Nguyễn Thị Oanh, cô gái đặc biệt của Điền kinh Việt Nam đã làm được điều đó để chiến thắng bản thân và có được sự ghi nhận của người hâm mộ thể thao trên khắp cả nước.
Sinh năm 1995, Nguyễn Thị Oanh đến với Điền kinh ở tuổi 15, khi không phải là sớm đối với một người tập luyện thể thao chuyên nghiệp, lại thêm chiều cao khiêm tốn 154cm và cân nặng chưa tới 40kg đã khiến Oanh suýt không được tuyển chọn vào đội tuyển Điền kinh của tỉnh. Tuy nhiên, nhờ tinh thần luyện tập nghiêm túc, sự cố gắng không ngừng nghỉ Oanh mới có được một vị trí ở đội tuyển điền kinh Bắc Giang trước khi trở thành tuyển thủ Quốc gia dự SEA Games 2013. Trong quá trình tập luyện ở đội điền kinh Bắc Giang, Oanh cũng đã được thử sức ở nhiều nội dung để rồi quyết định gắn bó với cự ly 3.000m vượt chướng ngại vật, nội dung nhiều gian khổ và được đánh giá là không dành cho những người bình thường. Có những buổi tập khiến cô gái nhỏ kiệt sức, không đi nổi, không ăn được hoặc ăn vào nôn ra vì vận động quá tải.
Sự miệt mài, nỗ lực bền bỉ của Nguyễn Thị Oanh đã sớm được đền đáp khi cô liên tiếp giành được huy chương Vàng ở giải vô địch trẻ Đông Nam Á lẫn giải vô địch trẻ châu Á. Trong nước, Oanh hầu như không có đối thủ xứng tầm ở nội dung sở trường, thậm chí lấn sân tốt sang một số cự ly trung bình. Cách đây 8 năm, ngày 18/12/2013, trên sân Wunna Theikdi ở thủ đô Naypyidaw, Myanmar. Nguyễn Thị Oanh đánh dấu sự có mặt của mình tại đấu trường thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á bằng tấm huy chương Bạc nội dung 3000m vượt chướng ngại vật. Thành tích của Oanh là 10 phút 40 giây 92, kém vận động viên về nhất Rini Budiarti của Indonesia 26 giây 38.
Những tưởng đó sẽ là sự khởi đầu thuận lợi, để thành công nối tiếp thành công, thế nhưng tai họa ập đến khi kết thúc Đại hội TDTT toàn quốc ở Nam Định vào cuối năm 2014, Oanh bất ngờ bị phù, tăng cân đột ngột. Bác sĩ chẩn đoán Oanh bị viêm cầu thận. Buồn hơn cả đó là thuốc điều trị sẽ ảnh hưởng tới xương khớp, làm loãng xương, teo cơ, không thể vận động mạnh chứ đừng nói đến chuyện tiếp tục theo đuổi niềm đam mê Điền kinh.
Có thể cảm nhận được sự suy sụp của cô gái khi ở độ tuổi còn quá trẻ và sự nghiệp mới bước đầu thăng hoa. Nhớ lại thời điểm đó, Oanh cho biết “lúc đó em cảm thấy như mình đang đứng trên đỉnh cao hy vọng bị rơi xuống vực sâu không đáy của sự tuyệt vọng vậy”. Đó cũng là thử thách đầu đời đối với nghị lực của cô gái 19 tuổi Nguyễn Thị Oanh. Oanh sẽ không thể nào quên quãng thời gian nằm viện 10 ngày và nhiều tháng điều trị tại nhà dày vò cô cả về thể chất lẫn tinh thần. Chế độ điều trị khắc nghiệt khiến cô bị phù, nổi mụn khắp mặt, cổ, vai, thêm vào đó là tinh thần chán nản, mất niềm tin và phương hướng. Thế rồi, mỗi ngày môt chút sự động viên từ bạn bè, người thân và từ vị Huấn luyện viên gắn bó thân thiết với Oanh sau này là Trần Văn Sỹ, cô gái bé nhỏ mà kiên cường đã vượt qua được giai đoạn vô cùng khó khăn ấy. Nhìn lại chặng đường đã qua, Oanh rất thấm thía rằng không có con đường nào về đích nhanh nhất bằng cách mình phải nỗ lực, cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Có lẽ tố chất của một vận động viên Điền kinh đã giúp cô sớm trở lại với đường chạy. Và giải điền kinh TP.HCM mở rộng năm 2015 chính là sự kiện chứng kiến sự trở lại đầu tiên của Oanh sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật. Tại giải đấu này, Oanh chỉ tham gia nội dung tiếp sức 800m nữ nhưng đã cảm thấy quá mệt và không tin có thể quay lại thể thao chuyên nghiệp được. Tuy nhiên, lại một lần nữa, Oanh được huấn luyện viên Trần Văn Sỹ động viên kiên trì tiếp tục tập luyện và thi đấu tiếp giải vô địch quốc gia 2015 vào tháng 10. Giải đấu đó cũng không thành công do sức khỏe cô còn yếu, không tiếp nhận được nhiều bài tập về chuyên môn.
