Cục phó quản lý thị trường Trần Hùng bị bắt và đường dây “sách giả”
Đường dây sản xuất tiêu thụ sách giả từng bị lực lượng quản lý thị trường phát hiện, bắt giữ số lượng lớn nhưng lại “xử lý nhẹ”, không chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, từ đó tạo điều kiện cho đường dây này tiếp tục hoạt động.
Bắt sách giả nhưng không chuyển điều tra
Liên quan đến vụ án sản xuất 3,2 triệu cuốn sách giả, mới đây ngày 17/8, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Hùng, cựu cục phó Cục Quản lý trị trường, tổ trưởng Tổ 1444 Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương).
Cùng vụ án có ba cán bộ thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng đã bị bắt.
Theo thông tin từ Bộ Công an, cơ quan điều tra cho rằng đủ căn cứ xác định ông Trần Hùng có dấu hiệu vi phạm tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Từ tháng 7/2020, Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra, phát hiện nhiều sai phạm trong hoạt động kinh doanh in ấn, phát hành xuất bản phẩm, sách giáo khoa trên địa bàn.
Đoàn kiểm tra đã phát hiện một số doanh nghiệp tại quận Hoàng Mai có nhiều vi phạm trong lĩnh vực, hoạt động in, phát hành xuất bản phẩm như:
Không thông báo địa điểm kinh doanh với cơ quan có thẩm quyền theo quy định;
Không lập sổ ghi chép quản lý ấn phẩm nhận chế bản, in và gia công sau in theo quy định;
In, sử dụng mã số, mã vạch của nước ngoài;
Tàng trữ xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.
Theo nội dung trong bản tin đăng trên trang web của Bộ Công thương thời điểm đó, Đội quản lý thị trường số 17 kiểm tra cơ sở kinh doanh thuộc Công ty TNHH Phú Hưng Phát, tạm giữ số xuất bản phẩm gồm 27.200 cuốn sách giáo khoa các loại chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, có dấu hiệu in lậu.
Mặc dù phát hiện đường dây tiêu thụ sách giả với số lượng lớn như trên nhưng bị can Lê Việt Phương, nguyên phó đội trưởng Đội quản lý thị trường số 17, nay là đội trưởng Đội quản lý thị trường số 14, cùng một số cán bộ đã không thực hiện việc báo cáo tới cơ quan điều tra có thẩm quyền mà tự ý xử lý vụ việc.
Cơ quan điều tra cho rằng đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng dẫn tới các cán bộ này bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Hành vi tạo điều kiện cho “đường dây sách giả”
Trong thời điểm điều tra nói trên, ông Trần Hùng là người trực tiếp chỉ đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội và Đội quản lý thị trường số 17 tiến hành kiểm tra kho của Công ty Phú Hưng Phát.
Công ty này do Cao Thị Minh Thuận làm giám đốc, phát hiện, thu giữ hơn 27.000 quyển sách thuộc 68 đầu sách giáo khoa giả.
Mặc dù phát hiện vụ việc sản xuất sách giả với số lượng lớn như trên nhưng ông Trần Hùng đã không chỉ đạo cấp dưới giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Hành vi của ông Trần Hùng và các cán bộ quản lý thị trường dẫn đến vụ sản xuất sách giả bị phát hiện nhưng không được điều tra, xử lý hình sự. Cũng bởi vậy mà Cao Thị Minh Thuận cũng không bị xử lý hình sự về hành vi buôn bán hơn 27.000 quyển sách giả.
Việc làm của các bị can đã “tạo điều kiện” để đường dây sách giả này tiếp tục hoạt động từ đó đến nay. Cơ quan điều tra xác định đường dây này sản xuất đến 3,2 triệu cuốn sách giả.
Xác định hành vi của ông Trần Hùng có đủ dấu hiệu phạm tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam.
Ngoài ông Trần Hùng và Lê Việt Phương, các bị can Phạm Ngọc Hải và Thành Thị Đông Phương, nguyên kiểm soát viên Đội quản lý thị trường số 17, nay là kiểm soát viên Đội quản lý thị trường số 14, cũng bị bắt để điều tra về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.