Kết nối với chúng tôi

Thể thao

Nguyễn Thị Hương: cô gái làm nên lịch sử cho đua thuyền Canoeing Việt Nam

Tay chèo Nguyễn Thị Hương đã trở thành cái tên quá quen thuộc đối với người hâm mộ thể thao nước nhà nói chung và môn thể thao đua thuyền Canoeing Việt Nam nói riêng. Tài năng của cô gái người Vĩnh Phúc càng được khẳng định vững chắc khi giành tấm vé tham dự sự kiện thể thao đa môn mùa hè lớn nhất hành tinh – Paris 2024.

Về đích thứ 2 trong phần thi chung kết thuyền đơn nữ C1 200 m tại vòng loại Olympic khu vực châu Á ở Nhật Bản với thời gian 49 giây 351, Nguyễn Thị Hương đã trở thành 1 trong 2 đại diện giành vé góp mặt tại Thế vận hội Olympic mùa hè Paris 2024. Đặc biệt hơn cả, đây là lần đầu tiên, canoeing Việt Nam giành tấm vé chính thức tham dự một kỳ Thế vận hội Olympic. Đây là dấu ấn lịch sử của canoeing Việt Nam, ghi nhận sự cống hiến tuyệt vời của tài năng mang tên Nguyễn Thị Hương.

Nguyễn Thị Hương cô gái làm nên lịch sử cho đua thuyền Canoeing Việt Nam

Xuất phát điểm không phải là đua thuyền

Sinh năm 2001 ở Đôn Nhân, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, trong môt gia đình không ai biết đến thế thao, nhưng, Nguyễn Thị Hương lại sớm bộc lộ tố chất và niềm đam mê thể thao đặc biệt. Môn thể thao đầu tiên mà Hương bén duyên và giành thành tích đó là Đẩy gậy. Năm 14 tuổi, Hương đã xuất sắc giành huy chương Vàng môn đẩy gậy tại Hội khỏe Phù Đổng toàn tỉnh. Kĩ thuật đôi tay quá khỏe, dẻo hiếm có của Hương đã được các nhà tuyển trạch để ý và mời lên Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh Vĩnh Phúc để theo đuổi con đường thể thao chuyên nghiệp.

Những ngã rẽ định mệnh

Hương cùng huấn luyện viên của Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh Vĩnh Phúc đã phải rất vất vả mới có thể thuyết phục được bố mẹ cho phép theo đuổi thể thao chuyên nghiệp ở môn vật tự do nữ. Thời đểm ấy, bố mẹ Hương nhất quyết nói “không” vì chỉ muốn con tập trung học văn hóa, lại chưa biết con đường thể thao tương lai thế nào.

Vượt qua được “cửa ải” của phụ huynh, Hương tiếp tục phải đối mặt với muôn vàn thử thách, vượt xa những gì bản thân có thể tưởng tượng. Để làm quen với môn Vật nữ, Hương đã phải đối mặt với sự khắc nghiệt của sàn vật, với những đòn quăng quật đau điếng, những cú ngã tóe máu… Sau các buổi tập nặng đến kiệt sức, ăn cơm không nổi kèm theo đó là nỗi nhớ nhà đến khắc khoải.

Để vượt qua được tất cả những thử khách khốc liệt ấy không có thể là gì khác ngoài ý chí mạnh mẽ cùng khát khao cháy bỏng trở thành tài năng trẻ đầy triển vọng. Thế nhưng, khi Hương bắt đầu hội đủ các yếu tố cần thiết để bắt đầu chinh phục các giải đấu quốc gia thì đội vật nữ tỉnh bị giải tán. Bao tâm sức, mồ hôi, nước mắt và cả máu trong quá trình tập luyện trong suốt ba năm cùng giấc mơ tỏa sáng trên thảm vật của Nguyễn Thị Hương bất ngờ tan vỡ trong sự thất vọng cùng cực.

