Kết nối với chúng tôi

Thời sự Thể thao

Chính phủ yêu cầu các địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 không để người dân tự phát rời khỏi địa phương

Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam vừa họp đột xuất xem xét Tờ trình của Chính phủ về loạt giải pháp cấp bách chống dịch Covid-19.

Đã có hơn 8 triệu người Việt Nam được tiêm vaccine

Theo số liệu cập nhật về tình hình dịch Covid-19 của Bộ Y tế, tối ngày 6/8, trên toàn quốc phát hiện thêm 4.315 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm trong ngày lên thành 8.324. Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam đã có 193.381 ca mắc nCoV.

Hôm nay có thêm 4.292 bệnh nhân khỏi bệnh, tổng số ca bình phục của Việt Nam là 62.332 trường hợp. Trong số các bệnh nhân đang điều trị, có 18 ca nguy kịch cần can thiệp ECMO, 518 trường hợp nặng được điều trị tích cực ICU. Bộ Y tế vừa công bố thêm 296 ca tử vong (2721-3016) tại 17 tỉnh từ 1/8-6/8.

Số lượng xét nghiệm ngành y tế đã thực hiện tính đến nay là 6.861.784 mẫu cho 19.403.096 lượt người. Đặc biệt, Việt Nam đã tiêm chủng được 8.061.116 liều (mũi 1 là 7.241.093, mũi 2 là 820.023 liều).

Người đến làm xét nghiệm chủ yếu là lái xe và người có nhu cầu đến các địa phương khác.
Người đến làm xét nghiệm chủ yếu là lái xe và người có nhu cầu đến các địa phương khác.

Hà Nội chính thức giãn cách xã hội thêm 15 ngày

Chiều nay, 6/8, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký Công điện hỏa tốc số 18 về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn thủ đô để phòng chống dịch Covid-19.

Chủ tịch Hà Nội nêu rõ trong công điện yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị số 17 (ngày 23/7/2021), tiếp tục giám sát chặt nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu thì ở đó”.

Lãnh đạo Hà Nội đề nghị bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà.

“Chỉ những người được phép mới đến làm việc trực tiếp trong trường hợp thật sự cần thiết như: trực chiến đấu, trực cơ quan, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cấp bách cần thiết khác theo yêu cầu gắn với trách nhiệm của người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị và việc kiểm tra giám sát của chính quyền các cấp tại cơ sở”, công văn nêu rõ.

Nhấn mạnh công tác phòng chống dịch tại Hà Nội phải được thực hiện “từ gốc”, với sự tự giác chấp hành ủng hộ của nhân dân, xã hội.

Đối với khu vực “vùng xanh” – không có dịch, Chủ tịch Chu Ngọc Anh yêu cầu người dân chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết, chủ động lập chốt bảo vệ vùng xanh, ngăn chặn, phòng ngừa dịch khi dịch bệnh chưa xảy ra, phát huy sự vào cuộc của quần chúng nhân dân trong giữ gìn an toàn cho khu dân cư.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn báo cáo tiến độ sản xuất, thử nghiệm vaccine trong nước.
“Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, sẵn sàng trong mọi tình huống phát sinh”, Chủ tịch TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

“Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, sẵn sàng trong mọi tình huống phát sinh”, đồng chí Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Các “vùng da cam” – các nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vị, chợ, siêu thị, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, lãnh đạo Hà Nội yêu cầu chỉ cho hoạt động khi đảm bảo các quy định phòng chống dịch. Ngoài việc thường xuyên kiểm tra, giám sát, mỗi cán bộ công chức, người lao động cần khai báo y tế bằng mã QR Code khi đi làm, lao động, mua sắm.

Đặc biệt, đối với “vùng đỏ” – ông Chu Ngọc Anh yêu cầu chính quyền cơ sở cần quyết định các biện pháp phong tỏa hoặc cách ly y tế với diện tích phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh và nguy cơ. Người dân được yêu cầu chấp hành nghiêm các biện pháp chống dịch theo chỉ đạo của chính quyền cơ sở. Nhanh chóng kiểm soát, khống chế dịch trong thời gian ngắn nhất đối với khu vực này.

