Kết nối với chúng tôi

Giáo dục Thể chất

Định hướng đổi mới năng lực giáo viên Giáo dục thể chất

Chương trình giáo dục phổ thông mới gồm 20 môn học có sự đổi mới về mặt nội dung, cấu trúc; Chú trọng việc hình thành và phát triển năng lực cho người học, đặc biệt là năng lực áp dụng kiến thức, kỹ năng đã học được vào giải quyết vấn đề của thực tiễn. Từ các năng lực đó, mỗi môn xác định nội dung và yêu cầu cần đạt riêng. Theo đó đội ngũ giáo viên là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của chương trình mới, từ đó cần có kế hoạch và chuẩn bị chu đáo để đào tạo mới nguồn nhân lực và bồi dưỡng, tập huấn giáo viên hiện nay, trong đó có môn học giáo dục thể chất.

Chương trình giáo dục phổ thông mới gồm 20 môn học, đều có sự đổi mới về mặt nội dung, cấu trúc…So với chương trình hiện hành các môn học có nhiều điểm mới; chú trọng việc hình thành và phát triển năng lực cho người học, đặc biệt là năng lực áp dụng kiến thức, kỹ năng đã học được đưa vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn. Từ các năng lực đó, mỗi môn xác định nội dung và yêu cầu cần đạt riêng. Trong đó, Giáo dục thể chất (GDTC) là môn học bắt buộc được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12, đảm nhiệm một trong bốn mặt giáo dục Đức, Trí, Thể, Mỹ.

Trong chương trình giáo dục phổ thông, nội dung giáo dục thể chất được phân chia theo hai giai đoạn:

Giai đoạn giáo dục cơ bản: GDTC là môn học bắt buộc, giúp học sinh biết cách chăm sóc sức khoẻ và vệ sinh thân thể; hình thành thói quen tập luyện nâng cao sức khoẻ; Thông qua các trò chơi vận động và tập luyện thể dục, thể thao hình thành các kỹ năng vận động cơ bản, phát triển các tố chất thể lực, làm cơ sở để phát triển toàn diện.

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp: Môn học GDTC được thực hiện thông qua hình thức câu lạc bộ thể thao, học sinh được chọn nội dung hoạt động thể thao phù hợp với nguyện vọng của mình và khả năng đáp ứng của nhà trường. Học sinh được tiếp tục phát triển kỹ năng chăm sóc sức khoẻ và vệ sinh thân thể, phát triển về nhận thức và năng khiếu thể thao, giúp những học sinh có năng khiếu thể thao định hướng nghề nghiệp phù hợp.

Thông qua chương trình môn học GDTC, học sinh hình thành, phát triển được các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Đặc biệt, học sinh cần đạt được các yêu cầu sau về năng lực thể chất:

Biết chăm sóc và phát triển sức khoẻ bản thân; Có kiến thức và ý thức thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh trong tập luyện thể dục thể thao để bảo vệ sức khoẻ; Biết thực hiện vệ sinh cá nhân và vệ sinh trong tập luyện thể dục thể thao; Thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh tập luyện một cách khoa học.

Có kiến thức cơ bản về thực hiện chế độ dinh dưỡng trong tập luyện và sinh hoạt; Biết được tác dụng cơ bản của chế độ dinh dưỡng với sức khoẻ; Có kiến thức cơ bản và ý thức thực hiện chế độ dinh dưỡng trong tập luyện để nâng cao sức khoẻ; Lựa chọn chế độ dinh dưỡng cơ bản phù hợp với bản thân trong quá trình tập luyện để phát triển sức khoẻ.

Phát triển khả năng thích ứng của cơ thể với môi trường; Nhận ra một số yếu tố cơ bản của môi trường tự nhiên có lợi và có hại cho sức khoẻ; Tham gia tích cực vào các hoạt động tập thể trong môi trường tự nhiên để rèn luyện sức khoẻ; Có ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên và tham gia các hoạt động xã hội.

Thực hiện được các kỹ năng vận động cơ bản một cách tự tin, dũng cảm trong hoạt động; Thực hiện đúng cơ bản các kỹ năng vận động; Lựa chọn tham gia các hoạt động thể chất phù hợp với bản thân và cộng đồng nhằm nâng cao các kỹ năng vận động; Hoàn thiện, nâng cao kỹ năng vận động đáp ứng yêu cầu cuộc sống hiện đại; Có thói quen và biết lựa chọn các hình thức tập luyện thể dục thể thao phù hợp để phát triển thể chất, củng cố tăng cường sức khoẻ.

Yêu cầu cơ bản của phương pháp giáo dục là phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động sáng tạo của học sinh, rèn luyện năng lực tự học, tự tập luyện cho học sinh, giúp các em có cơ hội phát triển năng lực thể chất. Giáo viên đóng vai trò thiết kế, tổ chức, cố vấn, trọng tài, hướng dẫn hoạt động tập luyện cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự mình trải nghiệm, tự phát hiện bản thân và phát triển.

Việc đánh giá kết quả Giáo dục thể chất cần thúc đẩy và hỗ trợ học sinh phát triển các phẩm chất và năng lực chung, năng lực chuyên môn, chú trọng khả năng vận dụng kiến thức trong việc giải quyết các nhiệm vụ hoạt động vận động của học sinh tạo được hứng thú và khích lệ tinh thần tập luyện của học sinh, qua đó khuyến khích các em tham gia các hoạt động thể thao ở trong và ngoài nhà trường.

ThS.GV Phạm Quốc Toản

Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội

Xem thêm Giáo dục Thể chất