Kết nối với chúng tôi

Công nghệ và Thể thao

TikTok – Vì một cộng đồng số an toàn và lành mạnh

Xu hướng dễ tham gia một thử thách “hot trend” nào đó trên mạng xã hội đã trở nên quen thuộc. Tuy nhiên, ít ai để ý rằng các thử thách này liệu có thực sự an toàn hay không, nhất là với trẻ em.

Mới đây, TikTok vừa công bố báo cáo “Tìm hiểu các biện pháp ứng phó hiệu quả trong giáo dục phòng ngừa đối với những thử thách trực tuyến nguy hiểm” nhằm nâng cao nhận thức của người dùng, đặc biệt là các bậc phụ huynh, giáo viên và thanh thiếu niên về thử thách và trò lừa bịp trực tuyến.

Không phải #thửthách nào cũng an toàn

Có thể nói rằng, phần lớn các thử thách trên mạng đều vui nhộn và an toàn. Thử thách #icebucketchallenge (thử thách “xô nước đá”) nhằm nâng cao nhận thức về hội chứng xơ cứng teo cơ một bên, hay thử thách #BlindingLightsChallenge gắn kết các thành viên trong gia đình là hai ví dụ điển hình cho các trào lưu ý nghĩa được cộng đồng mạng tích cực hưởng ứng. Tuy nhiên, không thể phủ nhận hiểm hoạ đến từ một số thử thách nguy hiểm đang được lan truyền gần đây.

Trong báo cáo trên, trẻ vị thành niên được yêu cầu mô tả mức độ rủi ro của các thử thách trực tuyến phổ biến gần đây. Gần một nửa (48%) số em được hỏi tin rằng những thử thách này an toàn và vui nhộn, 32% cho rằng thử thách này tuy có rủi ro nhưng vẫn an toàn, tỷ lệ trẻ đánh giá nguy hiểm là 14% và vô cùng nguy hiểm là 3%. Chỉ có 0,3% thanh thiếu niên nói họ đã tham gia một thử thách mà họ tự cho là nguy hiểm.

Ông Nguyễn Lâm Thanh, Đại diện TikTok Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 20.12.2021
Ông Nguyễn Lâm Thanh, Đại diện TikTok Việt Nam- Ảnh: TikTok Việt Nam

Ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc Chính sách, TikTok Việt Nam chia sẻ:

“Сhúng tôi nhận thấy cần có một biện pháp ứng phó tốt hơn và mang nhiều sắc thái hơn đối với cách tiếp cận phòng ngừa và giáo dục. Báo cáo “Tìm hiểu các biện pháp ứng phó hiệu quả trong giáo dục phòng ngừa đối với những thử thách trực tuyến nguy hiểm” đã ra đời dưới sự xem xét và đánh giá nghiên cứu của hội đồng chuyên gia toàn cầu, trở thành nguồn tài nguyên hữu ích cho các nhà giáo dục, phụ huynh, các tổ chức phi chính phủ và cả các nền tảng khác để giải quyết các vấn đề liên quan tới các rủi ro khi tham gia vào những thử thách này”.

Nhiều phụ huynh lo ngại rằng việc chủ động đề cập sẽ vô tình thúc đẩy tính tò mò, hiếu kỳ ở những trẻ vốn sẽ không tiếp xúc với thử thách đó. 56% phụ huynh đồng tình rằng họ sẽ không nhắc đến những trò lừa bịp này trừ khi trẻ đề cập đến vấn đề đó trước. Ngoài ra, 37% phụ huynh tin rằng các trò lừa bịp là một chủ đề rất khó nói nếu không gợi lên sự quan tâm của trẻ.

Vaccine số – Chìa khóa nâng cao nhận thức người dùng

Khi nhu cầu giải trí và học tập trực tuyến trở thành xu hướng tất yếu, TikTok cũng nhận ra rằng việc đảm bảo an toàn cho người dùng, đặc biệt là người dùng thanh thiếu niên lại càng trở nên quan trọng hơn hết. Chia sẻ với Sputnik, ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc Chính sách, TikTok Việt Nam cho biết:

“Gần đây nhất, với nỗ lực không ngừng để đảm bảo một môi trường sáng tạo an toàn cho người dùng, đặc biệt là người dùng ở độ tuổi thanh thiếu niên, TikTok Việt Nam và Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế (SCI) chính thức khởi động chiến dịch Vaccine Số. Chiến dịch #VaccineSo với các hoạt động trong và ngoài nền tảng và mở màn qua 3 buổi phát sóng trực tiếp đã cung cấp những hướng dẫn và lời khuyên về an toàn mạng sáng tạo, mang tính giải trí nhưng vô cùng thiết thực nhằm mục đích nâng cao nhận thức của người dùng thanh thiếu niên, phụ huynh, thầy cô giáo về an toàn trực tuyến cho thanh thiếu niên”.