Công điện hỏa tốc của UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu tăng tốc xét nghiệm, đánh giá lại năng lực xét nghiệm, tổ chức điều phối, chuyển mẫu nhanh, ứng dụng công nghệ thông tin quản lý toàn bộ quy trình từ khi lấy mẫu đến khi trả kết quả.

“Căn cứ mức độ lây lan và tình hình dịch bệnh trên từng địa bàn để quyết định các phương pháp xét nghiệm đảm bảo hiệu quả, an toàn và chính xác”, lãnh đạo thành phố nhấn mạnh và đề cập triển khai thử nghiệm việc hướng dẫn người dân tự lấy mẫu dưới sự giám sát của ngành y tế.

Remdesivir.
Ngày 5/8, lô thuốc kháng virus Remdesivir gồm khoảng 50.000 lọ từ Ấn Độ đã được chuyển đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM).

Chủ tịch Chu Ngọc Anh chỉ đạo sẵn sàng các phương án cao nhất cho điều trị, đảm bảo đầy đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu, các điều kiện cần thiết khác trong thời gian sớm nhất. Hà Nội cũng xem xét đến việc huy động cả nguồn lực y tế tư nhân, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực cho công tác phòng chống dịch và điều trị bệnh nhân.

Theo công điện, Hà Nội rà soát và trưng dụng các khu nhà ở, cơ sở giáo dục, công trình xây dựng… đủ điều kiện để làm cơ sở thu dung người nhiễm Covid-19 (không triệu chứng) với công suất chuẩn bị 30.000 giường và tiếp tục rà soát để có thể nâng công suất lên 50.000 giường khi cần thiết.

“Phải tổ chức tiêm vaccine nhanh, an toàn, hiệu quả, sử dụng phần mềm tiêm chủng, hướng dẫn người dân chủ động chuẩn bị, khai các thông tin đầy đủ trước khi đi tiêm, hướng dẫn những trường hợp đã có hồ sơ khám sức khỏe định kỳ, người không có bệnh nền, ký cam kết để giảm thời gian sàng lọc”, công điện lưu ý.

Chủ tịch Hà Nội đề cập đến vai trò giám sát, kiểm tra. Động viên, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân làm tốt và nhân rộng các mô hình, cách làm tốt, hiệu quả trong phòng, chống dịch. Nhắc nhở, phê bình, kiểm điểm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Lãnh đạo Hà Nội đặc biệt yêu cầu không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, mất ổn định thị trường, tiến hành bình ổn giá, không để xảy ra khan hàng, sốt giá, thiếu hàng hóa, hàng kém chất lượng gây hoang mang dư luận.

“Bảo đảm không để bất kỳ ai bị thiếu ăn, thiếu mặc, đồng thời đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế, sức khỏe, tinh thần cho Nhân dân ở mọi lúc, mọi nơi khi cần thiết, đảm bảo công tác an sinh xã hội, an ninh, trật tự trên địa bàn”, Chủ tịch Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Chính phủ Việt Nam đề xuất loạt giải pháp cấp bách chống dịch Covid-19

Chiều ngày 6/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp đột xuất xem xét tờ trình của Chính phủ về giải quyết các cơ chế, chính sách vượt thẩm quyền để đẩy mạnh công tác phòng, chống Covid-19.

Cuộc họp diễn ra dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để cùng tham gia ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu về công tác phòng chống dịch Covid-19.

