MV Việt khai thác yếu tố tâm linh: nên hay không nên?
Đưa yếu tố tâm linh vào MV như thế nào để vừa hấp dẫn khán giả vừa tránh gây những ý kiến trái chiều luôn là bài toán khó đối với các nhà sản xuất.
Nổi bật nhất trong số các MV Việt Nam sử dụng yếu tố tâm linh là “Tứ phủ” của Hoàng Thùy Linh. “Tứ phủ” là ca khúc được nhạc sĩ Hồ Hoài Anh sáng tác dựa trên phần lời của nhà thơ Ngân Vi. Ca sĩ Hoàng Thùy Linh cùng ê kip thực hiện MV này với sự kết hợp giữa nhạc điện tử và âm nhạc dân gian. Trong đó, cô hóa thân vào nhân vật cô Bơ – một trong những vị thánh nổi tiếng thuộc hàng Tứ phủ.
Về mặt hình ảnh, cô khiến khán giả liên tưởng tới những cô gái trong lễ hầu đồng với hình tượng linh thiêng Mẫu Thoải (dân gian còn gọi là Thủy cung Thánh mẫu). Theo chia sẻ của stylist Hoàng Ku trên báo chí: “Trang phục của Hoàng Thùy Linh lấy cảm hứng từ văn hóa hầu đồng”.
Bối cảnh chủ yếu được thực hiện trên sân khấu cộng hưởng cùng âm thanh và ánh sáng, kỹ xảo hình ảnh để tạo nên hiệu ứng thị giác về không gian huyền ảo, ma mị. Xuyên suốt từ đầu đến cuối MV, Hoàng Thùy Linh không quá cầu kỳ về vũ đạo, cô chỉ thực hiện một vài động tác múa, chủ yếu biểu cảm cảm qua ánh mắt.
Cuối MV, cô mới thể hiện một số vũ đạo nhảy mang màu sắc đương đại. Phát biểu trên báo chí, Hoàng Thùy Linh chia sẻ: “Tôi là người tin vào tâm linh và tôi muốn tạo ra những sản phẩm trẻ trung nhưng vẫn đậm tính văn hóa. Chính vì thế tôi quyết định đưa một nét văn hóa, tín ngưỡng vốn chỉ được thờ trong đền đài để mang vào MV một cách nghệ thuật”. Cô cũng cho rằng, mình chỉ đem những hình ảnh tinh túy nhất, đẹp nhất cùng một phần cảm hứng từ hình tượng cô Bơ để tạo nên sản phẩm âm nhạc này.
Không ít người bày tỏ sự thích thú và ủng hộ cách Hoàng Thùy Linh đưa tín ngưỡng dân gian vào âm nhạc này. Những ý kiến ủng hộ nữ ca sĩ cho rằng, sự sáng tạo của Hoàng Thùy Linh đáng được khen ngợi. Cô đã không chỉ đem đến sự phá cách mới trong âm nhạc truyền thống mà còn góp phần đưa tín ngưỡng văn hóa đạo Mẫu đến gần với giới trẻ hơn, thông qua âm nhạc.
Dù vậy, những ý kiến trái chiều dành cho MV cũng không ít. Về mặt nội dung ca khúc, theo như nhiều ý kiến chia sẻ trên mạng xã hội cũng như trên báo chí cho biết. Có tên là “Tứ phủ” tức là 4 phủ nhưng ca khúc chỉ nói lên được một phủ là phủ Thoải. Trong khi đó, “Tứ phủ” phải đầy đủ 4 cung với Thiên (trời), Địa (đất) Thoải (nước), Nhạc (rừng).
Ngoài ra, theo sự tích thì Cô Bơ đứng hàng thứ 3 trong tứ phủ. Trong truyền thuyết đây là người con gái xinh đẹp nết na, tài giỏi đã đánh đổi cả tuổi trẻ của mình để chung thủy chờ một bóng hình chứ không phải bị phụ tình và mang lòng oán hận ai oán. Tuy nhiên, trong phần lời của ca khúc với những ca từ như “Người phụ người bạc tình chua cay/ Trách phận vô duyên” lại mang ý trách móc, hờn giận.
