Kết nối với chúng tôi

Thể thao

Phòng Thể thao thành tích cao II tiếp tục đổi mới trong năm 2024

Năm 2023 là năm công tác có nhiều khó khăn, thử thách đối với Cục TDTT nói chung cũng như Phòng Thể thao thành tích cao II nói riêng. Trong bối cảnh khối lượng công việc khá nặng nề, với nhiều nhiệm vụ cấp bách, phức tạp, song tập thể cán bộ, công chức của Phòng Thể thao thành tích cao II đã đoàn kết đồng lòng vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Được phân công phụ trách 20 môn thể thao, Phòng Thể thao thành tích cao II hiện đang phối hợp quản lý 19 Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia. Năm 2023, Phòng được lãnh đạo Cục TDTT giao xây dựng Thông tư Quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế – kỹ thuật và Hướng dẫn cung cấp dịch vụ tổ chức các giải thi đấu thể thao trong nước và quốc tế do Việt Nam đăng cai. Phòng đã xây dựng dự thảo Thông tư, đã xin ý kiến các đơn vị liên quan. Sau khi nhận được các ý kiến góp ý, Phòng đã xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình và trình ban hành dự thảo Thông tư.

Thực hiện kế hoạch công tác năm 2023 đã được lãnh đạo Cục TDTT phê duyệt, tập thể lãnh đạo Phòng Thể thao thành tích cao II đã tập trung sức lực, trí tuệ tổ chức chỉ đạo triển khai kế hoạch đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đặc biệt tiến hành xây dựng kế hoạch chuẩn bị tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 (SEA Games 32), Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 (ASIAD 19); Xây dựng kế hoạch tham dự các giải quốc tế; Đăng cai, tổ chức các giải quốc gia, quốc tế.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Phòng Thể thao thành tích cao II đã tiến hành tập trung chỉ đạo kế hoạch tập huấn các đội tuyển, đội tuyển trẻ quốc gia. Tập trung đầu tư cho các VĐV xuất sắc nhất của các đội tuyển quốc gia tập huấn tại các Trung tâm HLTTQG Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và Trường Đại học TDTT Bắc Ninh, chuẩn bị ASIAD 19 và SEA Games 32.

VĐV Nguyễn Thùy Linh hy vọng giành vé tham dự Olympic 2024

Trong năm qua, Phòng đã tham mưu lãnh đạo Cục TDTT triệu tập 43 đội tuyển quốc gia tập huấn với 620 VĐV, 152 HLV, 19 chuyên gia, 18 bác sỹ; 29 đội tuyển trẻ với 391 VĐV, 122 HLV, 2 chuyên gia, 7 bác sỹ.

Song song với công tác tập huấn và thi đấu quốc tế, Phòng Thể thao thành tích cao II cũng thực hiện tốt chương trình, kế hoạch tổ chức thi đấu các giải trong nước, các giải thi đấu quốc tế; Tập huấn và thi đấu nước ngoài theo kế hoạch. Báo cáo lãnh đạo Cục TDTT những vấn đề phát sinh nhằm điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Theo đó, Phòng đã tổ chức thành công 100 giải thể thao trong hệ thống thi đấu thể thao thành tích cao; Đăng cai 10 giải quốc tế; Tổ chức 10 lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho trọng tài, HLV.

Tuyển chọn những VĐV ưu tú nhất của 30 đội tuyển quốc gia để tập huấn ở nước ngoài chuẩn bị thi đấu tại các Đại hội thể thao cũng như các giải đấu quốc tế trong năm.

Kết thúc năm 2023, VĐV của các môn thuộc Phòng Thể thao thành tích cao II quản lý đã giành được 647 huy chương các loại trong đó có 289 HCV, 179 HCB, 179HCĐ, trong đó tại các giải thế giới, các VĐV đã mang về tổng cộng 63 huy chương trong đó có 26 HCV, 21 HCB, 16 HCĐ; Tại sân chơi châu Á giành được 159 huy chương trong đó có 64 HCV, 50 HCB, 45 HCĐ; tại đấu trường Đông Nam Á giành được 425 huy chương các loại trong đó có 199 HCV, 108 HCB, 118 HCĐ. Tại Đại hội Thể thao châu Á, đã có VĐV giành 1 HCV, 2 HCB và 7 HCĐ.

