Kết nối với chúng tôi

Thể thao

Những kỹ thuật cốt lõi khi đi xe đạp mà bạn cần biết

Sở hữu xe đạp thể thao để tập luyện nâng cao thể lực đang là trào lưu ở Hà Nội, cũng như ở một số thành phố lớn. Người chơi xe có đủ mọi thành phần và lứa tuổi. Nhưng các tay đua “nghiệp dư’’ cũng cần phải nắm vững những kỹ năng cơ bản trước khi cầm lái suốt chặng đường dài vào mỗi buổi sáng.

Hiện nay, ở dòng xe thể thao, các thương hiệu nhập ngoại gần như chiếm lĩnh toàn bộ thị trường Hà Nội. Các cửa hàng bán xe đạp thể thao thương hiệu Đức, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc… mọc lên ở rất nhiều tuyến phố là dấu hiệu chứng tỏ thú chơi tao nhã này đang ngày càng phát triển và rất thịnh hành trên thị trường.

Đồng thời, việc tập luyện bằng xe đạp rất đơn giản, dễ tham gia, rèn luyện sức khỏe tốt và không quá tốn kém, thú chơi xe đạp đang trở thành một trào lưu thể thao thu hút rất nhiều người tham gia, trong đó cả giới trẻ. Đồng thời, bạn cần phải nắm được những kỹ năng cơ bản để tập luyện, kỹ thuật đi xe đạp thể thao có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng luyện tập nếu bạn dùng xe đạp làm công cụ thể dục thể thao mỗi ngày.

Theo anh Lê Văn Giang là người gắn bó gần 25 năm với xe đạp Thống Nhất chia sẻ: “Để đảm bảo kỹ thuật cho các tay đua chuyên nghiệp thì điều này càng quan trọng, đồng thời, tập luyện đúng kỹ thuật thì sẽ đạt được hiệu quả như ý muốn, còn nếu áp dụng kỹ thuật sai trong thời gian lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, vóc dáng”.

Những kỹ năng cơ bản khi tập luyện xe đạp thể thao

“Nếu nghiên cứu về lý thuyết thì mọi thứ có vẻ khá phức tạp, khó hiểu. Nhưng khi vận dụng thực tế lại hoàn toàn khác, đồng thời áp dụng đúng kỹ thuật, việc đạp xe sẽ như sang một trang mới, bạn có thể khám phá được nhiều điều về bản thân mà trước đây mình không biết. Điều bạn cần lưu ý đầu tiên khi muốn áp dụng đúng kỹ thuật đi xe đạp thể thao là tư thế ngồi phải chuẩn. Tư thế đúng có ảnh hưởng rất lớn đến vóc dáng và sức khỏe hệ xương khớp. Tư thế ngồi đúng là người hơi nghiêng về phía trước 1 góc khoảng 45 độ”. Anh Giang cho biết thêm

Cũng theo anh Giang, đầu giữ thẳng với lưng, duỗi thẳng hai cánh tay, bụng hóp chặt, đùi song song với thanh ngang của xe đạp. Hông giữ chính giữa yên xe đạp. Tư thế này giúp cho phần đầu gối và hông có thể dễ dàng phối hợp nhịp nhàng. Vị trí ngồi còn phụ thuộc vào chiều cao yên xe. Yên xe không nên quá cao cũng không được quá thấp. Chiều cao hợp lý giúp bạn thoải mái khi điều khiển xe. Giữ tay phanh ở giữa hai tay lái phần đệm cao sau và choãi ngón giữa ra phía trước để luôn chủ động bóp phanh ở những lúc cần thiết, tay luôn phải để ở chế độ thoải mái, hơi khuỳnh một chút. Điều này giúp bạn chủ động, linh hoạt trong quá trình điều khiển chiếc xe.

Có nhiều năm chơi xe đạp thể thao, hiện là quản lý cửa hàng xe đạp thương hiệu lớn nhất Hà Nội, anh Ngô Anh Tú, cho biết, xe đạp thể thao đang là thú chơi thịnh hành hiện nay nhưng không phải ai cũng biết đạp xe đúng tư thế. Nếu kéo dài, tư thế đạp xe sai sẽ có ảnh hưởng xấu, thậm chí là gây hại cho cột sống và khớp gối.

Theo anh Tú, mỗi người cần điều chỉnh yên phù hợp với chiều cao của mình.  “Khi ngồi lên yên xe, chỉ mũi bàn chân chạm đất. Khi đạp xe chân phải căng, để không chùng đầu gối. Nếu muốn tiếp đất chỉ cần bóp phanh, khi xe dừng hẳn thì nghiêng người để xuống, như thế gọi là đi xe đúng cách”.

Đã thành thông lệ, cứ 5h sáng hàng ngày chú Táo ở Quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội cũng như những người bạn của mình, bắt đầu vượt chặng đường 15km đi qua các con phố đi lên hồ Tây và dừng nghỉ chân ở đây. Bình quân mỗi ngày chú đi khoảng 30km để thể dục buổi sáng.

Chú Táo cho biết: “Phanh là yếu tố đảm bảo an toàn khi điều khiển xe trên mọi đoạn đường. Sử dụng phanh đúng sẽ giúp tăng tuổi thọ của phanh. Kỹ thuật phanh chuẩn là bạn cần nắm được những điều cốt lõi sau; trừ những trường hợp bất ngờ thì bạn hoàn toàn có thể dự đoán được lúc nào cần dùng đến phanh; xuống dốc, đi cua, gặp phương tiện khác… để chủ động phanh ở mức độ nào. Phanh nhẹ; dùng cho những trường hợp dự đoán trước, đổ dốc vừa phải hoặc đi sau đoàn xe”.

