Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam – Nguyễn Đình Khang và Bộ trưởng Bộ VHTTDL -Nguyễn Văn Hùng cùng chủ trì Hội nghị. Tham dự còn có đồng chí Đỗ Văn Chiến – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các Thứ trưởng Bộ VHTTDL: Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thủy, Đoàn Văn Việt.
Theo báo cáo, giai đoạn 2016-2021 hai bên đã thống nhất từ trung ương đến địa phương trong công tác xây dựng kế hoạch hoạt động, triển khai thực hiện chương trình phối hợp đạt hiệu quả, như: Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ CNVCNLĐ từng bước được chính quyền địa phương, doanh nghiệp quan tâm, đầu tư quy hoạch, xây dựng, sửa chữa, nâng cấp; Nếp sống văn hóa, tác phong công nghiệp, ứng xử thân thiện, môi trường làm việc văn minh, lịch sự trong CNVCNLĐ dần được cải thiện.
Nhiều thói quen tích cực, hành vi văn hóa được hình thành; Công tác đào tạo cán bộ công đoàn cơ sở về công tác xây dựng đời sống văn hóa được chú trọng. Các tài liệu tuyên truyền về lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa trong CNVCNLĐ bước đầu được hình thành…
Trong số các kết quả nổi bật phải kế đến việc tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT. Ở các địa phương, ngành, công đoàn phối hợp chặt chẽ với ngành VHTTDL tổ chức các hoạt động tuyên truyền, chiếu phim lưu động và biểu diễn văn nghệ cho công nhân, viên chức, lao động, tổ chức sân chơi văn hóa với nhiều tên gọi khác nhau, thu hút được đông đảo người lao động theo dõi, tham gia như: Giờ thứ 9, Sau giờ thứ 8, Sau giờ tan ca, Điều ước đoàn viên, Điểm hẹn công nhân…
Phong trào văn hoá văn nghệ trong CNVCNLĐ những năm qua được lồng ghép hiệu quả với công tác tuyên truyền, vận động và các hoạt động chăm lo, bảo vệ người lao động của tổ chức công đoàn. Với phương châm “Mỗi Công đoàn cơ sở, một lợi ích đoàn viên”, các cấp công đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động như:“Tháng Công nhân”, “Tết sum vầy”, “Ngày hội sản phẩm chất lượng cao”, “Lễ hội tôn vinh lao động sáng tạo CNVCLĐ”, “Ngày hội công nhân lao động”, “Ngày hội công nhân – Phiên chợ nghĩa tình”…
Trong việc thương lượng xây dựng thỏa ước lao động tập thể, Tổng Liên đoàn hướng dẫn các cấp công đoàn đưa nội dung tập thể dục giữa giờ vào thỏa ước, giúp người lao động có cơ hội nâng cao sức khỏe. Thông qua các hoạt động, người lao động có cơ hội được nâng cao kiến thức pháp luật, ứng xử văn hóa, hình thành nếp sống văn minh, hiện đại, tác phong lao động công nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật.
Trong lĩnh vực thể thao, hai bên tập trung tuyên truyền về lợi ích của hoạt động TDTT góp phần nâng cao thể chất, rèn luyện sức khoẻ phục vụ nhiệm vụ sản xuất, khuyến khích CNVCNLĐ tự giác chọn một hình thức tập luyện phù hợp; phối hợp tổ chức các giải đấu thể thao, Ngày hội văn hóa-thể thao. Công đoàn phối hợp với chính quyền, chủ doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động tập luyện như: cải tạo sân bãi, nhà tập, phòng tập, mua sắm dụng cụ cho CNVCNLĐ tập luyện sau giờ làm việc, tăng cư¬ờng giao lưu TDTT. Nhiều hội thao, giải thể thao với nhiều bộ môn thi đấu như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, kéo co, tenis, điền kinh, bơi lội, đua xe đạp tay cầm ngang… với hàng vạn VĐV tham gia, góp phần nâng cao sức khỏe người lao động với phương châm “Khỏe để nâng cao năng suất lao động”.