Vì thế, mọi yếu tố tín ngưỡng xuất hiện trong MV đều nửa vời, làm chưa tới hoặc chưa phù hợp ngoài phần trang phục chỉn chu của ca sĩ. Những chuyên gia ở lĩnh vực âm nhạc đều đồng ý rằng việc này có thể gây ảnh hưởng đến nhận thức của khán giả trẻ, họ sẽ hiểu nhầm hoặc ngộ nhận bản chất của nghi lễ.
Bên cạnh “Tứ phủ”, MV “Chân ái” của Orange và rapper Khói cũng được cho là sử dụng nhiều yếu tố tâm linh. Chắc chắn, một trong những bí ẩn lớn nhất chính là thân thế của nhân vật Tuệ Mẫn. Cô xuất hiện một cách đầy bí ẩn và ma mị: bước ra từ một bàn thờ nằm ở một góc khuất trong hậu trường sân khấu, có sở thích với món trứng gà luộc, hành tung cực kì bí ẩn và chắc chắn không thể nào là người thường. Cô là ai? Trong vũ trụ “Tự Tâm”, cô là thần hay ma, là chính hay tà?
Theo truyền thống của ngành Sân khấu Việt Nam, ở mỗi sân khấu đều đặt một góc trang trọng để bài trí bàn thờ Tổ Nghiệp. Trong giới nghệ sĩ, Tổ Nghiệp vô cùng linh thiêng, đi theo đó là hàng loạt kiêng kị và quy cách thờ cúng được các thế hệ tuân thủ vô cùng nghiêm ngặt, như một truyền thống tốt đẹp của giới văn nghệ sĩ Việt Nam. Có giả thiết cho rằng, Tuệ Mẫn thực ra là hiện thân của Tổ Nghiệp, muốn cứu giúp gánh hát đang trên bờ vực sụp đổ. Tuy nhiên, do Lý Lệ Thanh vì ghen tức đã phá nát bàn thờ, cả gánh hát sau đó lụn bại và phá sản.
Tuy nhiên, giả thiết này khó đứng vững, vì nhiều lí do. Cấu trúc bàn thờ trong “Chân Ái” khó có thể là bàn thờ Tổ Nghiệp được. Vì như chúng ta đã biết, giới nghệ sĩ vô cùng sùng kính Tổ Nghiệp, nên gian thờ của Tổ Nghiệp dù có đơn giản hay cầu kì, thì đều phải sạch sẽ, nghiêm trang, nằm ở một vị trí trang trọng để ai đi ngang cũng có thể tôn kính, thắp hương. Đằng này, bàn thờ trong “Chân Ái” có vòm được dựng nên từ đất, nằm ở một xó ít ai chăm sóc, nến vương vãi, tạo cảm giác âm u, ma mị hơn là sự ấm áp, trang nghiêm thường thấy dành cho Tổ Nghiệp. Tuy nhiên, đây là bàn thờ Tổ Nghiệp hay là bất kì bàn thờ nào đi chăng nữa thì hành động đập bàn thờ sau đó của Fung La vẫn là một hành động “báng bổ”, dễ dàng gây tranh cãi và làm nhiều khán giả cảm thấy không đồng tình. Có thể nói, việc đưa vấn đề tâm linh vào MV của Orange là yếu tố tạo nên nhiều luồn ý kiến trái chiều.
Đưa yếu tố tâm linh vào MV là một trong những cách tạo điểm nhấn, giúp sản phẩm của các nghệ sĩ thu hút sự chú ý từ phía công chúng ngay từ thời điểm ra mắt. Tuy nhiên, đây cũng có thể xem là con dao hai lưỡi. Bởi nếu các vấn đề tâm linh được khai thác không đúng cách sẽ dễ dàng gây phản cảm. Trước khi lựa chọn một chủ đề tâm linh, các nghệ sĩ, nhà sản xuất âm nhạc cần nghiên cứu kĩ lưỡng nhằm đem đến những thông tin, câu chuyện chính xác nhất cho khán giả.