Người thầy lớn của thể thao người khuyết tật Việt Nam qua đời
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội thể thao người khuyết tật Việt Nam – Vũ Thế Phiệt vừa trút hơi thở cuối cùng vào lúc 2h sáng hôm qua ngày 20/7, hưởng thọ 72 tuổi.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thể thao người khuyết tật Việt Nam Vũ Thế Phiệt đã qua đời ở tuổi 71. Ông được biết đến là một trong những người có công lớn nhất trong việc gây dựng phong trào thể thao người khuyết tật Việt Nam trong hơn 30 năm qua.
Quay lại mốc thời gian 5 năm trước tại Paralympic Rio 2016, thể thao người khuyết tật Việt Nam đã ghi dấu ấn lịch sử khi giành được 1 huy chương vàng – của lực sĩ Lê Văn Công (cử tạ), 1 huy chương bạc của vận động viên Võ Thanh Tùng (bơi lội), 2 huy chương đồng của lực sĩ Đặng Thị Linh Phượng (cử tạ) và vận động viên Cao Ngọc Hùng (điền kinh).
Để có được thành tích đó là cả quá trình gây dựng, phát triển phong trào và nâng tầm thể thao người khuyết tật Việt Nam trong 30 năm. Trong đó, phải kể đến vai trò của ông Vũ Thế Phiệt, một trong những người đặt nền móng đầu tiên.
Năm 1989, ông Vũ Thế Phiệt trong vai trò cán bộ Sở Thể dục Thể thao Hà Nội sang Nhật Bản dự Đại hội thể thao người khuyết tật Châu Á – Thái Bình Dương. Ông nhận nhiệm vụ sang Nhật Bản tìm hiểu, học tập cách làm thể thao người khuyết tật từ nước bạn.
Với những kinh nghiệm tích luỹ được, ông đã xây dựng câu lạc bộ thể thao người khuyết tật Khúc Hạo – Hà Nội từng bước lớn mạnh, đóng góp được hàng trăm tấm huy chương cho thể thao người khuyết tật Việt Nam trên đấu trường quốc tế.
Trong vai trò Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thể thao người khuyết tật Việt Nam, ông Vũ Thế Phiệt đã đóng góp tâm huyết và công sức qua nhiều nhiệm kỳ, giúp những vận động viên thể thao người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn đổi đời, tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, nuôi dưỡng đam mê, mang vinh quang về cho tổ quốc.
Ông Vũ Thế Phiệt từng nhiều lần làm Trưởng đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Những vận động viên coi ông như một người cha, một người thầy cả về tinh thần, chuyên môn. Đó là luôn người tận tuỵ với vận động viên, mang từng chiếc xe lăn đi, rồi bế vận động viên lên xuống xe để di chuyển cùng đoàn…
Tiếc rằng, ông không thể chứng kiến ngày đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam lên đường tham dự Paralympic 2020 tại Nhật Bản.