Kết nối với chúng tôi

Thể thao

Novak Djokovic phải đối mặt với các khoản phí pháp lý cao do không được cấp thị thực của Úc

Novak Djokovic đang phải đối mặt với chi phí pháp lý ước tính lên tới 360,000 USD cho vụ việc hủy visa của anh ở Úc, nhưng con số cuối cùng vẫn chưa được công bố, một phiên điều trần ước tính của Thượng viện Úc đã tiết lộ hôm tối thứ Hai (14/02).

Bộ Nội vụ Úc đã được lệnh phải trả các chi phí pháp lý cho vụ kiện đầu tiên của Tòa án Liên bang sau khi thẩm phán thu hồi quyết định của chính phủ Úc về việc hủy bỏ thị thực của ngôi sao quần vợt chưa chích ngừa này.

Nhưng  Djokovic sẽ cần phải trả các chi phí sau khi anh thua trong một trận chiến pháp lý với Bộ trưởng Di trú Alex Hawke, người đã dùng quyền lực cá nhân để hủy bỏ thị thực của anh với lý do rằng lập trường của anh Djokovic về vấn đề chích ngừa có thể thúc đẩy “tâm lý chống chích ngừa.”

“Hy vọng rằng những chi phí này sẽ về không,” Bộ trưởng Nội vụ Michael Pezzullo nói trong phiên điều trần.

Giám đốc nhóm pháp lý của bộ Pip De Veau cho biết rằng các khoản phí này đã không tính đến việc phân chia các chi phí pháp lý được phân định cho cả hai bên tranh tụng tại tòa án.

“Ước tính tổng hợp ở giai đoạn này là khoảng 360,000 USD mà không có bất kỳ sự phân định của tòa cho bên nào,” bà nói trong phiên điều trần.

“Khoản đó bao gồm chi phí pháp lý bên ngoài và chi phí pháp lý nội bộ.”

“Chi phí đã được phán quyết bất lợi cho bộ trong quá trình tố tụng đầu tiên; chi phí đã được phán quyết có lợi cho bộ trong lần thứ hai.”

“Chúng tôi sẽ cần phải có các hóa đơn và đưa ra quyết định với sự tham vấn cùng các luật sư của ông Djokovic về cách giải quyết hai lệnh chi phí trên.”

Djokovic nói với BBC hôm thứ Ba (15/02) rằng anh thà chọn bị cấm tham gia các cuộc thi đấu quần vợt hơn là bị ép buộc phải chích ngừa Covid-19.

“Vâng, đó là cái giá mà tôi sẵn sàng trả,” anh nói. “Tôi không bao giờ phản đối việc chích ngừa … nhưng tôi luôn ủng hộ quyền tự do lựa chọn những gì mà quý vị đưa vào cơ thể mình.”

Nhà đương kim vô địch chín lần đã sử dụng việc nhiễm Covid-19 gần đây để được miễn chích ngừa nhưng bị các quan chức Lực lượng Biên phòng Úc từ chối cho nhập cảnh và bị đưa đến một khách sạn tạm giam.

Hôm 10/01, Thẩm phán Anthony Kelly của Tòa án Liên bang đã bác bỏ việc hủy thị thực này, nói rằng Djokovic đã không có đủ thời gian để nói chuyện với các quan chức Quần vợt Úc và các luật sư để phản ứng về việc anh được thông báo về ý định hủy thị thực của anh.

Sau khi ra khỏi trung tâm tạm giam, ngôi sao quần vợt số 1 đã tiếp tục tập luyện và nói rằng anh muốn ở lại thi đấu ở giải Úc Mở rộng.

Hôm 14/01, ông Hawke đã hủy thị thực của anh Djokovic vì tình trạng chích ngừa của anh, khiến Djokovic kháng cáo, mà Tòa án Liên bang sau đó đã bác bỏ.

Thẩm phán liên bang James Allsop lưu ý rằng quyết định của nhánh tư pháp Khối thịnh vượng chung không phải là về việc liệu một bộ trưởng từ nhánh hành pháp có đưa ra quyết định đúng đắn để từ chối việc nhập cảnh của ngôi sao quần vợt này hay không, mà là về việc quyết định của ông Hawke là đúng luật hay hợp pháp trong bối cảnh ba lý do được đưa ra trong đơn kháng cáo của anh Djokovic.

Trong một tuyên bố, Djokovic nói rằng mặc dù anh tôn trọng phán quyết này nhưng anh “vô cùng thất vọng với phán quyết của tòa án… điều đó có nghĩa là tôi không thể ở lại Úc và tham gia giải Úc Mở rộng.”

“Tôi không thoải mái khi sự chú ý của những tuần qua đổ dồn vào tôi, và tôi hy vọng rằng giờ đây tất cả chúng ta có thể tập trung vào trận đấu và giải đấu mà tôi yêu thích.”

“Tôi xin chúc các cầu thủ, quan chức của giải đấu, nhân viên, tình nguyện viên và người hâm mộ những điều tốt đẹp nhất cho giải đấu này.”

Phong Trần

 

Xem thêm Thể thao