Kết nối với chúng tôi

Thể thao

#Tokyo 2020: Hàng loạt kỷ lục đã tồn tại từ lâu bị phá vỡ tại Olympic

Đúng 20h30 ngày 8/8, lễ bế mạc Olympic Tokyo 2020 đã khép lại. Với những gì diễn ra trong hơn 2 tuần lễ vừa qua, có thể khẳng định thế vận hội mùa Hè này đã thành công, bất chấp bóng đen COVID-19 bao phủ không chỉ đối với chủ nhà Nhật Bản mà còn cả toàn thế giới.

Nhìn lại một kỳ thế giới vận hội

Thế vận hội có 33 môn thể thao được thi đấu từ 339 sự kiện được trao huy chương. Trong đó, Nhật Bản có thành tích tốt nhất tại Olympics với kỷ lục 58 huy chương, trong đó có nhiều Huy chương Vàng nhất từ trước tới nay với 27 HCV. Anh Quốc đứng thứ tư, và đây là một trong bốn kỳ đạt thành tích tốt nhất của Anh kể từ sau Thế Chiến II.

Cũng tại kỳ Olympic Tokyo 2020, có 93 trong tổng số 203 đoàn thể thao tham dự giành được huy chương, tăng 7 đoàn so với Olympic 2016 ở Rio de Janeiro và Olympic 2012 ở London.

Trong số này, đáng chú ý có Bermuda – một quốc đảo nhỏ với khoảng 63.000 dân nằm giữa Đại Tây Dương. Bermuda đã có mặt trên bảng vàng của thế vận hội nhờ chiếc huy chương Vàng của vận động viên Flora Duffy ở nội dung ba môn phối hợp.

Mặc dù, một điều không thể phủ nhận là vẫn còn khoảng cách khá lớn giữa các đoàn thể thao. Điều này thể hiện ở việc 5 đoàn thể thao dẫn đầu (gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh và Ủy ban Olympic Nga) giành tới 38,8% huy chương và hơn 43% huy chương Vàng của thế vận hội, trong khi có tới 110 đoàn không giành được huy chương nào, trong đó có đoàn thể thao Việt Nam.

Tại Olympic Tokyo 2020, trong số 18 vận động viên của Việt Nam, chỉ có tay vợt Nguyễn Thùy Linh có 2 chiến thắng trong số 3 trận đấu ở vòng loại cầu lông đơn nữ và vận động viên Quách Thị Lan lọt vào bán kết ở nội dung 400m rào nữ.

Lễ bế mạc Olympic Tokyo 2020 mang đậm bản sắc và giàu nghệ thuật truyền thống của đất nước mặt trời mọc đã khép lại một kỳ thế vận hội đặc biệt.

Tuy nhiên, không chỉ thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh, Olympic Tokyo 2020 cũng rất thành công về mặt chuyên môn. Trước hết, với sự góp mặt của 4 môn thể thao mới gồm trượt ván, lướt sóng, leo núi thể thao và karate, Olympic Tokyo là thế vận hội mùa Hè đầu tiên có số lượng môn thi đấu lớn nhất từ trước tới nay. Điều này đã khiến sự kiện này trở nên hấp dẫn hơn.

Trong một kỳ thế vận hội hiện đại bậc nhất, nước chủ nhà Nhật Bản cũng đã không quên mang tới những màn biểu diễn âm thanh và ánh sáng cực kỳ ấn tượng.

Sau những ngày tranh tài, các vận động viên tới góp mặt tại lễ bế mạc năm nay đã cùng nhìn lại những khoảnh khắc đẹp nhất, và xúc động nhất tại Olympic Tokyo 2020. Và cũng không quên gửi lời cảm ơn tới đội ngũ các tình nguyện viên và ban tổ chức đã cùng tạo nên một kỳ thế vận hội thành công.

Đây cũng là lần đầu tiên tại các kỳ Olympic, các vận động viên giành huy chương ở hai nội dung marathon của nam và nữ đã vinh dự được trao huy chương trong buổi lễ bế mạc. Đây cũng là phần thưởng rất lớn dành cho các vận động viên đã thi đấu xuất sắc ở nội dung danh giá của môn điền kinh.

Để kết thúc lại lễ bế mạc, lá cờ của Olympic đã được Thị trưởng của thành phố Tokyo Koike Yuriko trao lại cho chủ tịch Uỷ ban Olympic quốc tế Thomas Bach, trước khi chuyển tới cho bà Anne Hidalgo, thị trưởng của Thành phố Paris, nơi sẽ đăng cai kỳ thế vận hội của mùa hè tiếp theo vào năm 2024. Và tại thành phố Paris, người hâm mộ thể thao tại đây cũng đã đón nhận tinh thần Olympic một cách đầy hào hứng và sôi động, qua đó đưa tất cả cùng hướng tới kỳ thế vận hội 3 năm sau nữa tại nước Pháp.

Điểm danh các VĐV phá vỡ kỷ lục thế giới tại kỳ Olympic Tokyo 2020

Bên cạnh đó, tại kỳ Olympic lần này, hàng loạt kỷ lục đã tồn tại từ lâu bị phá vỡ. Điều này diễn ra ngay cả khi sự lây lan của dịch COVID-19 trong gần 2 năm qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình chuẩn bị và phong độ của các vận động viên. Tuy nhiên, các vận động viên tham dự đến từ các nước trên thế giới đã thi đấu hết mình và phá kỷ lục thế giới.

