Kết nối với chúng tôi

Thể thao

TS Trần Việt Dũng: Sẽ vẫn sáng tạo Cờ trí tuệ vì đam mê

Trong thời gian 2 năm (2019-2020), Tiến sĩ Trần Việt Dũng suy nghĩ, sáng chế ra 10 loại cờ khác nhau, gồm: Cờ Tri thức, Cờ Hình, Cờ Số, Cờ Bóng đá, Cờ Bóng Rổ, Cờ Sao, Cờ Hợp, Cờ Động vật, Cờ Trận và Cờ Bình. Trong đó, đặc biệt là Cờ Tri thức, Cờ Hình và Cờ Số được nhiều người yêu thích, thường xuyên luyện tập, thi đấu. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao chứng nhận cho Tiến sĩ Trần Việt Dũng, giảng viên Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam là người sáng tạo nhiều loại cờ trò chơi trí tuệ nhất.

Nhân dịp đầu Xuân Tân Sửu, tạp chí Thể thao & Cuộc sống đã có dịp chuyện trò cùng Tiến sĩ Trần Việt Dũng để có thêm những thông tin thú vị về các loại hình cờ do anh sáng tạo ra.

Cơ duyên nào đã đưa TS Trần Việt Dũng đến với các loại cờ? 

Việt Dũng nhận thấy trong tất cả các trò chơi mà con người đã sáng tạo ra, cờ – trò chơi trí tuệ ý nghĩa quan trọng không chỉ giải trí mà giúp phát triển tư duy của người chơi và một số giá trị khác tùy thuộc vào từng loại cờ. Mặt khác, Cờ Tư lệnh của Đại tá, Nhà văn Nguyễn Quý Hải, Cờ Toán Việt Nam của nghệ nhân Vũ Văn Bẩy là động lực kích thích để Việt Dũng thử sức trong việc tạo ra những loại cờ mới.  

Anh có thể giới thiệu một chút về một số loại cờ đề độc giả của Thể thao & Cuộc sống được biết rõ thêm?

Cờ Tri thức là môn thể thao trí tuệ diễn ra giữa 2 người chơi. Mỗi bên gồm 12 quân (quân xanh – đỏ) thi triển quân mình sao cho giành được nhiều điểm hơn thì thắng hoặc thắng “knock out” – ăn một lúc hai quân. Việc ăn quân dựa vào nguyên tắc khớp nội dung. Cờ Tri thức có tác dụng giải trí, rèn luyện trí tuệ và đặc biệt được dùng để phục vụ cho hoạt động ôn luyện kiến thức ở mọi môn học.

Cờ Hình dành cho 2 người chơi và có trọng tài phân xử. Thông qua hoạt động dựng hình và phát hiện, chứng minh thông tin mới về cấu trúc và quan hệ giữa các hình mà 2 bên đã dựng để ghi điểm, sau một thời gian nhất định (15 phút, 30 phút, 45 phút, 60 phút…), người ghi được nhiều điểm hơn sẽ thắng cuộc. Cờ Hình có tác dụng ôn luyện Hình học, có thể dùng để tổ chức các cuộc thi quốc gia, quốc tế về Hình học, rèn luyện tư duy và giải trí.

Còn cờ Số là người chơi thông qua các nước đi và các phép tính Toán học, ai giành được điểm nhiều hơn thì thắng, đặc biệt thắng “knock out” khi ăn được “thế đôi” quân trung tâm. Cờ Số hướng đến giúp học sinh ôn luyện Toán học, rèn luyện tư duy logic và giải trí…

Mỗi loại hình có một điểm thú vị khác nhau, đem đến cho người chơi những tư duy khác nhau để khám phá ra năng lực của bản thân mình. 

Trong quá trình nghiên cứu và sáng tạo ra các loại cờ mới, anh đã gặp những khó khăn gì

Những khó khăn mà Việt Dũng gặp phải cũng khá nhiều. Việt Dũng vừa đi làm vừa nghiên cứu và sáng tạo ra cờ nên thời gian hạn hẹp là một khó khăn mà Dũng phải khắc phục. Thêm nữa, hoạt động chế ra quân cờ, bàn cờ cũng làm cho Việt Dũng mất khá nhiều thời gian. Việt Dũng phải tự học một số kỹ năng đồ họa như Photoshop, Corel để giúp mình xây dựng nên hình ảnh quân cờ và bàn cờ sao cho có tính thẩm mỹ và có đặc trưng riêng. 

