Kết nối với chúng tôi

Phong cách thể thao

World Cup Nữ: Những thông tin thú vị về giải đấu danh giá

Giải Vô địch Bóng đá Nữ Thế giới (World Cup Nữ) đã đi qua một chặng đường dài so với những giải đấu tiền thân được tổ chức không chính thức cách đây nửa thế kỷ.

Thể thức và số lượng các đội tuyển nữ thi đấu

Giải vô địch bóng đá nữ thế giới (FIFA Women’s World Cup) là giải đấu bóng đá do Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) tổ chức, dành cho các đội tuyển bóng đá nữ của các thành viên trực thuộc FIFA. Giải đấu được tổ chức 4 năm một lần kể từ năm 1991.

Giải đấu tại Úc và New Zealand năm 2023 là lần thứ 9 World Cup nữ được tổ chức.

Theo thể thức thi đấu hiện tại, vòng chung kết có sự góp mặt của 32 đội bóng. Năm 2023 cũng là lần đầu tiên FIFA áp dụng thể thức 32 đội cho World Cup nữ. Trước đó, 2 kỳ World Cup nữ đầu tiên vào năm 1991 và 1995, số đội tham dự vòng chung kết chỉ dừng lại ở con số 12.

4 kỳ World Cup nữ tiếp theo lần lượt vào các năm 1999, 2003, 2007, 2011, số đội tham dự giải đấu đã nâng lên con số 16.

Tiếp đó ở World Cup nữ 2015 và 2019, FIFA nâng số đội dự giải lên 24 đội với hy vọng cho nhiều đội tuyển có cơ hội tranh tài ở đấu trường thế giới hơn.

8 kỳ World Cup đã qua chứng kiến sự lên ngôi của 4 đội tuyển. Mỹ là đội tuyển thành công nhất với 4 lần vô địch. Tiếp theo là Đức với 2 lần nâng cúp. Na Uy và Nhật Bản mỗi đội đều có 1 lần lên ngôi.

Tên gọi giải đấu

Trong suốt lịch sử, giải đấu thế giới dành cho nữ đã có vài lần thay đổi tên gọi. Ban đầu được gọi là “1st FIFA World Championship for Women’s Football for the M&M’s Cup” vào năm 1991, sau đó là tên gọi chính thức “FIFA Women’s World Cup” từ năm 1995 đến nay. Tại Việt Nam, giải đấu được gọi là “Giải vô địch bóng đá nữ thế giới” hoặc phổ biến hơn là “World Cup nữ”.

Thiết kế của chiếc cúp vô địch

Chiếc cúp vàng World Cup nữ 2023.

Chiếc cúp hiện tại được thiết kế có dạng một dải xoắn ốc, bao quanh một quả bóng ở trên cùng, nhằm mục đích tôn vinh tính thể thao, sự năng động và sang trọng của môn bóng đá nữ quốc tế. Vào năm 2010, chiếc cúp được trang bị đế hình nón. Bên dưới đế khắc tên của từng đội chiến thắng của giải đấu. Chiếc cúp cao 47 cm, nặng 4,6 kg và được làm bằng bạc đồng bảng Anh phủ vàng trắng và vàng 23 karat, với trị giá ước tính vào năm 2015 là khoảng 30.000 USD.

Kể từ năm 2007, huy hiệu “FIFA WORLD CHAMPIONS” được in trên áo thi đấu của đội chiến thắng cho đến khi người chiến thắng của giải đấu tiếp theo lộ diện.

Chủ nhà của giải đấu

Tính cả World Cup 2023, giải đấu đã được tổ chức ở 8 quốc gia khác nhau. Trung Quốc và Mỹ đều có 2 lần đăng cai, trong khi Thụy Điển, Đức, Canada, Pháp, Úc và New Zealand tổ chức 1 lần.

