Đây là Chương trình hợp tác gữa Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội và Tổng cục TDTT. Khóa I của Chương trình chào đón các tân sinh viên là các VĐV nổi bật như cầu thủ Nguyễn Quang Hải, VĐV Điền kinh Quách Thị Lan, Quách Công Lịch và rất nhiều VĐV chuyên nghiệp đến từ các môn thể thao khác như karate, wushu, bóng chuyền, dancesport.
Thể thao là một trong những lĩnh vực rất đặc thù với tuổi nghề ngắn và đi cùng với nhiều rủi ro trong quá trình thi đấu. Theo các nhà nghiên cứu, tính trung bình, sự nghiệp thi đấu của một VĐV sẽ chỉ kéo dài khoảng từ 15 đến 20 năm, tùy theo từng môn thể thao. Do đó, xây dựng nền tảng cho một tương lai bền vững cũng là một trong những nhu cầu vô cùng thiết yếu. Chính vì vậy chương trình cử nhân Quản trị kinh doanh dành cho các tài năng thể thao là một hướng đi phù hợp với thực tiễn, giải quyết được câu chuyện tuổi nghề của các tài năng thể thao Việt Nam, để họ có thể vừa yên tâm thi đấu hết mình, vừa có được cơ hội gặt hái nhiều thành công hơn nữa sau khi giải nghệ.
Phát biểu tại buổi lễ, Hiệu trưởng Nhà trường, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê khẳng định, ý thức được trách nhiệm xã hội, thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc định hướng nghề nghiệp và tạo điều kiện để các VĐV thể thao hòa nhập và tìm kiếm những cơ hội việc làm phù hợp sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc gia, đóng góp cho thể thao nước nhà, Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN và Tổng cục TDTT đã hợp tác xây dựng để triển khai tổ chức chương trình đào tạo Cử nhân Quản trị kinh doanh dành cho các tài năng thể thao. Bên cạnh sự nghiệp thể thao tỏa sáng, chương trình sẽ mang đến cho các VĐV nền tảng kiến thức, kỹ năng, bài học thực tiễn trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp và kinh doanh, mở rộng cơ hội việc làm sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu.
PGS.TS Nguyễn Trúc Lê cũng gửi gắm tới các học viên của chương trình rằng, chọn con đường trong lĩnh vực thể thao đã khó khăn, chọn con đường trau dồi kiến thức trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế cũng không kém phần vất vả. Hiểu, chia sẻ và cảm thông với những khó khăn này, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê cho biết: nhà trường sẽ cùng thầy cô, các sinh viên trong trường hỗ trợ để 13 VĐV chinh phục mục tiêu mà mình lựa chọn.
Về phía Tổng cục TDTT, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Trần Đức Phấn đã bày tỏ lời cảm ơn đối với Đại học Quốc gia Hà Nội, Ban giám hiệu và toàn thể đội ngũ giảng viên của trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội đã đồng hành cùng với ngành TDTT nói chung và Tổng cục TDTT nói riêng trong sự nghiệp phát triển Thể thao nước nhà đặc biệt là vấn đề định hướng nghề nghiệp cho VĐV tài năng sau khi giã từ sự nghiệp thi đấu.
Ươm mầm tài năng thể thao là một trong những nhiệm vụ quan trọng của quốc gia, nhưng bên cạnh đó, xây dựng nền tảng cho tương lai bền vững của các VĐV cũng là một trong những yêu cầu quan trọng trong việc phát triển thể thao Việt Nam.
Đánh giá cao Chương trình đào tạo cử nhân chính quy Ngành Quản trị kinh doanh dành cho các Tài năng thể thao, ông Trần Đức Phấn cho rằng: với thiết kế linh hoạt, phù hợp với đối tượng là VĐV thể thao thành tích cao vốn dành phần lớn thời gian cho tập luyện và thi đấu, Chương trình còn thể hiện tính ưu việt khi định hướng cho học viên những ý tưởng kinh doanh thông qua các hoạt động nghiên cứu, trải nghiệm thực tiễn tại doanh nghiệp, qua đó, tìm ra các thế mạnh tiềm tàng của mỗi cá nhân. Không chỉ dừng tại ở đó, Chương trình còn tạo điều kiện thực tập và thực tế tại doanh nghiệp. Ông Trần Đức Phấn kỳ vọng các VĐV sẽ nỗ lực học tập, thi đấu tốt, đặc biệt là đối với ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Phó Tổng cục trưởng phụ trách Trần Đức Phấn cũng hứa với Nhà trường sẽ đồng hành cùng các sinh viên để giúp các em vừa tập luyện vừa hoàn thành Chương trình.
Tại buổi Lễ Khai giảng, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê đã trao 02 suất học bổng toàn phần cho VĐV Nguyễn Quang Hải, VĐV Quách Thị Lan. Đây là hai VĐV đặc biệt xuất sắc và cũng là những người đăng ký tham gia chương trình học đầu tiên. Bên cạnh đó, Nhà trường và một số doanh nghiệp cũng cam kết sẽ tiếp tục dành một số suất học bổng cho các sinh viên thể thao có thành tích nổi bật trong quá trình học tập tại trường.
Thiết kế chương trình cử nhân dành riêng cho các VĐV là một trong những đáp án giải quyết được câu chuyện tuổi nghề của các tài năng thể thao Việt Nam, để họ có thể vừa yên tâm thi đấu hết mình, vừa có được cơ hội gặt hái nhiều thành công hơn nữa sau khi giải nghệ. Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN đã xây dựng một chương trình học linh hoạt về thời gian, phù hợp lịch trình thi đấu của các VĐV. Cùng với đó, là đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm thực tiễn. Điều này mang đến sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, bảo đảm định hướng tác nghiệp cho các VĐV trong tương lai. Mỗi học phần sẽ được kết hợp giảng dạy với phương pháp học hiệu quả. Nhằm giúp học viên nâng cao khả năng phân tích, xây dựng và triển khai các ý tưởng kinh doanh thông qua các hoạt động nghiên cứu, trải nghiệm thực tiễn tại doanh nghiệp. Qua đó, tìm ra các thế mạnh tiềm tàng của mỗi cá nhân. Tạo điều kiện thực tập và thực tế tại doanh nghiệp là một điểm nổi bật của chương trình. Đây là hình thức đào tạo xen kẽ, học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với doanh nghiệp. Sự cộng hưởng giúp cho thời gian đào tạo không bị lãng phí, người học nhanh chóng thích nghi với môi trường doanh nghiệp, sớm đóng vai trò thiết thực vào sự phát triển chung của xã hội.Có hai phương thức xét tuyển cho Chương trình cử nhân QTKD, Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN. Phương thức xét tuyển 1 có đối tượng là thành viên Đội tuyển Quốc gia đã hoàn thành nhiệm vụ tham gia thi đấu trong các giải quốc tế chính thức, đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương. Nguyên tắc xét tuyển căn cứ vào cấp độ, quy mô giải thi đấu. Phương thức xét tuyển 2 có đối tượng là VĐV cấp 1, kiện tướng, VĐV đã từng đạt huy chương tại Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh, thành phố và toàn quốc, các giải trẻ Quốc gia và quốc tế hoặc giải Vô địch Quốc gia; đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương. Nguyên tắc xét tuyển dựa trên hồ sơ và phỏng vấn đánh giá năng lực.Thời gian nộp hồ sơ của đợt 2 dự kiến vào tháng 7. |
Theo: tdtt.gov.vn