Hành trình trở thành nhà vô địch của cô gái Bắc Giang giống như một câu chuyện cổ tích. Phải mất gần hai năm nỗ lực chiến đấu với bản thân với rất nhiều lần thất vọng, rồi lại hy vọng, Nguyễn Thị Oanh đã vượt qua chính mình để trở lại đấu trường SEA Games với quyết tâm giành huy chương Vàng nội dung 3000m vượt chướng ngại vật mà cô đã lỡ hẹn. Thế nhưng, tại SEA Games 29, nội dung sở trường của Oanh lại không có trong chương trình thi đấu chính thức, do vậy ban huấn luyện đã quyết định đăng ký cho Oanh thi đấu ở hai cự ly 1.500m và 5.000m. Kết quả thật bất ngời khi Nguyễn Thị Oanh đã thi đấu xuất sắc giành huy chương Vàng ở cả hai nội dung không phải sở trường này. Đặc biệt hơn cả khi chiếc huy chương Vàng mà Oanh giành được ở nội dung 1500m chỉ với chưa đầy hai tháng tập luyện và cũng không được tham dự một giải đấu cọ xát nào trước thềm SEA Games. Chính hai tấm huy chương Vàng kể trên là tiền đề để cô gái 22 tuổi này tiếp tục chinh phục đấu trường lớn hơn.
Tại Asian Games 2018, lẫn trong những đối thủ vượt trội về hình thể và kinh nghiệm thi đấu, cô gái Việt Nam bé nhỏ đã chạy với quyết tâm vượt qua những ngày tháng vất vả trong quá khứ để cán đích ở vị trí thứ Ba, giành tấm huy chương Đồng châu Á. Không những thế, thành tích 9 phút 43 giây 83 đã giúp cô trở thành nữ vận động viên đầu tiên của Việt Nam hoàn thành được cự ly này dưới 10 phút tại sân chơi Asian Games, đồng thời phá kỷ lục quốc gia tồn tại kể từ năm 2000.
Cũng trong năm 2018, Oanh hoàn thành chương trình đào tạo chính quy chuyên ngành huấn luyện viên, Khoa Huấn luyện thể thao tại Trường Đại học Thể thao Bắc Ninh.
Theo sát hành trình sự nghiệp của Nguyễn Thị Oanh mới cảm nhận hết được những khó khăn mà cô đã phải trải qua. Trước khi đến với sân chơi quan trọng nhất của Thể thao Việt Nam vào năm 2019, vì quá áp lực, Oanh đã bị mất ngủ triền miên nên chỉ tập luyện vài hôm lại bị kiệt sức và có những ngày phải xin nghỉ ở nhà. Những lúc khó khăn như vậy, Oanh luôn nhận được sự chia sẻ của bạn bè, đồng đội, các thầy trong ban huấn luyện và cô đã sớm lấy lại được tinh thần để bước vào tập luyện với một ý chí và quyết tâm cao nhất.
Khoảnh khắc cô gái đặc biệt của Điền kinh Việt Nam lả đi trên vạch đích đã lấy đi nước mắt hàng triệu người hâm mộ quê nhà. Điều mà Oanh khiến nhiều người phải kinh ngạc hơn cả đó là cô đã giành cả 3 tấm HCV tại SEA Games 30 đầy thuyết phục. Đặc biệt, cô gái “hạt tiêu” của Điền kinh Việt Nam để lại hình ảnh không thể nào quên với người xem trong ngày thi đấu cuối cùng khi phải thi đấu cự ly 5000m buổi sáng và 3.000m vượt chướng ngại vật ngay trong buổi chiều. Đây là điều hiếm hoi trong lịch sử Điền kinh Việt Nam.