Năm 2020, lần đầu tiên Tổng Liên đoàn tổ chức cuộc thi “ Sáng tạo video clip bài tập thể dục giữa giờ” trong CNVCNLĐ với 2.454 tác phẩm dự thi, thu hút được 8.281.369 lượt người theo dõi, tham gia xem và bình chọn cho tác phẩm yêu thích. Cuộc thi là cơ hội để CNVCNLĐ cùng nhau luyện tập, nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng, chống lại bệnh tật, mang lại niềm vui cho NLĐ, làm phong phú thêm các hoạt động cộng đồng…
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được, chương trình vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần khắc phục: Đó là, các thiết chế văn hóa để tổ chức các hoạt động văn hóa của CCVNLĐ còn thiếu và yếu; Chưa có cơ chế chính sách ưu đãi cho CCVCNLĐ khi tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; Công tác đầu tư đất đai, nguồn lực cho việc xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ công nhân lao động của nhiều địa phương còn hạn chế…
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh: Xây dựng và phát triển văn hóa, con người được Đảng, Nhà nước xác định là nhiệm vụ chiến lược, cần phải được thực hiện thường xuyên với sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, nhất là ở cấp cơ sở. Trong nhiệm vụ chung đó, việc xây dựng, phát triển đời sống văn hóa, nâng cao thể chất, tinh thần cho công nhân, viên chức, lao động với vai trò là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, càng cần phải được coi trọng.
Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng nặng nề đến mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có đoàn viên, công nhân lao động. Bên cạnh những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của nhân dân, về kinh tế-xã hội, dịch bệnh cũng cho thấy những vấn đề về văn hóa rất đáng quan tâm, suy ngẫm.
Nhiều giá trị tích cực tiếp tục được phát huy, nhân lên như: lòng yêu nước, yêu thương con người, sự hy sinh và sẻ chia trong khó khăn, hoạn nạn; tinh thần tận tụy, hết lòng vì đoàn viên, người lao động của những cán bộ công đoàn nơi tâm dịch; vai trò của văn hóa doanh nghiệp với những giá trị cốt lõi như sự quan tâm, chăm lo của người sử dụng lao động, sự gắn bó, sẻ chia của người lao động, cùng nhau vượt qua khó khăn, khủng hoảng.
Bên cạnh những giá trị tích cực, vẫn còn những tồn tại, hạn chế mà chúng ta không thể không băn khoăn như: hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh, lôi kéo, kích động người dân và công nhân lao động, sự vô cảm hay trục lợi trong khó khăn… Những vấn đề đáng quan tâm, suy ngẫm đó là động lực thôi thúc Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ VHTTDL tăng cường phối hợp triển khai xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần, nâng cao sức khỏe trong công chức, viên chức, công nhân lao động, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho rằng công tác phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Tổng LĐLĐ Việt Nam trong 5 năm qua đạt nhiều hiệu quả toàn diện, thiết thực. Đặc biệt là làm tốt sự lãnh đạo về mặt chính trị, nhất quán tư tưởng văn hóa thực sự nền tảng tinh thần, động lực phát triển.
Minh chứng cho việc này được thể hiện qua các đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát thời gian qua, những giá trị tốt đẹp nhất của dân tộc tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách lại được phát huy, lan rộng. Trong bối cảnh đó, các tổ chức công đoàn đã thể hiện được vai trò là “ngôi nhà chung” cho công nhân lao động.
Về chương trình phối hợp trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, đây chỉ là chương trình khung, có tính chất nêu vấn đề, cơ chế, nguyên tắc phối hợp, còn nhiệm vụ cụ thể phải được bổ sung hàng năm đề phù hợp hơn với yêu cầu đặt ra.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đề nghị cả hai bên giao đơn vị đầu mối để cụ thể hóa chương trình khung bằng kế hoạch cụ thể trong năm 2022 có sản phẩm, dễ nhớ, dễ làm, phù hợp với đặc điểm từng vùng, từng miền, từng khu công nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm. Hiện nay, dịch bệnh đang được kiểm soát, nền kinh tế đang dần mở cửa trở lại. Tuy nhiên, vấn đề xây dựng đời sống văn hóa cho giai cấp công nhân thì phải nhất quán phát triển theo tinh thần an toàn, linh hoạt, không cứng nhắc để đề xuất các hoạt động trong phạm vi vừa đảm bảo được dịch bệnh, vừa lan tỏa rộng rãi.
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ VHTTDL và Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chính thức ký kết Chương trình phối hợp Về xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động TDTT của CCVCNLĐ trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp giai đoạn 2021 – 2026.
Một số hình ảnh về Lễ ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Tổng LĐLĐ Việt Nam
Theo: tdtt.gov.vn