Buổi phát trực tiếp tập số 1 của chiến dịch Vaccine Số - “Sống số lành mạnh” trên kênh TikTok LIVE Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 20.12.2021
Buổi phát trực tiếp tập số 1 của chiến dịch Vaccine Số – “Sống số lành mạnh” trên kênh TikTok LIVE Việt Nam – Ảnh: TikTok Việt Nam

Các thử thách trực tuyến khơi gợi tính hiếu kỳ, tò mò ở thanh thiếu niên. Một số trẻ cũng muốn chứng tỏ bản thân không thua kém ai thông qua các thử thách mạo hiểm. Tại buổi phát trực tiếp tập số 1 của chiến dịch “Vaccine Số” mang tên “Sống số lành mạnh” trên kênh TikTok LIVE Việt Nam và một số kênh khác, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững cho biết:

“Thanh thiếu niên đang là độ tuổi dễ tiếp cận Internet, nhưng cũng dễ bị tổn thương, bị ảnh hưởng tiêu cực nhất. Sự xâm hại đến quyền riêng tư và bảo mật của các em có thể dẫn tới các hệ luỵ về cả thể chất lẫn tinh thần như xấu hổ, tự ti, bất an, mệt mỏi”.

Các khách mời tại chương trình số 2 trong khuôn khổ chiến dịch Vaccine Số của TikTok giúp phụ huynh kết nối với con trên không gian mạng - Sputnik Việt Nam, 1920, 20.12.2021
Các khách mời tại chương trình số 2 trong khuôn khổ chiến dịch Vaccine Số của TikTok giúp phụ huynh kết nối với con trên không gian mạng – Ảnh: TikTok Việt Nam

Ông Nguyễn Lâm Thanh, Đại diện TikTok Việt Nam chia sẻ về những cam kết và nỗ lực của TikTok trong việc đảm bảo môi trường “sống số lành mạnh” trên không gian mạng dành cho tất cả người dùng, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên:

“TikTok đã giới thiệu một số tính năng an toàn, trao quyền cho người dùng chủ động kiểm soát tài khoản và nội dung của chính mình. Bằng cách này, những người dùng vị thành niên có thể kiểm soát chặt quyền riêng tư và bảo mật. Với các tài khoản được cài đặt ở trạng thái riêng tư, chỉ những tài khoản được người dùng phê duyệt mới có thể theo dõi, xem các video, và nhắn tin trực tiếp. Ngoài ra, Bộ lọc bình luận, Quản lý thời gian truy cập, Chế độ Hạn chế và tính năng Báo cáo trong ứng dụng cũng là những tính năng an toàn vừa được cập nhật trong thời gian vừa qua”.

An toàn người dùng là trên hết

Là nền tảng nền tảng video dạng ngắn hàng đầu thế giới, sự an toàn của người dùng luôn là ưu tiên hàng đầu của TikTok. Tiêu chuẩn Cộng đồng của TikTok có quy định rõ những nội dung được và không được phép xuất hiện, nếu vi phạm sẽ bị loại bỏ khỏi trên nền tảng.

“Với các tài khoản từ 13 đến 16 tuổi, TikTok thiết lập mặc định chế độ riêng tư cho các tính năng quan trọng như: tin nhắn trực tiếp, quyết định ai có thể bình luận dưới video của mình, quyết định đối tượng được tải video, quyết định đối tượng được xem video. Đặc biệt, 2 tính năng Duet và Stitch chỉ khả dụng đối với nội dung của người dùng từ 16 tuổi trở lên” – Đại diện TikTok Việt Nam nhấn mạnh.

Chương trình số 3 trong chiến dịch Vaccine Số của TikTok Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 20.12.2021
Chương trình số 3 trong chiến dịch Vaccine Số của TikTok Việt Nam – Ảnh: TikTok Việt Nam

Ngoài ra, theo ông Thanh, TikTok đã xây dựng tính năng Family Pairing – Gia đình thông minh, cho phép cha mẹ liên kết tài khoản và quản lý trải nghiệm của con trẻ khi hoạt động trên nền tảng. Hơn thế nữa, TikTok còn hỗ trợ phụ huynh hướng dẫn con trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên sử dụng nền tảng phù hợp với lứa tuổi thông qua Trung tâm An toàn của TikTok. Bên cạnh đó, TikTok cũng trao quyền cho người dùng để họ chủ động báo cáo các nội dung vi phạm hoặc gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng.

Lên mạng là xu hướng tất yếu của thanh thiếu niên thế hệ 4.0. Ai cũng hiểu rõ rằng không chỉ bố mẹ hay gia đình mà các thầy cô, những người đang ngày ngày đồng hành cùng học sinh cũng cần phải thay đổi để bắt nhịp cùng các em, giúp các em “sống số” một cách an toàn và lành mạnh.

Hoài Vân (T/h)

Xem thêm Công nghệ và Thể thao