Thuốc Remdesivir kháng virus Covid-19 đã về Việt Nam, Hà Nội có tiếp tục giãn cách sau 7/8?
Theo bản tin sáng 6/8 của Bộ Y tế, cả nước thêm 4.009 người mắc Covid-19. Đồng thời, lô thuốc kháng virus Remdesivir gồm khoảng 50.000 lọ từ Ấn Độ đã được chuyển đến sân bay Tân Sơn Nhất và sẽ được phân bổ cho các thành phố có dịch.
Bổ sung thuốc Remdesivir vào phác đồ điều trị bệnh nhân Covid-19
Theo bản tin sáng 6/8 của Bộ Y tế, trong số ca mắc Covid-19 vừa được ghi nhận, 823 trường hợp tại cộng đồng.
Họ được phát hiện tại TP.HCM (2.563), Bình Dương (322), Long An (286), Tiền Giang (253), Đồng Nai (207), Đà Nẵng (77), Vĩnh Long (63), Đồng Tháp (53), An Giang (47), Trà Vinh (34), Phú Yên (27), Bình Định (19), Kiên Giang (17), Gia Lai (14), Hà Tĩnh (5), Đắk Nông (4), Thanh Hóa (4), Lâm Đồng (4), Bạc Liêu (2), Lào Cai (2), Quảng Trị (2), Lạng Sơn (2), Hải Dương (1), Hà Nội (1).
Tính đến sáng nay, Việt Nam có 189.066 ca nhiễm gồm 2.334 trường hợp nhập cảnh và 186.732 bệnh nhân trong nước.
Số ca nhiễm từ 27/4 đến nay là 185.162, trong đó, 55.266 bệnh nhân đã được công bố khỏi Covid-19. Ngày 5/8, Việt Nam có thêm 442.422 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số đã được tiêm là 8.061.116 liều. Trong đó, tiêm 1 mũi là 7.241.093 liều, tiêm mũi 2 là 820.023 liều.
Ngày 5/8, lô thuốc kháng virus Remdesivir gồm khoảng 50.000 lọ từ Ấn Độ đã được chuyển đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM).
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết ngày 6/8, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh sẽ bổ sung thuốc Remdesivir vào phác đồ điều trị bệnh nhân Covid-19. Số thuốc này sẽ được phân bổ cho TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh, thành phố đang có dịch Covid-19.
Đây là lô thuốc Remdesivir đầu tiên trong tổng số một triệu lọ được “nhóm phản ứng nhanh về thuốc và vaccine” thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đàm phán với các công ty dược phẩm lớn của nước này. Trong số này, 500.000 lọ thuốc do Tập đoàn Vingroup mua tặng Bộ Y tế.
Remdesivir là thuốc kháng virus tiêm qua đường tĩnh mạch, được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt từ cuối tháng 10/2020. Hiện hơn 50 quốc gia gồm các nước EU, Mỹ, Australia, Singapore…, sử dụng thuốc này trong phác đồ điều trị.
Hà Nội sẽ tiếp tục giãn cách?
Ngày 5/8, Hà Nội ghi nhận 71 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 38 ca nhiễm ngoài cộng đồng. Hơn một tuần qua, số ca nhiễm mới tại Hà Nội thường xuyên ở mức cao, trung bình khoảng 75 ca/ngày. Đáng chú ý, trường hợp dương tính ngoài cộng đồng luôn chiếm 50-60% số ca nhiễm hàng ngày.
Sau khoảng 10 ngày giãn cách, dịch bệnh có dấu hiệu chuyển hướng tấn công sang các khu vực trọng yếu, có vai trò quan trọng đối với đời sống người dân như bệnh viện, siêu thị, chợ đầu mối, chợ dân sinh. Hơn 70 siêu thị, chợ trên địa bàn đã phải đóng cửa do liên quan đến các ca nhiễm nCoV.
Chỉ còn 2 ngày nữa (đến hết 7/8) trước khi Hà Nội kết thúc đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 (trên nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng), tình hình dịch tại Hà Nội chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh ngày 5/8 yêu cầu các đơn vị trên toàn thành phố “có phương án dự phòng trong tình huống phải kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội”. Ông Ngọc Anh cho hay:
“Bài học kinh nghiệm của chúng ta là phải luôn đi trước một bước. Để bảo vệ an toàn tính mạng của người dân thì công tác chuẩn bị càng phải chủ động với những kịch bản ở mức độ cao hơn”.
PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế) nhận định tình thế hiện tại đã được TP đã dự liệu. Ông Trần Đắc Phu phân tích:
“Giãn cách một, hai tuần mà muốn ca nhiễm giảm thì rất khó. Giãn cách chỉ hạn chế lây nhiễm mới, trong khi dịch bệnh đã có trong cộng đồng từ trước với mức độ lớn. Hà Nội đang vào giai đoạn chống dịch khốc liệt hơn”.
Phó giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn thì chia sẻ TP đang tính toán, cân nhắc nhiều yếu tố về việc có tiếp tục gia hạn giãn cách xã hội nữa không. Trước mắt là tập trung kiểm soát, xét nghiệm, phát hiện F0. Ông Tuấn nói.
“Nếu diễn biến dịch bệnh đòi hỏi thì vẫn phải tăng thêm thời gian giãn cách. Mục tiêu quan trọng nhất vẫn là đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân”.
Trước đó, trong cuộc trao đổi với báo chí sau một tuần TP thực hiện Chỉ thị 17, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định các đơn vị toàn TP đã làm tốt, thực hiện tương đối nghiêm quy định. Tình hình dịch chuyển biến tích cực, song chưa đáng kể khi biến chủng Delta có tốc độ lây lan rất nhanh.
Theo lãnh đạo Thành ủy, tùy mức độ kiểm soát dịch, thành phố sẽ quyết định có gia hạn hay không.
Theo cập nhật mới nhất vào sáng 6/8, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến xác nhận thông tin Thường trực Thành ủy Hà Nội đã nhất trí kéo dài thời gian giãn cách xã hội toàn TP thêm 15 ngày đến ngày 22/8.
“Để đảm bảo phòng, chống dịch một cách tốt nhất, thành phố sẽ thực hiện giãn cách xã hội thêm 15 ngày nữa theo nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng”, Phó bí thư Thường trực cho biết.