“Căn cứ vào tình hình thực tế, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể áp dụng sớm hơn, cao hơn nhưng không được chậm hơn, thấp hơn quy định tại những văn bản này”, dự thảo nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Chính phủ cho phép địa phương chủ động áp dụng linh hoạt biện pháp hạn chế phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định và tại một số khu vực, địa bàn cần thiết.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đề cập đến biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc và sử dụng phương tiện thông tin liên lạc, huy động, trưng dụng tài sản, phương tiện, trang thiết bị trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch lây lan trong phạm vi địa phương thuộc quyền quản lý.

Chính phủ yêu cầu địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 không để người dân tự phát rời khỏi địa phương.

“Đặc biệt, áp dụng nghiêm chế tài theo quy định của pháp luật, kể cả xử lý hình sự, đối với mọi hành vi không tuân thủ, cản trở, chống đối thực hiện biện pháp phòng, chống dịch đã được ban hành”, dự thảo nhấn mạnh.

Liên quan đến chiến lược vaccine của Việt Nam, Chính phủ khẳng định việc “ngoại giao vaccine” đang được thực hiện bằng mọi biện pháp để đáp ứng yêu cầu tiêm nhanh nhất, nhiều nhất có thể, sớm đạt miễn dịch cộng đồng.

Cùng với đó, Chính phủ giao Bộ Y tế kịp thời phân bổ vaccine Covid-19 cho các tỉnh, thành phố có nhiều người nhiễm, tình hình dịch phức tạp, lây lan nhanh, các đô thị lớn, đông dân cư, tập trung nhiều khu công nghiệp, công nhân. Chính phủ cũng đặc biệt lưu ý, Bộ Y tế và các địa phương cần linh hoạt hướng dẫn đối tượng được tiêm cho phù hợp tình hình.

Đối với các biện pháp chống dịch chung, Chính phủ nhấn mạnh, Bộ Y tế cùng các địa phương được giao xây dựng 3 kịch bản ở mức thấp, mức trung bình, mức cao và các phương án ứng phó tương ứng bảo đảm công tác y tế trên toàn quốc. Đồng thời, Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù trong việc cấp giấy đăng ký lưu hành và thông quan thuốc, vaccine phòng Covid-19.

Cụ thể, khi nộp hồ sơ đăng ký lưu hành, trường hợp không có giấy chứng nhận sản phẩm dược phẩm đối với thuốc, vaccine nhập khẩu thì được thay thế bằng giấy tờ pháp lý do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp chứng minh thuốc, vaccine đã được cấp phép lưu hành.

“Đối với thuốc điều trị, vaccine phòng Covid-19 sản xuất trong nước đang thực hiện thử lâm sàng nhưng đã có kết quả đánh giá giữa kỳ giai đoạn 3 về tính an toàn và hiệu quả sẽ được sử dụng để xem xét cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện”, dự thảo nêu rõ.

Tại cuộc họp đột xuất chiều 6/8, cho ý kiến về dự thảo nghị quyết của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá việc ban hành văn bản này là “rất cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhắc lại, theo Nghị quyết 30 của Quốc hội, Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng chủ động quyết định biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Sputnik Việt Nam cũng đã thông tin về vấn đề này.

Đối với việc áp dụng biện pháp cấp bách chống dịch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cụ thể hóa hơn nữa các biện pháp để địa phương thực hiện nhất quán. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, dự thảo nghị quyết không nên dùng các từ không rõ nội hàm như “sớm hơn”, “cao hơn” để tránh cách hiểu không thống nhất, gây lúng túng cho địa phương khi áp dụng.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc sử dụng từ ngữ không rõ ràng, chung chung thậm chí còn có thể tạo ra sự tùy tiện hoặc áp dụng vượt mức cần thiết, gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh và ảnh hưởng đời sống người dân.

Điển hình như biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định thì nên quy định và phân rõ cấp có thẩm quyền quyết định phù hợp với phạm vi và mức độ của dịch bệnh cụ thể.

Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh “cần giới hạn thời gian tối đa bao lâu, nếu vượt quá mức này phải báo cáo Thủ tướng quyết định”.

Hà Thu

Xem thêm Thời sự Thể thao