào vòng xoay thay đổi xu hướng nghe nhạc của người trẻ, tạo nên một cục diện “đa chiều” mà ở đó, V-Pop chưa bao giờ được sinh động như thế.
Từ giữa năm 2019, xu hướng nhạc ngoại lời Việt dần dần lăm le trở lại, tuy nhiên sự phát triển quá mạnh của các sản phẩm chính thống đã khiến cho đường đi của nó khá khó khăn. Phải đến khi ca khúc Độ ta không độ nàng tạo nên một cơn sốt khủng trên mạng xã hội, cánh cửa “hồi sinh” của thể loại âm nhạc này đã chính thức mở ra.
Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt những sản phẩm nhạc ngoại lời Việt đã xuất hiện trong “thời đại mới” và lần nữa chứng tỏ sức công phá của mình. Độ ta không độ nàng (Nhiều ca sĩ) và Tình sầu thiên thu muôn lối (Doãn Hiếu) có thể được xem là 2 sản phẩm nổi bật nhất góp phần đưa xu hướng nhạc ngoại lời Việt tái nở rộ trong Vpop. Chưa cần bàn về chất lượng hay nội dung, nhưng chỉ cần tìm kiếm trên Youtube những đoạn clip về 2 ca khúc này đều cho ra những tác phẩm nằm ở phân khúc từ vài triệu cho đến hàng trăm triệu view.
Hay gần đây nhất, Chỉ là không cùng nhau (Tăng Phúc – Trương Thảo Nhi), Như mùa tuyết đầu tiên (Văn Mai Hương), Biệt khúc chờ nhau (Hòa Minzy – Anh Tú – Văn Mai Hương),Thiên hạ hữu tình nhân (Juky San)… cũng là những dự án nhạc ngoại lời Việt gây được rất nhiều tiếng vang. Thậm chí, những sản phẩm này còn bỏ xa các dự án cá nhân của họ một khoảng cách rất xa về thành tích số trên các nền tảng trực tuyến.
Có thể thấy được rằng trong những năm gần đây, cả nghệ sĩ và khán giả đều đang có xu hướng tìm về dòng chảy âm nhạc mang tính chất hoài cổ. Việc ra mắt những dự án âm nhạc cổ trang hay lấy ý tưởng từ các tác phẩm văn học cho thấy xu hướng khán giả ngày nay rõ ràng đã có sự thay đổi. Khi thế giới đang vận hành với tốc độ chóng mặt thì những thứ cũ kỹ và hoài niệm sẽ luôn tạo ra cho mình giá trị rất riêng. Cũng chính vì vậy, xu hướng tìm lại những ca khúc cũ hay phổ lời Việt cho nhạc ngoại không phải tự nhiên trở lại và tạo nên một làn sóng đầy hùng mạnh như vậy.
Một điểm chung của những sản phẩm này chính là việc chúng được viral rất mạnh mẽ trên nền tảng video Tik Tok cũng như các fanpage “so deep” về âm nhạc. Đây cũng chính là nơi đưa những ca khúc nhạc Hoa như: Thời không sai lệch, Phi điểu và ve sầu, Kiêu ngạo,… đến tai nghe khán giả Việt. Hầu hết khi truy cập vào những link nhạc này có thể thấy được lượng người xem và tương tác vô cùng lớn, mà trong đó bộ phận khán giả Việt Nam chiếm số lượng không hề ít. Dù muốn hay không, nhưng phải công nhận rằng sự thâm nhập của các nền tảng mạng xã hội từ nước ngoài ít nhiều đã gây tác động đến xu hướng nghe nhìn của giới trẻ Việt Nam, tạo ra mối quan hệ “cung – cầu” giữa khán giả và nghệ sĩ.
Việc các sản phẩm nhạc ngoại lời Việt tạo được thành công lớn trên mạng xã hội cũng chính là lúc chúng được các ca sĩ mang lên sân khấu âm nhạc. Chỉ trong một thời gian ngắn, liên tục xuất hiện các đoạn clip Tăng Phúc, Văn Mai Hương, Hòa Minzy trình diễn những ca khúc nhạc ngoại lời Việt tại các chương trình.
Tất nhiên đây có lẽ là câu chuyện quá đỗi bình thường khi trước đó đã được rất nhiều khán giả đón nhận. Nhưng về lâu về dài, việc sử dụng những ca khúc nhạc ngoại phổ lời Việt và mang chúng đi trình diễn như một “tài sản” của riêng mình lại cho thấy sự thụt lùi về tư duy âm nhạc.
Bởi suy cho cùng, những ca khúc nhạc ngoại lời Việt là những sản phẩm từng rất thành công trước đây, và các nghệ sĩ Việt chỉ có nhiệm vụ làm mới để chúng trở nên phù hợp với thị hiếu khán giả. Chính vì thế, các sản phẩm này khi ra mắt gần như đã nắm trong tay đến 60% khả năng sẽ thành công và tạo hit.
Nếu xét về thực tế, sự xuất hiện của nhạc ngoại lời Việt đã góp phần tạo nên sự đa dạng và độc đáo cho V-Pop. Tuy nhiên, việc một bộ phận lớn ca sĩ trẻ ngày nay vì “mờ mắt” trước trào lưu này mà đã bất chấp ra mắt các sản phẩm nhạc ngoại lời Việt nhiều đến mức lấn lướt những ca khúc được sản xuất tại V-Pop. Thậm chí, nhiều ca sĩ còn gây không ít tranh cãi khi hát bằng tiếng mẹ đẻ nhưng lại thực hiện các MV mang dậm sắc thái cổ trang nước ngoài như Nguyễn Trần Trung Quân, Hoàng Yến Chibi, Lâm Khánh Chi,…
Việc các ca sĩ bắt kịp trào lưu để đáp ứng nhu cầu khán giả là điều rất nên khuyến khích, nhưng đó chỉ nên là kiến thức, là kinh nghiệm để hoàn thiện các sản phẩm cá nhân thay vì tô vẽ để biến nó trở thành một diện mạo khác. Vì đến cuối cùng, khán giả sẽ công nhận những nghệ sĩ có cá tính, có tư duy âm nhạc độc lập thay vì mãi chạy theo xu hướng để mưu cầu sự thành công chỉ nằm trong khoảng “nhất thời”. Đó mới chính là cốt lõi tạo nên giá trị riêng cho âm nhạc Việt Nam.
Theo Saostar.vn