Đáng chú ý, tại SEA Games 32, đoàn Thể thao Việt Nam đã giành ngôi nhất toàn đoàn ở một kỳ Đại hội tổ chức ở nước bạn và đây cũng là lần đầu, Việt Nam giành ngôi nhất toàn đoàn trong 2 kỳ SEA Games liên tiếp. Trong thành công chung của đoàn Thể thao Việt Nam, các đội tuyển do Phòng Thể thao thành tích cao II đã đóng góp 39 HCV, 31 HCB và 44 HCĐ.

Nối tiếp những nhiệm vụ đã hoàn thành trong năm 2023, bước sang năm 2024, Phòng Thể thao thành tích cao II đặt mục tiêu tập trung đổi mới mạnh mẽ, phát huy hiệu quả công tác TDTT.

Bên cạnh việc tập chung về công tác chuyên môn, Phòng cũng tham mưu lãnh đạo Cục TDTT trình lãnh đạo Bộ VHTTDL ban hành Thông tư quy định phong đẳng cấp trọng tài các môn thể thao; Phối hợp xây dựng Đề án tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026 tại thành phố Hồ Chí Minh; Phối hợp xây dựng báo cáo tổng kết chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030; Xây dựng kế hoạch công tác năm 2024-2026, chuẩn bị lực lượng cho ASIAD 20 năm 2026, vòng loại Olympic 2024 và Đại hội Thể thao trong nhà và Võ thuật châu Á lần thứ 6 (AIMAG 6) tại Thái Lan và các giải Thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới trong năm 2024.

Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng vượt qua chuẩn A (7 phút 51,65 giây) và suất chính thức dự Olympic Paris 2024

Tiếp tục thúc đẩy thành lập các Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao quốc gia; Quản lý, củng cố việc kiện toàn bộ máy các Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao quốc gia.

Với mục tiêu cụ thể, Phòng Thể thao thành tích cao II dự kiến triệu tập tập huấn quốc tế 21 đội tuyển; thi đấu 113 giải quốc tế; tổ chức 125 giải quốc gia; tập huấn 60 đợt đội tuyển; 40 đội tuyển trẻ quốc gia; tổ chức 19 lớp tập huấn trọng tài, HLV theo kế hoạch đạt hiệu quả nhất.

Trao đổi về định hướng tập trung ở một số môn trọng điểm để tranh tài ở đấu trường ASIAD và Olympic, ông Ngô Ích Quân – Trưởng phòng Thể thao thành tích cao II – chia sẻ: “Giai đoạn vừa qua, mục tiêu của Thể thao Việt Nam là tốp 3 tại SEA Games, giành từ 3-5 HCV tại ASIAD 19, từ 5-7 HCV tại ASIAD 20, phấn đấu giành huy chương tại Olympic 2024 là chủ trương rất đúng đắn, chúng ta đã làm rất tốt ở đấu trường SEA Games và cũng đã hoàn thành mục tiêu ở ASIAD.

Tuy nhiên, yêu cầu trong thời gian tới, chúng ta phải phấn đấu đạt mục tiêu cao hơn ở sân chơi ASIAD và Olympic. Với yêu cầu cao hơn thì nhiệm vụ và giải pháp cũng phải thay đổi cho phù hợp. Vấn đề này đã được thể hiện tại “Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045″ của Ngành TDTT đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành sẽ là cơ sở quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu đặt ra trong thời gian tới. Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Chiến lược là việc quy hoạch lại các môn thể thao trọng điểm nhằm đầu tư bài bản để đến đấu trường ASIAD và Olympic tới đây”.

Với khẩu hiệu “Nâng tấm ASIAD – Khát vọng Olympic”, ông Ngô Ích Quân cũng cho biết thêm: “Ngoài việc đầu tư trọng điểm, các nhiệm vụ, giải pháp như báo cáo chung tại Hội nghị, chúng ta cần quy hoạch lại hệ thống đào tạo VĐV theo nhiều tuyến một cách bài bản ở các địa phương, Bộ, ngành. Đi kèm với đó, cần xây dựng Bộ Chương trình đào tạo VĐV nhiều năm tương ứng với các tuyến đào tạo để các địa phương triển khai. Như vậy mới có được lực lượng VĐV kế cận bền vững, đủ mạnh, đáp ứng với yêu cầu trong thời gian tới”.

Với những kế hoạch cụ thể trong năm 2024, hy vọng đội ngũ cán bộ, công chức của Phòng Thể thao thành tích cao II sẽ phấn đấu, nỗ lực với tinh thần trách nhiệm, đoàn kết thống nhất cao để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra.

Mỹ Hạnh

Xem thêm Thể thao