Kết nối với chúng tôi

Giáo dục Thể chất

Hội thảo tham vấn tổ chức dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước trong trường học

Sáng 31/10, tại trụ sở Bộ GD&ĐT đã diễn ra Hội thảo tham vấn tổ chức dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước trong trường học năm 2023. Hội thảo diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến tại các điểm cầu là Sở GD&ĐT trên cả nước. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh chủ trì Hội nghị. Đại diện Cục TDTT, Phó cục trưởng Nguyễn Hồng Minh đã tới dự Hội thảo.

Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2015 – 2020, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có gần 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Mặc dù đã giảm, nhưng đuối nước vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Để hạn chế, giảm thiểu tối đa những tai nạn đuối nước thương tâm đã xảy ra, 100% tỉnh, thành phố đều triển khai Quyết định 1248 của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em. Một số địa phương đã có sự đầu tư rất cơ bản cả về vật chất, cơ chế chính sách, công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia phòng chống đuối nước, trong đó có việc tổ chức dạy bơi, học bơi và giáo dục kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em, học sinh.

Phó Cục trưởng Cục TDTT Nguyễn Hồng Minh phát biểu tại Hội thảo (Ảnh:VD)

Theo đó, số lượng học sinh biết bơi tại địa phương tăng dần theo từng năm. Cán bộ, giáo viên giáo dục thể chất được bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý và tổ chức dạy bơi và kiến thức, kỹ năng an toàn phòng chống đuối nước. Các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ em, đặc biệt là giám sát trẻ em dưới 5 tuổi được tăng cường. Trẻ em từ 6 đến dưới 15 tuổi được học bơi và nâng cao kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Đặc biệt, chính sự hỗ trợ từ các Đề án, dự án của Nhà nước và các chương trình được tài trợ bởi tổ chức quốc tế mang lại nguồn lực kinh nghiệm thực tế và thuận lợi lớn cho một số địa phương, cơ sở giáo dục. Từ đó, có sức lan toả mô hình, kinh nghiệm cho các địa phương khác.  

Tuy nhiên, việc tổ chức dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước trong trường học thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể, số lượng bể bơi trong trường học ở nhiều nơi còn ít. Cơ chế vận hành bể bơi, tổ chức dạy bơi, khai thác hoạt động, cơ chế thu phí từ người học bơi còn lúng túng, chưa biết cách xử lí ở rất nhiều nơi. Tại các vùng sâu, vùng xa, việc xây dựng và duy trì bể bơi khó khăn do thiếu cơ sở vật chất và năng lực thực hiện. Công tác truyền thông giáo dục kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em, học sinh trong và ngoài trường học chưa đạt hiệu quả cao. Một số trường học cơ bản đủ điều kiện tổ chức dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước, nhưng không triển khai tích cực.

Ngoài ra, thực trạng hiện nay nhiều trường học, cơ sở giáo dục trên cả nước đều thiếu đội ngũ giáo viên thể dục được tập huấn về bơi an toàn, kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Đội ngũ cán bộ y tế trường học chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về phòng chống đuối nước. Công tác xã hội hóa phổ cập bơi học sinh gặp nhiều trở ngại do diện tích trường học, kinh phí xây dựng, vận hành bể bơi; chưa có nhiều doanh nghiệp cá nhân tham gia (kinh phí lớn, lâu thu hồi vốn).

Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: VD)

Hội thảo nhận được 5 tham luận từ Sở GD&ĐT các tỉnh: Bắc Ninh, Quảng Trị, TP. Hồ Chí Minh, Kon Tum, Bến Tre. Trong đó, chủ yếu tập trung vào các vấn đề tìm ra các giải pháp nhằm đẩy mạnh và phổ cập việc dạy bơi an toàn (quy chuẩn theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới); Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước cho học sinh…

Đại biểu Sở GD&ĐT Bắc Ninh cho biết, hiện toàn tỉnh có 79 bể bơi đang hoạt động trong các trường học. Để đảm bảo tốt hơn công tác phòng chống đuối nước cho trẻ em và dạy bơi trong trường học, tỉnh Bắc Ninh kiến nghị Bộ GD&ĐT có hướng dẫn và chính sách đặc thù với giáo viên dạy bơi trong trường học. Chuẩn hóa các cơ sở đào tạo giáo viên Giáo dục thể chất, yêu cầu môn bơi là bắt buộc.

Theo ý kiến của ông Lê Ngọc Thạnh – chuyên viên Sở GD&ĐT Quảng Trị, toàn tỉnh hiện có 399 cơ sở giáo dục với hơn 132.000 học sinh. Trong đó, tỷ lệ học sinh phổ thông biết bơi là 46,5% vẫn còn khá thấp. Tỉnh có 26/232 trường phổ thông có bể bơi, chiếm tỷ lệ 11,2%. Hiện nay, trong Chương trình Giáo dục thể chất, Bơi là môn học được Bộ GD&ĐT quan tâm, khuyến khích các địa phương triển khai đưa vào giảng dạy trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Bơi mang tính quần chúng cao, dễ tập luyện, phù hợp với địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Chia sẻ về thực trạng và công tác triển khai tổ chức dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho trẻ em, học sinh, Phó Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh cho rằng đây là vấn đề cấp thiết trong tình hình xã hội hiện nay. Đặc biệt, tại các trường học, cơ sở giáo dục, địa phương cần trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho các em về Bơi. Bộ GD&ĐT cần quyết liệt hơn trong việc thực hiện Chương trình GDPT 2018, nhất là môn Bơi. Giáo viên cần được tập huấn kỹ về chuyên môn để tổ chức tốt việc dạy bơi an toàn trong trường phổ thông. Về cơ bản, Cục TDTT hoàn toàn nhất trí với các kế hoạch, chủ trương triển khai về việc triển khai nhiệm vụ phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em, học sinh năm 2023.

N.H

Xem thêm Giáo dục Thể chất