Kết nối với chúng tôi

Thể thao

Dừng V-League 2021 bóng đá Việt Nam sẽ như thế nào?

Do tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, V.League 2021 sẽ dừng hẳn. Phương án này giúp các CLB giảm bớt gánh nặng về tài chính tuy nhiên cũng mang đến thiệt hại lớn từ nhà tài trợ, giá trị cống hiến của cầu thủ.

Trước đó, vào Chiều 21/8, Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 7 khóa VIII Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) thông qua đề xuất dừng V-League 2021, giao Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) thống nhất với CLB. V-League 2021 có nguy cơ trở thành mùa giải đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam bị dừng khi giai đoạn 1 còn chưa khép lại.

Tuy nhiên, với đa số đội V-League đồng ý dừng, mùa giải 2021 không còn triển vọng tiếp tục. Hệ lụy nào đang chờ bóng đá Việt Nam nếu các giải chuyên nghiệp bị đứt gãy?

Đồng thời, V-League, giải hạng Nhất và Cúp Quốc gia phải dừng trước thời hạn, VPF là bên đầu tiên chịu thiệt hại. Hiện nhà tài trợ chính của giải đấu là Tập đoàn LS (Hàn Quốc), với thỏa thuận tài trợ có thời hạn 3 năm.  

Mặc dù, Tập đoàn LS cũng là đơn vị tài trợ cho V-League 2020. Mùa trước, số trận đấu bị cắt ngắn từ 182 xuống 134 (giảm 48 trận, tương đương số trận thực tế chiếm 73,6% số trận dự kiến), trong bối cảnh giải đấu phải thay đổi thể thức để đối phó với dịch COVID-19.

V-League, hạng Nhất và cúp Quốc gia mùa giải 2021 đều bị hủy. 

Tại mùa 2021, tình hình còn tồi tệ hơn. Nếu mùa giải dừng từ thời điểm này, số trận thi đấu thực tế là 84 trận, còn thiếu 50 trận so với số trận dự kiến, tức là V-League mới đi qua 62,7% hành trình. Mùa giải bị cắt ngắn đến gần nửa sẽ đặt VPF ở thế khó trong việc đàm phán với nhà tài trợ.

Ngoài ra, có thể trong hợp đồng với VPF và Tập đoàn LS có điều khoản dừng giải đấu vì những lý do bất khả kháng như dịch bệnh, thiên tai, địch họa. Tuy nhiên, hủy bỏ phần còn lại của mùa giải sớm tới 6 tháng so với kế hoạch trước đó (VPF dự định hoãn V-League 2021 sang tháng 2/2022) là động thái có thể hủy hoại uy tín V-League và giải hạng Nhất.

Nhà tài trợ nào muốn đầu tư vào một giải đấu mà quyết định chơi hay nghỉ mong manh, bất nhất và dễ thay đổi? Nếu uy tín bóng đá Việt Nam đi xuống, nhà tài trợ hiện tại rút lui, các CLB có thể đứng ra chịu trách nhiệm?

Bóng đá Việt Nam hưởng lợi từ thành công của đội tuyển quốc gia giai đoạn từ năm 2018 đến nay, nhưng mặt bằng chung giải đấu chưa được đánh giá cao. Từ cơ sở vật chất, tính cạnh tranh, cách làm bóng đá của nhiều đội đến cách hành xử của một số ông bầu đều chưa xứng tầm với hai tiếng “chuyên nghiệp”.

Được biết, Toyota từng bỏ gói tài trợ 40 tỷ đồng/mùa cho V-League, nhưng chấp nhận rót tới 110 tỷ đồng/mùa cho Thai League.

Điều đó cho thấy các CLB cần góp phần xây dựng hình ảnh giải đấu. Cách đóng góp ấy không phải là quyết định đồng lòng “nghỉ chơi”, khiến hệ thống bóng đá quốc nội tê liệt.

