Kết nối với chúng tôi

Phong cách thể thao

Nghệ sĩ Thiên Kim – cuộc đời buồn sau ánh hào quang

Diễn viên Thiên Kim từng nói vì mưu sinh, thiếu quan tâm các con, cuối đời bà sống ở viện dưỡng lão để không phiền gia đình.

Nghệ sĩ qua đời ở tuổi 90, vào sáng 20/2, sau thời gian điều trị nhiều bệnh tuổi già. Diễn viên Lý Hương cho biết dù biết bà bệnh nặng hơn một tháng qua, chị vẫn cầu nguyện, hy vọng có phép màu. Hòa Hiệp – từng đóng cùng bà trong phim truyền hình Cổng mặt trời – nói: “Vĩnh biệt ngoại Kim của con”. Với Hoa Hiệp, nghệ sĩ Thiên Kim là người bà anh và các đồng nghiệp cùng thế hệ quý trọng. Nghệ sĩ Bạch Tuyết viết dòng thơ tiễn biệt: “Tâm an trời đất sẽ an/ Nhìn ra sân nắng cúc vàng lung linh”.

Nghệ sĩ Thiên Kim trong một chương trình phát sóng năm 2018. Ảnh: Đông Tây
Nghệ sĩ Thiên Kim trong một chương trình phát sóng năm 2018. Ảnh: Đông Tây

Mang lại tiếng cười trên phim nhưng cuộc đời Thiên Kim nhiều nỗi buồn hơn niềm vui.

Nghệ sĩ sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn trong một gia đình giàu truyền thống cải lương, cha là kép độc Sáu Đỏ (thầy của nghệ sĩ Doãn Hoàng Giang). Thiên Kim từng cho biết “chưa bao giờ có một tuổi thơ trọn vẹn” vì cha mẹ chia tay, bà về sống với cha và dì ghẻ. Nhiều lần, bà chịu đựng những trận đòn roi của mẹ kế, chỉ biết nuốt nước mắt. Về sau, bà về ở cùng mẹ ruột và cha dượng.

Tám tuổi, bà lần đầu lên sân khấu với vai đào con trong gánh hát. Tình yêu cổ nhạc giúp bà quên đi nỗi buồn gia đình đổ vỡ. Vài năm sau, nghệ sĩ Bích Thuận dẫn dắt bà vào con đường chuyên nghiệp bằng vở tuồng Phụng Nghi Đình. Gánh hát của Bích Thuận tan rã, bà lang bạt từ đoàn này sang đoàn khác.

Diễn viên Thiên Kim sống ở khu dưỡng lão ở tuổi xế chiều. Ảnh:
Diễn viên Thiên Kim sống ở khu dưỡng lão ở tuổi xế chiều. Ảnh: Mai Nhật


Sau thời gian thất nghiệp, năm 1955, bà bỏ hát cải lương, bén duyên với nghiệp lồng tiếng phim. Nhờ biệt tài giả giọng, bà lồng thoại cho các vai từ em bé ba tuổi đến người già. Về sau, bà chuyển sang lĩnh vực diễn xuất bằng những vai đầu tiên trên màn ảnh thập niên 1960.

Thời trẻ, Thiên Kim nặng gánh mưu sinh vì gia đình. Bà phải sớm khuya đóng phim khắp nơi, gửi tiền về nhờ mẹ chăm sóc năm người con và các cháu. Bà trách bản thân thiếu chu đáo với con cái, một phần vì nghề diễn không kiếm được thu nhập ổn định. Sau này, các con mỗi người một hướng, bôn ba mưu sinh, bà học cách tự chăm sóc bản thân.

Về già, bà khăn gói vào Viện dưỡng lão nghệ sĩ, quận 8, TP HCM, vì không muốn phiền con cháu. Gần 20 năm ở trong viện, niềm vui của Thiên Kim là được bầu bạn với những nghệ sĩ đồng trang lứa như Ngọc Đáng, Lệ Thẩm, Diệu Hiền.

Ở tuổi xế chiều, nghệ sĩ bỏ lại sau lưng ký ức vàng son của một thời ngang dọc khắp các sân khấu, phim trường. Lâu lâu, bà điểm phấn tô son đôi chút, tự soi mình trong gương để nhận ra “ai rồi cũng phải già đi”. Thiên Kim từng nói nỗi buồn lớn nhất ở tuổi của bà là nhìn bạn hữu xung quanh lần lượt qua đời. “Mỗi lần như thế, khu dưỡng lão lại càng thêm trống vắng. Chẳng biết ai là người trụ lại cuối cùng, mà chắc người ấy cũng buồn lắm”, bà cười nhưng mắt rưng rưng khi nói.