Việc lựa chọn chủ nhà cho giải đấu được thực hiện theo quy trình thống nhất. Các quốc gia/vùng lãnh thổ bày tỏ mong muốn tổ chức sự kiện này phải nộp đơn xin đăng cai và đệ trình hồ sơ dự thầu chính thức lên FIFA. Sau đó, một tổ thanh tra được chỉ định đến xem xét đất nước để xác định rằng quốc gia/vùng lãnh thổ này có đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cần thiết về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông,… để tổ chức sự kiện và một báo cáo về nơi đăng cai này sẽ được đưa ra. Quyết định về việc nơi nào sẽ tổ chức giải đấu thường được công bố trong 4 hoặc 5 năm trước đó sau cuộc bỏ phiếu của Hội đồng FIFA.

Nước chủ nhà tổ chức World Cup nữ 2023 đã được chọn là Úc và New Zealand. Đây là kỳ World Cup nữ đầu tiên được diễn ra ở 2 quốc gia và cũng là lần đầu tiên có 32 đội tham dự. 64 trận đấu sẽ diễn ra trên 9 thành phố chủ nhà.

Các giải thưởng của World Cup nữ

Sau khi mỗi kỳ World Cup kết thúc, các giải thưởng sẽ được trao cho các cầu thủ và đội tuyển với màn trình diễn xuất sắc nhất. Hiện nay có 5 giải thưởng gồm:

1. Giải thưởng Quả bóng vàng cho Cầu thủ xuất sắc nhất, được xác định bởi phiếu bầu của các phóng viên.

2. Giải thưởng Chiếc giày vàng cho Vua phá lưới của giải.

3. Giải thưởng Găng tay vàng cho Thủ môn xuất sắc nhất, được quyết định bởi Nhóm nghiên cứu kĩ thuật của FIFA.

4. Giải thưởng Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất cho Cầu thủ trẻ dưới 21 tuổi xuất chơi hay nhất.

5. Giải thưởng Fair Play cho Đội có tinh thần chơi đẹp nhất, dựa trên số điểm và tiêu chí của Tiểu ban Fair Play của FIFA.

Các kỷ lục cá nhân

Xét về kỷ lục cá nhân, huyền thoại Marta Vieira của Brazil đang là tuyển thủ ghi nhiều bàn thắng nhất trong lịch sử World Cup nữ với 17 bàn thắng sau 5 kỳ World Cup đã qua. Ngôi sao 37 tuổi cũng vừa xác nhận giải đấu năm 2023 sẽ là kỳ World Cup cuối cùng trong sự nghiệp của cô.

Một huyền thoại người Brazil khác là Formiga nắm giữ kỷ lục cầu thủ tham dự nhiều kỳ World Cup nữ nhất với 7 lần, từ năm 1995 đến 2019 với 24 lần ra sân. Huyền thoại 45 tuổi đã giã từ sự nghiệp quốc tế sau khi cùng đội tuyển nữ Brazil dừng bước ở tứ kết Olympic Tokyo năm 2021.

Tuy nhiên, không phải Formiga là cầu thủ thi đấu nhiều trận nhất tại đấu trường World Cup nữ, mà đó là Kristine Lilly của đội tuyển nữ Mỹ với 30 trận đấu. Huyền thoại 51 tuổi từng vô địch giải đấu vào năm 1999, cũng như giành 2 huy chương vàng Thế vận hội các năm 1996 và 2004.

Giải đấu lịch sử của bóng đá nữ Việt Nam

World Cup nữ 2023 sẽ là giải đấu lịch sử của thầy trò HLV Mai Đức Chung nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung. Giải đấu sẽ diễn ra sau khoảng 2 tuần với trận khai mạc của đồng chủ nhà New Zealand và Na Uy vào ngày 20.7.

Theo lịch thi đấu, đội tuyển nữ Việt Nam sẽ lần lượt gặp đội tuyển nữ Mỹ ngày 22.7, đội tuyển nữ Bồ Đào Nha vào ngày 27.7 và đội tuyển nữ Hà Lan vào ngày 1.8.

Xem thêm Phong cách thể thao