Tình hình dịch bệnh diễn biến khá phức tạp cùng quyết định dừng V-League lại lấy đi của tất cả 1 năm và để lại nhiều năm âu lo, hoang mang đang chờ trước mắt. Đó là nỗi lo về lương, thu nhập còn có thể giảm tới cỡ nào khi không ai dám chắc V-League 2022 sẽ không gián đoạn một lần nữa do dịch bệnh?

Riêng trong năm 2021, số trận thi đấu chuyên nghiệp của các cầu thủ Việt Nam chỉ dừng ở con số 12 trận tối đa tại cấp CLB, với các cầu thủ dự bị, hạng Nhất, còn số còn khiêm tốn hơn nữa. Nghỉ thi đấu nửa năm, một năm, phong độ hay thể trạng còn có thể duy trì? Phải duy trì cuộc sống thế nào nếu khó khăn vẫn tiếp diễn?

Đội tuyển quốc gia cũng chịu ảnh hưởng. Các tuyển thủ không có V-League để rèn cảm giác chơi bóng, sức cạnh tranh và duy trì động lực. Không thể đòi hỏi sự tiến bộ nếu Quang Hải, Xuân Trường, chỉ “tập chay” và chơi 6 trận vòng loại World Cup 2022 trong phần còn lại của năm, trung bình 20 ngày mới đá 1 trận trong 4 tháng còn lại.

Điều đáng lưu ý, theo dự kiến ban đầu, người chủ trì cuộc họp sẽ là Phó chủ tịch VFF phụ trách truyền thông Cao Văn Chóng; nhưng vì có quá nhiều nội dung liên quan mật thiết đến đời sống bóng đá Việt Nam, trong đó có vấn đề đang gây tranh cãi gay gắt là có tiếp tục hay dừng giải sau 12 vòng, nên thường trực VFF đã quyết định cử Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải đích thân điều hành. Người đứng đầu VFF cũng nêu chính kiến, VPF nên lắng nghe tâm tư các đội và cần thiết thì dừng giải.

Chủ tịch CLB Đà Nẵng, Ông Bùi Xuân Hòa cho biết: “Đây không phải lần đầu tiên tôi lên tiếng về việc các giải chuyên nghiệp Việt Nam mùa 2021 nên dừng để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các CLB. Không chỉ tôi mà ở cuộc họp BCH, có đại diện của 4 CLB khác gồm HAGL, Viettel, Hà Nội FC, Sông Lam Nghệ An (SLNA) cũng nêu quan điểm rất rõ ràng rằng nếu V-League hoãn đến tháng 2 năm sau sẽ đưa các đội vào tình cảnh hết sức khó khăn, đặc biệt về tài chính.

“Mỗi tháng, chúng tôi sẽ phải chi rất nhiều tiền để trả lương cho cầu thủ mà giải không đá. Oằn mình lo kinh phí, các đội sẽ không thể chịu thấu. Đừng nghĩ các đội không muốn đá. Chúng tôi là một thành phần kết cấu nên ngôi nhà chung của bóng đá Việt Nam, vì thế chúng tôi muốn thi đấu lắm chứ. Nhưng dịch bệnh phức tạp như thế, tương lai của V-League chưa được đảm bảo nếu còn bị tác động bởi tình hình khách quan. Dừng giải là hành động sáng suốt và tôi mong VPF thực thi đúng những chỉ đạo từ BCH VFF”. Ông Bùi Xuân Hòa nói

Ông Bùi Xuân Hòa chia sẻ: “Sau đó, tất cả lại cùng bàn với nhau cách giải quyết sao cho phù hợp nhất. Nên sắp xếp thứ tự của 14 đội như thế nào, có đội vô địch không, có đội lên xuống hạng không, đó là những bài toán cần phải giải. Nhưng rõ ràng, nếu giải 2021 dừng, chúng tôi sẽ có tâm trí để chuẩn bị cho mùa giải sang năm”. Ngay sau khi hay tin về kết quả họp BCH VFF, Chủ tịch CLB Hải Phòng Văn Trần Hoàn nói ngay đây là quyết định sáng suốt, hợp lòng dân”.

