Xóa bỏ định kiến môn chính, môn phụ sẽ giúp học sinh phát triển toàn diện
Trong nhiều năm qua với mục tiêu phát triển toàn diện cho học sinh, gồm: Đức – Trí- Thể -Mỹ, ngành giáo dục đã đẩy mạnh đa dạng các môn thể thao học đường, thay đổi phương pháp giảng dạy nhằm khuyến khích học sinh tham gia tích cực hơn các giờ học nội khóa và các hoạt động thể thao ngoại khóa. Từ đó, dần dần gạt bỏ quan niệm môn giáo dục thể chất chỉ là môn học phụ trong các trường THCS, THPT.Tuy nhiên quá trình này vẫn chưa diễn ra theo đúng mong muốn của các nhà quản lý.
Em Thanh Nga học sinh trường THCS Giảng Võ cho biết, luôn chờ đợi đến thứ 5 hàng tuần để được học môn giáo dục thể chất với những hoạt động ưa thích của mình. Em cho biết “được tham gia các hoạt động thể thao ngoại khóa giúp em thư giãn sau mỗi giờ học văn hóa căng thẳng. Đối với em việc rèn luyện sức khỏe cũng thực sự quan trọng, bởi không có sức khỏe thì mình không thể học tốt các môn khác cũng như không thể có được một cuộc sống hàng ngày, những sinh hoạt hàng ngày thuận lợi…”
Giúp học sinh hiểu được giá trị của môn giáo dục thể chất là một trong 6 nội dung căn bản giữa nhà trường và học sinh để từ đó có những định hướng cụ thể trong chương trình giảng dậy cũng như giáo dục các em ở nhà, hạn chế tối đa việc chơi điện tử, sử dụng các thiết bị máy tính, di động để giải trí, thay vào đó sẽ hướng các em đến các môn thể thao rèn luyện sức khỏe như: cầu lông, bơi lội, chạy bộ, khiêu vũ…
Xác định tăng cường vận động cho thế hệ trẻ có vai trò quan trọng nên Bộ Giáo dục đã nhiều lần tổ chức các đợt tập huấn, các chương trình hội thảo nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy môn giáo dục thể chất; phối hợp với các cơ quan đơn vị chức năng cho ra nhiều bài tập thể dục đầu giờ, giữa giờ phù hợp để các em có thể tập luyện trong một không gian vừa đủ, trong một khoảng thời gian ngắn… Những việc làm này đã góp phần đẩy mạnh phong trào thể thao học đường trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, để xóa bỏ hẳn định kiến môn chính môn phụ, đưa vào quyết sách với mong muốn triệt để phát triển toàn diện cho học sinh, mới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra những điểm mới trong quy định đánh giá học sinh trung học. Việc này được thực hiện ngay tại năm học mới (2021-2022).
Quy định mới sẽ bám sát yêu cầu cần đạt trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Điểm khác biệt là việc đánh giá sẽ áp dụng nhiều phương pháp, hình thức kỹ thuật, kết hợp nhuần nhuyễn hơn giữa đánh giá thường xuyên và định kỳ để có thể bám sát quá trình tiến bộ của học sinh, khích lệ sự cố gắng của mỗi học sinh. Mỗi học sinh sẽ có cơ hội để thể hiện giá trị, điểm mạnh của mình và có cơ hội điều chỉnh kết quả học tập, rèn luyện.
Trong quy định mới, các môn giáo dục thể chất, nghệ thuật, âm nhạc, mỹ thuật, nội dung giáo dục của địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp… chỉ đánh giá nhận xét (cả thường xuyên và định kỳ), các môn còn lại đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số.
Tuy nhiên sẽ không áp dụng máy móc là giáo viên phải ghi học bạ hay ghi vào sổ theo dõi nhận xét từng học sinh vào cuối kỳ, cuối năm. Việc đánh giá bằng nhận xét có thể nên thực hiện thường xuyên thông qua việc viết hoặc nói trong quá trình dạy học nhằm giúp học sinh tiến bộ.
Như vậy, theo quy định này, các em học sinh giỏi là học sinh có mức đánh giá kết quả rèn luyện và học tập cả năm xếp loại tốt. Trong đó ở kết quả học tập, các môn đánh giá bằng nhận xét phải xếp ở mức Đạt, các môn có điểm số phải đạt 6,5 điểm trở lên và có ít nhất 6 môn học có điểm 8,0 trở lên. Học sinh xuất sắc đạt điều kiện như học sinh giỏi nhưng khác hơn là phải có ít nhất 6 môn đạt 9,0 điểm trở lên.
Quy định này đã thể hiện quan điểm coi các môn học công bằng như nhau, không có môn nào là chính, môn nào phụ. Ngoài việc chống học lệch (chỉ học toán, văn, ngoại ngữ), học sinh được đánh giá công bằng ở các lĩnh vực khác nhau. Không phải cứ giỏi toán, văn mới là giỏi mà có thể giỏi các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, giáo dục thể chất, mỹ thuật, hướng nghiệp…
Được biết, với riêng môn giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo và hướng dẫn các Sở GD&ĐT tỉnh, thành phố, các Học viện, các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp sư phạm trên toàn quốc triển khai thực hiện các nhiệm vụ nhằm phát triển môn GDTC. Ngoài việc đưa giáo dục thể chất vào chương trình 12 năm học, GD&ĐT cũng yêu cầu đẩy mạnh hoạt động thể thao ngoại khóa để tăng cường thể trạng cho các em học sinh.
Trong đó, thời gian tới đặc biệt phải chú trọng đổi mới chương trình môn học GDTC, như: Đổi mới về mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học. Nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng vận động, hình thành thói quen tập luyện TDTT cho học sinh, giúp học sinh xây dựng nếp sống lành mạnh, giáo dục đạo đức, ý chí, bước đầu giúp học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào hoạt động thường ngày. Công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh toàn diện, công bằng, theo đúng quy định mới mà Bộ vừa ban hành, giúp học sinh phát huy hết năng lực vận động của bản thân nhằm nâng cao sức khỏe, phát triển thể chất, duy trì thói quen tập luyện TDTT thường xuyên và phù hợp với đặc điểm thể chất, tâm sinh lý lứa tuổi và điều kiện cụ thể của học sinh./.