Đâu là loại cờ mà anh cảm thấy tâm đắc nhất trong 10 loại do bản thân anh sáng tạo nên? 

Trong số 10 cờ mà Dũng tạo ra, Cờ Tri thức là cờ mà Dũng thấy tâm đắc nhất. Bởi: thứ nhất, cờ này có một “định dạng” hoàn toàn khác so với tất cả các cờ đã có, thứ hai, Cờ Tri thức có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục, có thể xâm nhập và phổ biến trong Nhà trường. Giúp cho người chơi không chỉ rèn luyện tư duy mà còn ôn luyện, nâng cao hiểu biết. Thứ ba, Cờ này với luật chơi đơn giản, có sức hấp dẫn đối với người chơi.

Ngoài cờ Tri thức, Cờ Bóng đá cũng là một môn mà Dũng tâm đắc.

Đối với anh, cờ có ý nghĩa gì với cuộc sống? 

Ý nghĩa của cờ đối với cuộc sống theo Dũng biểu hiện ở chỗ: Thứ nhất, cờ giúp người chơi giải trí lành mạnh; Thứ hai, cờ giúp người chơi rèn luyện tư duy. Tùy thuộc vào từng loại cờ mà nghiêng về, nhấn mạng năng lực tư duy loại nào: tư duy logich, tư duy sáng tạo, tư duy chiến lược…; Thứ ba, một số cờ của Dũng hình thành đều mang một thông điệp của cuộc sống điều này có tác dụng nâng cao ý thức cộng đồng. 

Chẳng hạn: Cờ Hợp với thông điệp: hãy nâng cao sự đoàn kết, đoàn kết là sức mạnh to lớn. Cờ động vật với thông điệp: chỉ có trái tim, tình yêu thương, trách nhiệm của cộng đồng người trên trái đất mới bảo tồn được sự đa dạng giống loài và ngăn chặn sự tuyệt chủng các giống loài. Cờ Sao với thông điệp: các nước trên thế giới hãy đoàn kết lại chống lại sự xâm lăng, tàn phá bởi thế lực đến từ vũ trụ. Cờ Tri thức với thông điệp hãy tạo ra và sử dụng tri thức một cách đúng đắn có lợi cho cộng đồng.

Thứ tư, hưởng ứng tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục – đào tạo nước nhà đang diễn ra trên diện rộng hiện nay, một số cờ của Dũng phục vụ trực tiếp cho hoạt động giáo dục: Cờ Tri thức, Cờ Hình và Cờ Số. Nên cờ có tác dụng bổ trợ cho hoạt động dạy và học, với tinh thần: học mà chơi, chơi mà học; làm cho hoạt động dạy và học trở nên sôi động, vui vẻ, không nhàm chán. 

Hiện nay, giới trẻ đang ngày càng ít quan tâm đến các loại cờ. Anh nghĩ gì về điều này?  

Việt Dũng thiết nghĩ xu hướng này có hai mặt: thứ nhất phản ánh lối sống của một bộ phận giới trẻ hiện nay họ muốn cái gì cũng phải nhanh, tiện, gọn, không phải suy nghĩ nhiều. Nếu cần giải đáp đã có Internet, Google… Chơi Cờ phải tư duy, động não; thứ hai, hiện nay số lượng cờ đã có trên toàn thế giới chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi đại đa số người Việt Nam chúng ta chỉ tập trung chơi Cờ Vua và Cờ Tướng. Nên việc “món ăn tinh thần” ít ỏi, không nhiều cũng là nguyên nhân dẫn đến sự xa rời của một bộ phận giới trẻ hiện nay đối với thể loại trò chơi trí tuệ này.

Sẽ rất khó để các loại cờ mới có sức ảnh hưởng như cờ vua, cờ tướng,… Anh có lo ngại các loại cờ của mình không trở nên phổ biến? 

Để một loại cờ trở nên phổ biến, thịnh hành cần phải có một thời gian không ngắn, Cờ Vua và Cờ Tướng có lịch sử hàng trăm năm. Trong số 10 cờ mà VD sáng tạo ra, VD tin rằng sẽ có một số cờ trở nên phổ biến ở VN và trên thế giới, tuy nhiên, điều này cần phải có một lượng thời gian cần thiết, cần có sự trợ giúp của Chính phủ, của giới truyền thông và xã hội để không chỉ cờ của Dũng được phổ biến mà cờ của Đại tá – Nhà văn Nguyễn Quý Hải (cờ Tư lệnh) của Nghệ nhân Vũ Văn Bảy (Cờ Toán Việt Nam) cũng được phổ biến trong cộng đồng. VD mong rằng những loại cờ của người Việt tạo ra được biết đến và chơi ở Việt Nam và Quốc tế.