Hàng nghìn cầu thủ mất việc

Các câu lạc bộ cho rằng hủy giải giúp giảm bớt chi phí và tài chính nhưng điều đó không làm giảm đi gánh nặng của cầu thủ, đối tượng chịu thiệt lớn thứ hai sau ban tổ chức. Họ đang đối diện ít nhất 7 tháng mất việc khi mọi giải đấu đóng băng. Nhiều cầu thủ đã phải chấp nhận 50-70% lương vì tình hình khó khăn chung. Hiện tại, họ được hưởng phần còn lại vì vẫn duy trì tập luyện, phục vụ cho câu lạc bộ chờ ngày giải đấu trở lại.

Nhưng khi mọi thứ ngừng hoạt động, họ có thể được “xả trại” về nhà và phải chịu giảm thêm tiền lương và đối mặt nguy cơ không có việc làm để tìm kiến nguồn thu nhập.

Bên cạnh đó, mùa giải hủy khiến họ mất đi cơ hội kiếm thêm tiền trong năm 2021 đầy bất trắc. Không còn giải đấu trước mắt, họ không dám vay mượn để duy trì cuộc sống bởi chưa biết bao giờ công việc mới quay trở lại.

Hải Huy và các cầu thủ Than Quảng Ninh vẫn bị nợ lương, đối mặt tương lai bất định.

Bức tranh tài chính của cầu thủ Việt Nam thi đấu chuyên nghiệp vẫn còn thấp. Số cầu thủ được hưởng lương cao và mức thưởng, phí “lót tay” khủng không nhiều. Trong khi đó, quyết định từ VFF đẩy đơn vị tổ chức (VPF) vào thế khó và có thể dẫn tới hệ lụy cho các giải bóng đá Việt Nam sau này.

Trong vai trò tổ chức, VPF thất bại hoàn toàn khi không thể giải đấu kết thúc trọn vẹn. VPF đối mặt với việc phá vỡ hàng loạt hợp đồng tài trợ, phá hỏng giao kèo với đối tác nên phải bồi thường hàng chục tỷ đồng hoặc ít nhất để lại tiền lệ xấu cho những mùa giải sau. Trong bối cảnh bóng đá Việt Nam còn chưa chuyên nghiệp hóa hoàn toàn, không ai dễ dàng tìm được nhà tài trợ gắn bó lâu dài hoặc những đối tác chịu bỏ tiền.

Thiệt hại về tiền dễ nhìn thấy nhưng những mất mát lâu dài thì khó đong đếm. Xét trên phương diện khác, VPF sẽ mất đi “uy thế” cần thiết với các câu lạc bộ trong việc điều hành giải đấu sau này.

Tiềm lực tài chính của VPF giảm đi trông thấy kể từ mùa giải trước do dịch Covid-19. Nếu chịu thêm khoản lỗ khổng lồ ở mùa 2021, họ khó lòng duy trì những mùa giải sau một cách tốt nhất bởi “vết thương lâu lành.”

Thậm chí, ngay cả khi đang phải chịu thiệt, VPF còn bị câu lạc bộ Hải Phòng yêu cầu đền tiền vì những gì phải bỏ ra để duy trì đội bóng kể từ khi có quyết định hoãn cho tới khi giải đấu bị hủy hoàn toàn. Số phận của cả nghìn cầu thủ từ V.League đến giải hạng Nhất Quốc gia sẽ ra sao vẫn là chuyện VPF và các CLB phải bàn tới. Giải đấu có thể hủy, kinh phí hoạt động có thể tiết kiệm, nhưng họ không thể bỏ mặc cầu thủ như đem con bỏ chợ.

Xuân Hiền -T/h

Xem thêm Thể thao