Nghệ thuật rối nước – tuổi thơ của 8X, 9X xoay sở thế nào để tồn tại và phát triển?
Từng là một phần tuổi thơ của nhiều 8X, 9X, nghệ thuật rối nước đang loay hoay tìm “đất sống” trong xã hội hiện đại.
Quanh đi quẩn lại 16 trò cổ
Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các tham luận tại hội thảo đều có chung nhận xét: ở đâu, chỗ nào có múa rối là ở đó quanh đi, quẩn lại 16-17 trò cổ do họa sĩ, đạo diễn Ngô Quỳnh Giao xây dựng lại cách đây 30 năm (1986), trên cơ sở các tích trò cổ truyền của các phường hội dân gian xưa như: Tễu, công việc nhà nông, sự tích hồ Gươm, vinh quy bái tổ, múa tiên, cáo bắt vịt, vợ chồng thuyền chài… Thế nên, nhiều người lo ngại rằng cứ lặp đi lặp lại như thế sẽ dẫn đến sự nhàm chán.
Dẫu vậy, có ý kiến băn khoăn về cách phát triển ở mỗi phường rối từ xưa đến nay thường nghệ nhân chỉ truyền trò bí truyền cho người tâm đắc còn nếu không để trò bí truyền mai một chứ nhất định không chịu cởi mở, giao lưu. Đấy cũng chính là nguyên nhân dẫn đến các trò diễn cổ bị mai một trong khi chẳng thể góp phần làm phong phú thêm trò diễn giới thiệu cho người đời sau. Nhưng theo NSƯT Nguyễn Đức Thế- Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, Tp Hồ Chí Minh thì: “Đã đến lúc 17 trò cổ kinh điển bão hòa, đi tới đâu khách trong và ngoài nước đã thuộc lòng. Song song đó, hiện nay vẫn còn một số trò cổ tồn tại ở các phường hội. Để tiếp cận, xã hội hóa “sòng phẳng” (tức là cần mua lại các trò diễn từ các phường hội) với các phường hội như thế nào để tiếp cận và bổ sung”. Có thể thấy, đây là điều nên làm khi khai thác vốn cha ông không chỉ đối với riêng nghệ thuật múa rối nước.
Trăn trở của người trong cuộc
Rõ ràng, nghệ thuật rối nước dân gian Việt Nam là vốn quý cha ông để lại. Tuy nhiên, những năm qua, dù được bảo tồn, phát triển, nhưng đáng tiếc “khối ngọc quý” chưa được chế tác tốt. Thậm chí do yếu kém nhiều khi thợ chế tác lại làm hỏng…”- Họa sĩ, đạo diễn Ngô Quỳnh Giao trăn trở.
“Các trò được nhân bản nhiều và dập khuôn giống nhau nên dẫn đến nhàm chán nội dung chương trình biểu diễn. Giống nhau từ kịch bản, đường nét biểu diễn, lời thoại nhân vật đến tạo hình con rối, âm nhạc thể hiện. Nó được làm lại theo dạng truyền nghề, dập khuôn máy móc, ít sáng tạo và “tam sao thất bản”- NSND Hoàng Tuấn- Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long nói.
Đi sâu thêm về tạo hình con rối, TS Lê Thị Thu Hiền- Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo- Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng: “Về tạo hình chế tác quân rối của các đơn vị nghệ thuật đều do Trung tâm tạo hình con rối của Nhà hát Múa rối Việt Nam sản xuất và cung cấp. Do đó, các đơn vị nghệ thuật, dù có thay đổi đôi chút về tạo hình để phù hợp với cái riêng của mình, thì kết quả, 17 tiết mục cũng như quân rối, vẫn không có sự khác biệt, khiến cho người xem nhàm chán và các nghệ sĩ phần nào thiếu cảm hứng sáng tạo.”
Nghệ thuật rối nước vẫn đang loay hoay tìm hướng đi
Các loại hình nghệ thuật sân khấu hiện nay đều đang phải liên tục cập nhật các thông tin thời sự, xu hướng mới mẻ để biến thành chất liệu sáng tạo. Đây là cách thức để các bộ môn nghệ thuật truyền thống tiếp tục tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, những nghệ nhân, nhà hát rối nước vẫn chưa thực sự thành công trong việc tự làm mới để duy trì “sự sống”.
Có thế nói, trong kỷ nguyên số 4.0, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của thiết bị công nghệ trong việc truyền tải các tác phẩm nghệ thuật đến với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Để tiếp cận, đến gần hơn với công chúng trong thời đại online, những nghệ nhân rối nước cần biết cách khai thác các nền tảng số nhằm lan tỏa, truyền bá loại hình nghệ thuật này. Các hình thức như livestream, ghi hình và phát lại trên Youtube, Facebook,… nên được áp dụng rộng rãi. Đó có lẽ là cách tốt nhất để nghệ thuật rối nước không bị bỏ lại phía sau trong xã hội hiện đại.