Cụ thể, ở môn điền kinh cự ly 1.500m nữ, vận động viên Faith Chepngetich Kipyegon người Kenya đã phá kỷ lục Olympic tồn tại suốt 33 năm qua. Hay như ở nội dung 400m vượt rào nam, vận động viên Karsten Warholm của Na Uy đã phá kỷ lục thế giới được duy trì trong suốt 29 năm.

Vận động viên E.Thompson (Jamaica) xuất sắc giành huy chương vàng (HCV), đồng thời phá kỷ lục Olympic với thông số 10 giây 61 (kỷ lục cũ là 10 giây 62 được cố VĐV người Mỹ G.Joyner lập tại Olympic Seoul 1988). 

Niềm vui vỡ òa của E.Thompson khi phá kỷ lục Olympic sau 33 năm. 

Yulimar Rojas – nội dung nhảy ba bước nữ

Vào ngày 1 tháng 8 vừa qua, nữ vận động viên người Venezuela Yulimar Rojas đã lập kỷ lục thế giới mới với kết quả 15,67 mét ở nội dung nhảy ba bước nữ, vượt qua cột mốc 15,5 mét do Inessa Kravets từ Ukraine thiết lập năm 1995. 

Karsten Warholm – nội dung 400 mét vượt rào nam

Trong nội dung 400 mét vượt rào nam diễn ra vào ngày 3 tháng 8, vận động viên người Na Uy Karsten Warholm đã tiếp tục lập thêm một kỷ lục thế giới mới và cũng đồng thời phá vỡ kỷ lục của chính mình lập ra chỉ một tháng trước đó với thành tích 45,94 giây.

Các vận động viên Anh và Đức – Nội dung đua xe đạp nữ

Bộ môn đua xe đạp nữ diễn ra vào ngày 3 tháng 8 vừa qua đã chứng kiến sự so tài căng thẳng, kịch tính giữa các vận động viên đến từ hai đội tuyển Anh và Đức. Ba kỷ lục thế giới đã liên tiếp bị phá vỡ trong chỉ một trận đấu này và cuối cùng, huy chương vàng thuộc về tay đội tuyển Đức.

Zhong Tianshi và Bao Shanju – Nội dung xe đạp nước rút đồng đội nữ

Các vận động viên người Trung Quốc Zhong Tianshi và Bao Shanju đã từng lập kỷ lục thế giới nội dung xe đạp nước rút đồng đội nữ tại Thế vận hội Rio 2016. 5 năm sau, tại Thế vận hội diễn ra tại Tokyo, cặp đôi này lại một lần nữa phá kỷ lục của chính mình để thiết lập nên một kỷ lục thế giới mới với thời gian 31,084 giây.

Đội tuyển Ý – nội dung đua xe đạp đồng đội Nam

Đội tuyển Ý đã phá kỷ lục thế giới tại bộ môn đua xe đạp đồng đội nam với thành tích 3 phút 42,307 giây – chỉ 0,09 giây trước đội New Zealand.

Caeleb Dressel – nội dung bơi bướm 100 mét nam

Vận động viên bơi lội người Mỹ Cealed Dressel đã phá kỷ lục của chính mình trong trận chung kết nội dung 100 mét bơi bướm nam với thành tích 49,45 giây.

Đội tuyển Mỹ – nội dung tiếp sức 4×100 mét nam

Đội tuyển Mỹ bao gồm Ryan Murphy, Michael Andrew, Caeleb Dressel và Zach Apple đã thành công nối dài chuỗi thành tích bất bại của đội tuyển Mỹ tại nội dung chạy tiếp sức 4×100 mét nam và đồng thời lập nên một kỷ lục thế giới mới.

Đội tuyển Australia – nội dung tiếp sức tự do 4×100 mét nữ

Đội tuyển Australia bao gồm Emma Mckeon, Meg Harris cùng cặp chị em Bronte và Cate Campbell đã lập nên một kỷ lục thế giới mới tại nội dung tiếp sức tự do 4×100 mét nữ với thành tích 3 phút 29,69 giây, nhanh hơn 0,36 giây so với kỷ lục trước đó.

Đội tuyển Trung Quốc – nội dung 4×200 mét tự do nữ

Các vận động viên gồm Junxuan Yang, Muhan Tang, Yufei Zhang và Bingjie Li đến từ đội tuyển Trung Quốc đã hoàn thành cuộc đua tiếp sức 4×200 mét nữ với thời gian 7 phút 40,33 giây, vượt qua các ứng cử viên sáng giá cho ngôi vô địch là Mỹ và Úc để thiết lập nên một kỷ lục thế giới mới.

Shi Zhiyong – nội dung cử tạ nam

Vận động viên Shi Zhiyong tới từ đội tuyển Trung Quốc đã xuất sắc giành huy chương vàng nội dung cử tạ nam hạng 73kg diễn ra vào ngày 28 tháng 7 vừa qua. Anh đã nâng được tổng cộng 364kg, nhiều hơn 1kg so với kỷ lục thế giới cũ cũng do chính vận động viên này lập nên.

Xuân Hiền- T/h

Xem thêm Thể thao