Được công nhận kỷ lục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Việt Dũng có cảm xúc gì? Nếu không được ghi nhận, anh có động lực để tiếp tục sáng tạo các loại cờ mới không? 

Dũng rất xúc động và hạnh phúc vì thành quả lao động trí tuệ của mình đã được cộng đồng ghi nhận. Việt Dũng xin gửi lời cảm ơn đến người thân, bạn bè, đồng nghiệp đã hỗ trợ, động viên Dũng xây dựng thành công các sản phẩm cờ, Dũng xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Ban lãnh đạo và Ban Biên tập của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã tạo điều kiện, hỗ trợ để Dũng vinh dự nhận được Kỷ lục Việt Nam. 

Nếu không được ghi nhận, Dũng vẫn tiếp tục sáng tạo ra các loại cờ mới khi điều kiện cho phép, mình làm vì đam mê mà… (cười).

Nhịp sống hiện đại đang ngày càng hối hả. Ít ai còn đủ thời gian để thư thái chơi cờ. Anh nghĩ gì về sự mai một của các loại cờ? 

Một khi cuộc sống với nhịp điệu nhanh, hối hả sẽ dẫn đến xu hướng mất cân bằng trong đời sống tinh thần và cờ là một trong những biện pháp để con người trầm, bình tâm trở lại.

Làm thế nào để đưa văn hoá các loại cờ đến gần hơn với số đông công chúng? 

Cờ là một loại trò chơi lành mạnh, bổ ích cho giới trẻ nên (Việt Dũng thiết nghĩ) rất cần thiết cho việc phổ biến các trò chơi cờ ở cộng động. Để đưa văn hóa các loại cờ đến gần hơn với số đông công chúng, mình cho rằng cần: Thứ nhất, đưa các loại cờ vào trong giáo dục; thành lập trong trường học các câu lạc bộ cờ; Thứ hai, tổ chức nhiều đợt hơn các cuộc thi cờ ở từng cấp.; Thứ ba, nâng cao sự hiểu biết về giá trị của cờ trong cộng đồng thông qua truyền thông và giáo dục.

  Thời đại 4.0 đang ngày càng phát triển. Anh có nghĩ về việc số hoá các loại cờ do mình sáng tạo nên? 

Việt Dũng cho rằng việc số hóa các loại cờ do bản thân tạo ra là cần thiết trong thời đại 4.0 hiện nay. Với việc số hóa cờ, các loại cờ sẽ nhanh chóng đến được đông đảo người chơi. Tuy nhiên, việc tạo ra những bàn cờ, quân cờ làm bằng chất liệu nhựa, gỗ…là điều cần thiết. Hai hình thức của cờ này sẽ bổ sung cho nhau.

Việc số hoá có khiến cờ mất đi giá trị đích thực

Mọi thứ đều có hai mặt: việc số hóa cờ tạo nên cơ hội tiếp cận đến cờ, chơi cờ của đông đảo người chơi; mặt khác, với việc số hóa, người chơi sẽ chơi với máy hoặc chơi với người khác, dù sao thiếu đi sự giao lưu trực tiếp giữa người với người, thiếu đi sự tương tác tâm lý. 

Sắp tới, anh có dự định gì cho sự nghiệp sáng tạo cờ của bản thân? 

Dũng có dự định truyền bá, phổ biến các loại cờ của mình trong cộng đồng, cung cấp cho đông đảo người chơi “các món ăn tinh thần” đa dạng, phong phú với nhiều “hương vị” khác nhau của 10 loại cờ. Ngoài ra, mình vẫn tiếp tục thiết kế ra một số loại cờ mới với mong muốn tạo ra những sản phẩm cờ mang thương hiệu “made in Viet Nam” được phổ biến toàn cầu, góp phần khẳng định vị thế trí tuệ của Người Việt trước cộng đồng quốc tế.

Xin cảm ơn Tiến sĩ Trần Việt Dũng, chúc anh năm mới nhiều sức khoẻ, tràn đam mê với các môn Cờ của mình.

Song Minh

Xem thêm Thể thao