Như một cái duyên định mệnh, đúng thời điểm gian khó ấy, huấn luyện viên Nguyễn Việt Phương, người thầy của Hương ở đội vật, chuyển sang làm canoeing và ông đã đưa cô học trò sang môn mới này. Vẫn biết sẽ bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh, song huấn luyện viên Nguyễn Việt Phương tin tưởng rằng với “chất” thể thao hiếm có, Hương sẽ thành công

Gian nan khổ luyện cũng thành công

Con đường đến với Canoeing của Hương cũng trắc trở không kém khi cô gái chưa biết bơi cũng chẳng hề biết cách cầm mái chèo hay ngồi trên thuyền. Không những vậy, Hương còn gặp bất lợi lớn với chiều cao khiêm tốn, chân tay ngắn. Dường như ba năm làm quen với gian khó khi tập luyện môn Vật đã trui rèn nên một Nguyễn Thị Hương đầy ý chí..

Trong suốt hai năm tập luyện đua thuyền, Nguyễn Thị Hương đã phải nỗ lực tập luyện gấp hai, gấp ba người khác. Với một động tác, kỹ, chiến thuật thầy hướng dẫn, cô phải tập trung nghe và kiên trì tập, có khi phải 2 lần, rồi 5 lần, thậm chí 10 lần, đến lúc nào đạt mới nghỉ. Suốt một thời gian dài, Hương đều dành thêm 1-2 tiếng mỗi ngày để tập riêng, tập thêm sau mỗi buổi tập chung. Việc ngã xuống hồ, sặc nước, phơi mặt, gò lưng chèo thuyền trong những ngày nắng rát hay mưa rét đã trở thành chuyện rất bình thường đối với cô gái giàu nghị lực này.

Sự bền bỉ ấy đã đưa Nguyễn Thị Hương trở thành “hiện tượng” của canoeing Việt Nam khi luôn thể hiện được tài năng vượt trội ở những nội dung thế mạnh tại các giải quốc nội, với những thông số chuyên môn ngang bằng hay áp sát mức HCV SEA Games.

Năm 2019, Hương đã được gọi vào đội tuyển quốc gia. Hương đã sử dụng tối đa những gì mình học được và rèn luyện trong suốt ba năm để phát huy sức mạnh về tốc độ và thực hiện cực tốt các kỹ thuật khó, như đánh lái tránh các tác động của sóng và gió giúp thuyền đi nhanh nhất. Nhờ đó, tuyển thủ quê Vĩnh Phúc đã tạo nên cột mốc quan trọng đầu tiên cho mình, với tấm HCV giải Trẻ Đông Nam Á ngay trong năm đầu tiên lên tuyển.

Cột mốc đáng tự hào tiếp theo phải kể đến đó là tại SEA Games 31 – ngay trong lần đầu tiên tham dự một kì thể thao đa môn lớn nhất khu vực, Hương đã giành trọn cả 5 huy chương Vàng ở cả 5 nội dung tham dự. Trong đó có 3 tấm huy chương Vàng cá nhân (các nội dung thuyền đơn 1.000m, 500m, 200m) và 2 HCV đồng đội (thuyền bốn 1.000m, 500m). Điều đáng nể, ở cả 5 nội dung, nhất là 3 nội dung cá nhân, Hương đều chiến thắng hết sức thuyết phục, vượt lên ngay từ đầu để một mình băng băng về đích, bỏ xa các đối thủ.

Việc Hương vượt qua các đối thủ mạnh hơn, thành tích của cô còn có thể cao hơn nhiều đã gây “sốc”, các nhà chuyên môn đánh giá tay chèo người Vĩnh Phúc là một “nhân tố tạo đột biến”

Và ngày hôm nay (21/4), nhân tố Nguyễn Thị Hương lại tiếp tục tạo đột biến khi lần đầu tiên mang môn thể thao đua thuyền Canoeing Việt Nam đến với một kì Thế vận hội Olympic mùa hè. Với những gì đã thể hiện cùng sự nỗ lực không ngừng, Nguyễn Thị Hương được kỳ vọng sẽ tiến xa trong sự nghiệp.

A.T, ảnh ĐTVN

Xem thêm Thể thao