Kỹ thuật đi xe đạp thể thao chuẩn khi đi qua các góc cua là phải nghiêng cả khung xe đạp theo hướng mà bạn muốn rẽ. Đồng thời điều chỉnh hướng trọng lượng theo chiều ngược lại. Có các kiểu điều hướng; điều hướng thẳng, nghiêng người, hay nghịch hướng để rẽ sang trái – phải. Tùy từng địa hình, thực tế đoạn đường mà bạn điều hướng xe cho đúng.

Để thực hiện được kỹ thuật này thì bạn cần phải duy trì được sức bền khi đạp xe. Không phải ai cũng làm được nhất là với những người mới tập đi xe đạp. Kỹ thuật đúng là phải giữ nhịp đạp đều, chuyển sang tư thế ngồi thẳng để nhận nhiều lượng oxy. Bạn nên đạp đứng thay vì ngồi khi leo đèo có chiều dài lớn. Như vậy sẽ thoải mái và giữ được sức đạp mạnh, bền hơn.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, PGS.TS. BS Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam, cho biết đối với môn xe đạp là môn sức bền giống như chạy bộ hoặc đi bộ, do đó nếu bạn lựa chọn tập môn xe đạp thì sẽ rất tốt cho sức khoẻ.

Ngoài ra, bộ môn đạp xe cũng khiến người tập không bị cảm giác nhàm chán như chạy bộ hoặc đi bộ một mình. Tuy nhiên với bất kỳ bộ môn thể dục, thể thao nào cũng đều có những nguy cơ tiềm ẩn nếu người tập không chú ý. Theo đó, các nguy cơ có thể xảy ra như: Chấn thương, tự ngã do địa hình đi xe đạp chưa phù hợp hoặc chấn thương do bên ngoài tác động vào (tai nạn giao thông) trong quá trình luyện tập…

“Thậm chí nếu tập trong thời gian tập dài, lượng vận động lớn thì người tập dễ bị kiệt sức. Điều này sẽ ảnh hưởng tới các bệnh tim mạch, đột quỵ mà ở các VĐV thể thao đỉnh cao cũng hay gặp. Cho nên không thể nói tập xe đạp là môn thể dục an toàn nhất”, PGS. TS Võ Tường Kha cho hay.

Theo các chuyên gia cũng nhấn mạnh, để đạp xe đúng cách và đạt được hiệu quả tốt nhất thì bạn cần tuân thủ những điều sau: Cung cấp năng lượng trước khi tập. Điều này giúp cơ thể không bị đói mệt khi trong khi đạp xe bạn nên ăn nhẹ trước khi tập khoảng 1 – 2 tiếng. Bạn cũng có thể dùng thêm một ly sữa hoặc ly nước hoa quả để cơ thể khỏe mạnh hơn.

Khởi động kỹ trước khi đạp xe. Khởi động là điều mà bất kỳ ai cũng cần phải thực hiện. Trước tập luyện, bạn nên tập luyện một vài động tác khởi động trước như: Xoay cổ chân cổ tay, bật nhảy tại chỗ, chạy bộ… Các bài tập khởi động sẽ giúp bạn tránh bị căng cơ, chuột rút, chấn thương… khi đạp xe.

Mặc quần áo thoải mái khi đạp xe. Dù là tập luyện môn thể thao nào cũng vậy, không chỉ riêng việc đạp xe. Quần áo quá rộng cũng là điều không nên. Bởi như vậy sẽ khiến việc bị cản trở và gây khó khăn khi tập. Nhưng cũng không phải vì thế, mà bạn mặc những bộ đồ bó sát người..

Vì thế, những bộ quần áo để đi tập nên là những bộ đồ dễ co giãn, thấm mồ hôi. Hoặc những bộ quần áo có độ rộng vừa phải. Khi luyện tập xong nên giặt luôn, tránh tình trạng vi khuẩn gây hại cho cơ thể. Cung cấp đủ nước cho cơ thể. Khi đạp xe hay tập luyện bắt cứ môn thể thao nào thì việc cung cấp nước trước, trong và sau khi tập là điều hết sức cần thiết. Lượng mồ hồi tiết ra khi tập luyện là khá lớn, nên nguy cơ thiếu nước trong cơ thể người tập là rất cao. Bạn cần bổ sung đầy đủ lượng nước cần thiết khi cơ thể khát nước.

Trên đây là những kỹ thuật đi xe đạp thể thao cơ bản nhất bạn cần nắm vững. Để trở thành những tay đua tốt, luyện tập chuyên nghiệp, bạn cần tìm hiểu nhiều hơn thế nữa.

Nhưng điều quan trọng nữa là phải mua được chiếc xe đạp thể thao đúng chuẩn thương hiệu. Trong số các thương hiệu xe thể thao, các mẫu xe của Giant được nhiều người lựa chọn. Không chỉ có độ bền cao, Giant có hàng chục mẫu xe phù hợp với mọi lứa tuổi. Ở các cửa hàng, đại lý phân phối tại Hà Nội, mẫu xe có giá thấp nhất không dưới 6 triệu đồng.

Xuân Hiền

Xem thêm Thể thao