Ở vào thời điểm này, Oanh đang cùng các đồng đội của mình tập luyện hăng say ngày hai buổi sáng, chiều nhằm hướng tới các giải đấu quan trọng trong tương lai. Oanh cho biết vì sắp tới giải vô địch quốc gia nên bọn em tập trung vào các bài chuyên môn sâu.
Chia sẻ về cô học trò nhỏ, huấn luyện viên Trần Văn Sỹ cho biết: gặp Oanh năm 2012 khi đang thi đấu ở giải Điền kinh trẻ quốc gia và đứng trong tốp Ba, ông cũng nghi ngại với thể hình thấp bé của cô gái này khó đảm bảo có thể phát triển được. Nhưng với linh tính mách bảo, vị huấn luyện viên này đã quyết đi gặp bác sĩ để được xem và nghiên cứu các thông số về tim mạch trong tập luyện và thi đấu của nữ vận động viên này, qua đó đưa ra quyết định lựa chọn Oanh vào tuyển quốc gia. Một kết quả hơn cả tuyệt vời, huấn luyện viên Trần Văn Sỹ đã phải rơi nước mắt vì tự hào khi nhìn thấy cô học trò bé nhỏ của mình nằm trên vạch đích vinh quang tại SEA Games 30.
Là người thầy gắn bó lâu năm, huấn luyện viên Trần Văn Sỹ hiểu rõ về học trò của mình, ông khẳng định muốn hiểu cảm giác các học trò phải vất vả thế nào trên đường đua thì mình cũng phải chạy để trải nghiệm. Các bài huấn luyện hằng ngày rất khác khi thi đấu nên cứ phải chạy mới hiểu. Có lẽ sự thấu hiểu cũng là một phần làm nên thành công của những học trò mà ông dẫn dắt trong đó có Nguyễn Thị Oanh. Chia sẻ về những áp lực mà cô gái nhỏ phải chịu đựng trong suốt quá trình gắn bó với Điền kinh, ông Trần Văn Sỹ cũng thẳng thắn nhìn nhận con người cũng như cỗ máy vậy, cần phải bảo dưỡng thường xuyên, chính vì vậy ông thường xuyên xây dựng những bài tập giảm tải cho học trò của mình. Việc không quá đặt nặng thành tích không phải người thầy nào cũng có thể làm được, sự cảm thông đó cũng giống như tình cảm của cha mẹ dành cho con cái vậy, bởi họ hiểu, áp lực sẽ làm khổ con mình.
Khi được hỏi về khả năng tiến xa của Oanh trong tương lai, ông Sỹ khẳng định: Oanh là cô gái đầy nghị lực, ý chí thi đấu cao. Với những thành tích trên có thể khẳng định Nguyễn Thị Oanh là hy vọng Vàng của Điền kinh Việt Nam, trong đó SEA Games 31 là đích đến chắc chắn, còn xa hơn nữa là Asian Games năm 2022 và tiếp đó là SEA Games năm 2023.
Bảng vàng thành tích của Nguyễn Thị Oanh tính đến thời điểm hiện tại:
- 2 huy chương Vàng ở nội dung 1.500 m và 5.000 m tại SEA Games 29.
- 2 huy chương Vàng ở nội dung 1.500 m và vượt chướng ngại vật 3.000m tại Giải Điền kinh Singapore mở rộng năm 2018.
- 1 huy chương Đồng lịch sử cho Điền kinh Việt Nam tại Asian Games 18 ở Jakarta, năm 2018. Đây là lần đầu tiên Điền kinh Việt Nam có huy chương tại nội dung vượt chướng ngại vật 3.000m.
- 3 huy chương Vàng ở 3 nội dung thế mạnh của mình là 1.500m, 5.000m và vượt chướng ngại vật 3.000m tại Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018. Cả ba chiếc huy chương Vàng đó đều là 3 kỷ lục mới của Đại hội.
- Bảo vệ thành công 2 tấm huy chương Vàng ở nội dung 1.500 m và 5.000m tại SEA Games 30 Philippines và lần đầu giành vàng ở nội dung sở trường vượt chướng ngại vật 3.000m.
- Vận động viên tiêu biểu nhất của Thể thao Việt Nam năm 2019.