Kết nối với chúng tôi

Thể thao

Hội thảo thúc đẩy bình đẳng giới trong thể thao

Hội thảo diễn ra từ 10 – 13/8/2021 tại Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ trong Thể thao của Nhật Bản tại Đại học Juntendo, Hội thảo do Ban thư ký ASEAN và Cơ quan thể thao Nhật Bản phối hợp tổ chức theo hình thức trực tuyến. Hội thảo có sự tham gia của khoảng 60 đại diện từ 10 quốc gia thành viên ASEAN, Nhật Bản và Ban thư ký ASEAN.

Trong số các thành viên tham dự có các nhà lãnh đạo thể thao nữ trẻ, các thành viên của lực lượng đặc nhiệm thanh niên của Tổ chức giáo dục, khoa học, và văn hóa của Liên hiệp quốc về thể thao, các nhà hoạch định chính sách là đại diện chính phủ, đại diện chính quyền địa phương, đại diện Ủy ban Phụ nữ thể thao của mỗi Ủy ban Olympic quốc gia.

Chia sẻ về Hội thảo thúc đẩy bình đẳng giới, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Thị Hoàng Yến cho biết, đây là một sự kiện rất có ý nghĩa, đặc biệt là vào thời điểm dịch bệnh Covid-19. Chúng ta vừa chứng kiến thành công hơn mong đợi của Thế vận hội Olympic mùa hè Tokyo 2020 và việc nước chủ nhà tiếp tục tổ chức Hội thảo thúc đẩy bình đẳng giới trong thể thao phần nào cho thấy quyết tâm của Nhật Bản và sức mạnh kết nối của thể thao.

Hội thảo thúc đẩy bình đẳng giới trong thể thao hướng tới mục tiêu cung cấp một tập hợp các chiến lược có thể hành động để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái trong các môn thể thao phù hợp với từng quốc gia thành viên ASEAN. Ngoài ra, để trao quyền cho phụ nữ trẻ thông qua thể thao và thúc đẩy lực lượng kế cận của thế hệ lãnh đạo trẻ. Tham gia những Hội thảo như thế này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp chúng ta có những định hướng chiến lược rõ ràng, từ đó xây dựng các kế hoạch hành động để nâng cao hơn nữa vai trò của phụ nữ trong thể thao.

Việt Nam dự Hội thảo thúc đẩy bình đẳng giới trong thể thao (nhóm tham dự cung cấp)

Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Lê Thị Hoàng Yến, các nội dung thiết thực mà Hội thảo đề cập tới đã giúp các thành viên tham dự có được sự hào hứng trong việc chia sẻ và thảo luận quan điểm. Nhiều ý kiến thú vị, sát với thực tế đã được ghi nhận. Tại Hội thảo, Việt Nam cũng đã đưa ra ý kiến đóng góp nhằm nâng cao hơn nữa tiếng nói của phụ nữ trong thể thao, phụ nữ cần thể hiện vai trò mạnh mẽ hơn trong các tổ chức thể thao, cần thành lập thêm nhiều câu lạc bộ thể thao dành cho nữ và cần đảm bảo để phụ nữ an toàn khi tham gia thể thao.

Trong 4 ngày diễn ra Hội thảo, các thành viên tham dự đã cùng nhau chia sẻ số liệu thống kê về phụ nữ chơi thể thao ở quốc gia của mình để từ đó tìm ra những vấn đề chính được liên kết với các số liệu đó. Cũng từ những vấn đề này, các thành viên sẽ cùng nhau thảo luận để xây dựng các chiến lược, chính sách, kế hoạch hành động có thể thực hiện nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong thể thao.

Các thành viên cùng nhau nhìn lại kết quả đạt được trong những năm gần đây để rút ra bài học kinh nghiệm cũng như thấy được chúng ta cần làm gì để đạt được mục tiêu đặt ra trong thời gian tới. Và để đạt được mục tiêu mong muốn, các nhà hoạch định chính sách cần xác định vấn đề mong muốn thay đổi, thông điệp cụ thể xung quanh mỗi ưu tiên là gì? Cách thức xây dựng chiến lược cũng là một nội dung quan trọng mà Hội thảo đề cập tới.

Góp phần vào thành công chung của Hội thảo bình đẳng giới trong thể thao không thể không nhắc tới các diễn giả nổi tiếng như: Tiến sĩ Koji Murofushi – Ủy viên của Cơ quan Thể thao Nhật Bản; Bà Rodora Turalde-Babaran – Vụ trưởng Vụ Phát triển Con người, Vụ Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN; Tiến sĩ Etsuko Ogasawara – Giám đốc điều hành, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản về Phụ nữ trong Thể thao tại Đại học Juntendo; Ông Jamshed M Kazi – đại diện và liên lạc viên ASEAN; Tiến sĩ Guylaine Demers – Giáo sư, Đại học Laval, Canada / Giải thưởng thể thao và phụ nữ Ủy ban Olympic quốc tế năm 2020 cho châu Mỹ; Bà Kaori Yamaguchi – Giáo sư, Đại học Tsukuba, HCĐ tại Thế vận hội Soul năm 1988; Bà Ni Nengah Widiasih – HCĐ tại Thế vận hội Paralympic Rio năm 2016; Bà Aya Noguchi – Trợ lý giáo sư, Khoa Y tế và Khoa học Thể thao Đại học Juntendo; Ông Kohzo Tashima – Chủ tịch Hiệp hội Bóng đá Nhật Bản; Bà Kae Ishikawa – Giám đốc, Văn phòng liên lạc phụ nữ Liên hiệp quốc tại Nhật Bản.

Các diễn giả đã chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm bản thân liên quan tới các vấn đề như: vai trò của hình mẫu phụ nữ; Tại sao các nước ASEAN cần phải xây dựng chính sách thể thao cho phụ nữ, các sáng kiến hiện tại tại Nhật Bản…

Theo: tdtt.gov.vn

Xem thêm Thể thao