U23 Tây Ban Nha Nha: Simon; Cucurella, Torres, Garcia, Gil; Pedri, Zubimendi, Merino; Olmo, Oyarzabal, Asensio
Cụ thể, Olympic Nhật Bản từng lọt vào bán kết Thế vận hội London (2012). Đội bóng của HLV Hajime Moriyasu cũng có lợi thế sân nhà và chuẩn bị kỹ lưỡng cho Olympic Tokyo, nhưng cách Nhật Bản lọt vào bán kết vẫn khiến nhiều CĐV nể phục.
Tuy nhiên, nằm ở bảng đấu khó với những đối thủ giàu thực lực, Olympic Nhật Bản vẫn toàn thắng 3 trận, thủng lưới 1 bàn duy nhất. Đó là bàn thua trong những phút cuối ở trận gặp Mexico, khi thế cục dường như đã an bài.
Điểm mạnh nhất trong lối đá của Olympic Nhật Bản nằm ở tính kỷ luật và tổ chức trong lối chơi. Dẫn dắt bóng đá Nhật Bản (cấp độ ĐTQG và Olympic) từ năm 2018 thay HLV Akira Nishino, HLV Moriyasu đã thay đổi toàn diện cách tiếp cận trận đấu của Nhật Bản.
Đội bóng xứ mặt trời mọc ưu tiên khâu phòng ngự, sẵn sàng chơi phòng ngự phản công khi cần và mạnh dạn đặt niềm tin vào những ngôi sao trẻ như Takefusa Kubo hay Ritsu Doan. Tuy nhiên, tính kỷ luật đặc trưng của người Nhật không thay đổi.
“Samurai áo xanh” thi đấu bài bản, kiểm soát bóng từ hàng phòng ngự và sử dụng những pha đan bóng nhuần nhuyễn để mở khóa đối thủ. Nhật Bản chơi bóng như một cỗ máy được lập trình, với các mã lệnh, thuật toán ăn khớp.
Sự điềm tĩnh và chặt chẽ đã giúp chủ nhà Olympic Tokyo vượt qua những đội chơi bóng thiếu tổ chức và tự phát như Pháp, Nam Phi.
Dù vậy, mọi lối đá đều có hai mặt. Cách chơi đề cao tập thể của Nhật Bản vô tình che mờ khả năng sáng tạo, đột phá cá nhân, vốn là đặc trưng của các cầu thủ trẻ. Ngoại trừ Kubo – cầu thủ từng chơi Copa America 2016 và được mài giũa tại Tây Ban Nha, các cầu thủ còn lại như Ayeshi Ueda, Ritsu Doan,… đều chỉ chơi theo bài.
Khi lối chơi tập thể bế tắc, Nhật Bản hầu như không tạo được đột phá. Ở trận tứ kết với New Zealand, Nhật Bản cầm bóng 54% và dứt điểm tới 11 lần, nhưng chỉ thắng đối thủ trên loạt đá luân lưu. Mặt trái của lối chơi tập thể là đội bóng chỉ tấn công đều đều, và bế tắc khi đối thủ cứng cỏi trong khâu phòng ngự.
Đội bóng có lối đá tương đồng nhất với Nhật Bản ở Olympic chính là Tây Ban Nha. Cũng chơi bóng dựa trên khả năng kiểm soát bóng và kiểm soát không gian, tất nhiên đại diện châu Âu ở đẳng cấp cao hơn.
Tây Ban Nha mang tới Olympic Tokyo một nửa đội hình từng lọt tới bán kết EURO 2020. Dani Olmo, Mikel Oyarzabal, Pedri, Pau Torres, Dani Ceballos, Marco Asensio,… đều là những ngôi sao mới nổi, hoặc giàu kinh nghiệm thi đấu tại châu Âu. Con số 470 triệu euro định giá cho thấy HLV Jose Luis de La Fuente đang có lực lượng chất lượng thế nào.
Tuy nhiên, Tây Ban Nha chưa chơi đúng kỳ vọng. Tính trong 90 phút, “La Furia Roja” mới thắng 1 trong 4 trận đã qua. Đó là chiến thắng vất vả trước Australia. 3 trận còn lại, Tây Ban Nha để Ai Cập, Argentina và Bờ Biển Ngà cầm chân trong 90 phút.
Ở trận tứ kết với Bờ Biển Ngà, Tây Ban Nha phải chờ tới phút cuối cùng mới tìm được bàn gỡ 2-2, kéo trận đấu vào hiệp phụ.
Màn trình diễn thất vọng của Olympic Tây Ban Nha là nghịch lý với chất lượng nhân sự, nhưng rất… hợp lý với màn trình diễn của ĐTQG nước này tại EURO.
Đội bóng của HLV De La Fuente thi đấu tương tự cách chơi của Tây Ban Nha do Luis Enrique dẫn dắt: kiểm soát bóng tốt, nhưng yếu kém trong dứt điểm. Cả Oyarzabal, Olmo đều mang hình ảnh phung phí từ EURO đến Olympic, dù độ khó của hai sân chơi hoàn toàn khác nhau.
Tây Ban Nha đá kiểm soát bóng, nhưng tịnh tiến nhờ những đường chuyền ngang ở hàng tiền vệ. Cách chơi này giúp “La Furia Roja” dồn ép đối thủ, song lại thiếu tốc độ, đột biến để xô đổ những hàng thủ số đông.
Cầm bóng tới 64%, song Tây Ban Nha cần tới những sai lầm ngớ ngẩn của các hậu vệ Bờ Biển Ngà để vượt ải tứ kết. Điều đó cho thấy đội bóng châu Âu vẫn chưa có hình hài rõ nét của một ứng viên sáng giá.
Song, Tây Ban Nha vẫn mạnh hơn Nhật Bản. Giữa hai đội bóng cùng có trường phái kiểm soát và chơi kỹ thuật như nhau, đội ở đẳng cấp cao hơn sẽ chiếm lợi thế. Nhật Bản không chơi rắn, cũng ít khi đổ bê tông, nên Tây Ban Nha sẽ rảnh chân hơn trong khâu tấn công ở trận này.
Đội bóng của HLV De La Fuente chỉ sợ những “boong-ke” phòng ngự của Australia, Bờ Biển Ngà hay Ai Cập. Một đội bóng có xu hướng tấn công như Nhật Bản khó trở thành khắc tinh với Tây Ban Nha.
Chưa kể, Nhật Bản không hẳn mạnh ở khâu phòng ngự. “Samurai áo xanh” giữ sạch lưới 2/4 trận vừa qua nhờ khả năng kiểm soát của hàng tiền vệ hơn là sự xuất sắc của cá nhân từng hậu vệ.