Nhiệt huyết với phim ảnh giúp bà phần nào xua đi nỗi cô quạnh. Gần 90 tuổi, gối yếu chân mỏi, bà vẫn nhận lời tham gia các dự án quay ngắn ngày tại TP HCM và các tỉnh lân cận. Nghệ sĩ từng nói đóng phim vì tình yêu nghề âm ỉ mấy chục năm qua, ai kêu gì, bà đóng nấy. Có đơn vị làm phim xong chỉ trả thù lao 500 nghìn đồng, bà vui vẻ nhận. Nghệ sĩ thường khuyến khích các đạo diễn trẻ, bảo họ đừng lo lắng chuyện tiền nong, “trả được bao nhiêu thì trả”. Thỉnh thoảng, bà được nhiều khán giả nhận ra, cúi đầu “Chào ngoại” và xin chụp ảnh. “Chỉ có vậy thôi mà về tôi vui cả ngày”, bà từng cho biết.

Sinh thời, Thiên Kim từng gọi vui bà là “hoa nở muộn”. Đến đầu những năm 1990, ở tuổi ngoài 50, bà mới bắt đầu được nhiều nhà làm phim chú ý, mời đóng các vai lão. Không ít khán giả vẫn nhớ đến nhân vật của bà trong tác phẩm Ngọc trong đá (đạo diễn Trần Cảnh Đôn) – dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Đông Thức. Dù chỉ xuất hiện ở vài phân cảnh, bà để lại ấn tượng đậm nét với vai người mẹ hiền lành, khắc khổ của nhân vật chính – Hương (Lý Thu Thảo). Phân cảnh bà mẹ vừa khóc, vừa van nhóm lính đừng bắt con gái mình, từng lấy nhiều nước mắt người xem khi phim công chiếu năm 1990.

Sang thập niên 2000, phim truyền hình miền Nam nở rộ, Thiên Kim tiếp tục được nhiều đạo diễn gửi gắm kịch bản. Khi Bỗng dưng muốn khóc – tác phẩm gây sốt màn ảnh nhỏ năm 2008 – ra mắt, nhân vật dì Mười bán nước của bà là một trong những vai phụ tạo được nét riêng. Tính cách bộc trực của nhân vật được Thiên Kim thể hiện tròn trịa, như cách bà Mười xót xa khi thấy Trúc (Tăng Thanh Hà) – nữ sinh nghèo – phải tự gánh nước đến chai tay. Ngưỡng mộ lối diễn của bà, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng tiếp tục mời Thiên Kim vào vai bà chủ vựa ve chai hài hước trong Hotboy nổi loạn – phim điện ảnh gây tiếng vang năm 2011.

Ca sĩ Mỹ Tâm đăng ảnh tưởng nhớ nghệ sĩ Thiên Kim - người cô từng nhiều lần đến thăm ở Viện dưỡng lão. Ảnh: Thắng Đặng
Ca sĩ Mỹ Tâm đăng ảnh tưởng nhớ nghệ sĩ Thiên Kim – người cô từng nhiều lần đến thăm ở Viện dưỡng lão. Ảnh: Thắng Đặng

60 năm làm nghề, nghệ sĩ Thiên Kim có hàng chục vai điện ảnh, truyền hình. Nghệ sĩ Kim Cương đánh giá dù vai lớn hay nhỏ, lối diễn của Thiên Kim cho thấy bà chuyên tâm nghiên cứu kịch bản để tìm tòi nét riêng. “Cách nhập vai của chị Thiên Kim không đậm màu kỹ thuật mà rất đời, như thoát ra từ cuộc sống để bước lên màn ảnh”, Kim Cương nhận xét.

Tài tử Lý Hùng nói: “Đằng sau cuộc đời nhiều nỗi buồn, nụ cười hiền hậu của bà vẫn sẽ mãi là ký ức khiến thế hệ diễn viên con cháu như chúng tôi khắc ghi”.

Tổng hợp theo vnexpress.net

Xem thêm Phong cách thể thao