Bằng tình thương, trách nhiệm và sự kiên trì, những năm qua, chị Đỗ Thị Hoàng Mai, giáo viên Trường Tiểu học Nông nghiệp (huyện Gia Lâm) đã giúp đỡ nhiều trẻ em khuyết tật có nhu cầu giáo dục đặc biệt hòa nhập cộng đồng. Nhiều thế hệ phụ huynh tại đây đã coi chị Đỗ Thị Hoàng Mai như “người mẹ hiền” thứ hai của con họ.
Say mê, nhiệt huyết với nghề
Hiện nay, số lượng trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt (trẻ tự kỷ, tăng động, giảm chú ý, khiếm thính…) học tại các trường không chuyên biệt ngày càng tăng. Thế nhưng, giáo dục trẻ tự kỷ trong lớp học hòa nhập là công việc rất khó, vì giáo viên thiếu kiến thức, kỹ năng dạy trẻ và thiếu thời gian để hỗ trợ trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt…
Là một giáo viên trẻ có lòng say mê, nhiệt huyết với nghề, với mong muốn trẻ tự kỷ cũng được quan tâm và chăm sóc giáo dục như các trẻ bình thường, nhiều năm qua, chị Đỗ Thị Hoàng Mai, giáo viên Trường Tiểu học Nông nghiệp đã dành thời gian tìm hiểu tư liệu, sách vở, nhờ những chuyên gia tư vấn để tìm ra phương pháp cho từng trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt.
“Quá trình dạy học cho trẻ tự kỷ, tôi thường thực hiện theo các bước: Bước thứ nhất là tìm hiểu tâm lý học sinh, kiểm tra để xác định được năng lực và nhu cầu của từng trẻ. Bước thứ hai xây dựng mục tiêu, lập kế hoạch giáo dục cá nhân của từng trẻ. Bước thứ ba là dựa vào mục tiêu ấy để lựa chọn phương pháp phù hợp. Sau mỗi phương pháp, tôi đều đánh giá hiệu quả của phương pháp mình áp dụng”, chị Đỗ Thị Hoàng Mai chia sẻ.
Trong số những học sinh tự kỷ được chị Đỗ Thị Hoàng Mai hướng dẫn, dạy dỗ, ngày mới vào lớp, V.A. gặp nhiều khó khăn khi tham gia các hoạt động với các bạn khác; thích chơi một mình, lúc thất thần, nhìn vô cảm; khó tiếp cận, hòa đồng với các bạn; ít tập trung trong các giờ học… “Liên tục được chị Mai động viên, khích lệ, V.A. ngày càng gần gũi, hòa đồng với các bạn. Giờ đây, con tôi đã khác trước rất nhiều, cởi mở và có nhiều bạn thân…”, phụ huynh học sinh V.A. chia sẻ.
Bà Trần Thị Hương Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nông nghiệp cho biết: “Trong một năm đồng hành cùng chị Mai, học sinh V.A. có nhiều tiến bộ. Từ chỗ ngôn ngữ của học sinh rất khó khăn, việc hòa nhập, tiếp thu kiến thức hạn chế, nay đã trở nên mạnh dạn, hòa đồng hơn với các bạn trong lớp. Bên cạnh đó, chị Mai còn khuyến khích những học sinh khác trong lớp giúp đỡ V.A. hòa nhập và học tập tốt hơn. Từ năm 2008 đến nay, 8 trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt đã được chị Mai dạy dỗ tiến bộ”.
Sau nhiều năm áp dụng thành công các phương pháp đối với trẻ tự kỷ nói riêng và trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt nói chung, chị Đỗ Thị Hoàng Mai cho rằng, giáo viên tiểu học cần phải quan tâm đặc biệt đến việc tổ chức các hoạt động hằng ngày, giáo dục trẻ mọi lúc, mọi nơi bằng tình thương, trách nhiệm, sự kiên trì. Bên cạnh việc tạo ra môi trường hòa nhập cho trẻ tự kỷ, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục trẻ tự kỷ.
Lan tỏa sáng kiến hỗ trợ cộng đồng
Với những đóng góp đó, nhiều năm liền chị Đỗ Thị Hoàng Mai đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp thành phố. Đặc biệt, đề tài “Kinh nghiệm dạy trẻ tự kỷ trong môi trường giáo dục hòa nhập” của chị Mai đã giành giải Nhất cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” năm 2020 do Tạp chí Cộng sản, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội và Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp tổ chức.
“Mong muốn lớn nhất của tôi là công trình được nhân rộng, lan tỏa tới tất cả những đồng nghiệp đang có học sinh học hòa nhập. Theo tôi, người thầy có vai trò quyết định đến sự thành công hay thất bại của trẻ học hòa nhập. Do đó, hãy dạy bằng tình yêu, tạo môi trường học tích cực để nơi ấy học sinh, nhất là học sinh có nhu cầu giáo dục đặc biệt cảm nhận được tình yêu thương, được an toàn và được tôn trọng”, chị Đỗ Thị Hoàng Mai chia sẻ.
Theo Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Nguyễn Ngọc Hà, đề tài sáng kiến “Kinh nghiệm dạy trẻ tự kỷ trong môi trường giáo dục hòa nhập” của tác giả Đỗ Thị Hoàng Mai đã làm sáng tỏ những nguyên nhân, khó khăn trong tiếp thu kiến thức của học sinh có nhu cầu giáo dục đặc biệt và đã đề xuất các biện pháp giáo dục trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt học hòa nhập trong môi trường giáo dục bình thường. Đề tài đáp ứng tính thời sự, cấp thiết, có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo ra hiệu ứng tốt đẹp trong cộng đồng xã hội.
Còn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt mong muốn những sáng kiến, đề tài gần gũi, thiết thực như đề tài của tác giả Đỗ Thị Hoàng Mai cần được nhân rộng, chia sẻ. Qua đó khuyến khích thêm nhiều tập thể, cá nhân suy nghĩ, tìm tòi, tham gia các hoạt động phát triển cộng đồng, giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng nét đẹp văn hóa, giúp mỗi người dân ý thức hơn về trách nhiệm cá nhân trước các vấn đề xã hội của Thủ đô, đất nước.