Kết nối với chúng tôi

Thể thao

Điền kinh: đi tìm nguồn lực để tạo đột phá cho tương lai

Những năm trở lại đây, Điền kinh Việt Nam đã có bước tiến rõ nét, tuy nhiên trong năm 2023 nếu nhìn ở góc độ thành tích thì đây là năm không thành công với môn thể thao này. Bởi lẽ sau 3 kỳ SEA Games liên tiếp giành ngôi nhất toàn đoàn, thì ở SEA Games 32 tại Campuchia vị trí số 1 của Điền kinh Việt Nam đã bị Thái Lan lấy lại. Bên cạnh đó, việc trắng huy chương ở ASIAD 19 tại Hàng Châu, Trung Quốc cũng là một vấn đề khiến giới chuyên môn phải có những tính toán tìm hướng phát triển, đầu tư phù hợp hơn.

Cần một chiến lược phát triển thành tích ở tương lai gần

Ngay sau khi khép lại các nhiệm vụ quốc tế diễn ra trong năm, Ban huấn luyện, bộ môn và Liên đoàn Điền kinh Việt Nam đã có những phân tích tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Từ thực tế đó, Bộ VHTTDL, Cục TDTT đã yêu cầu bộ môn Điền kinh phải có một kế hoạch cụ thể nhằm đạt được chuyên môn tối ưu hơn – tức là phải có một chiến lược cụ thể cho chương trình phát triển thành tích ở tương lai gần. Cụ thể là trong giai đoạn 2024-2026 vì đây là giai đoạn các giải đấu quan trọng được diễn ra và môn Điền kinh vẫn là một trong những môn thể thao trọng điểm của Thể thao Việt Nam.

Nói về vấn đề này, trong khuôn khổ Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030, ông Phạm Thế Triều – Phó Chủ tịch Liên đoàn Điền kinh Việt Nam đã có những chia sẻ: Đối với môn Điền kinh ở Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển mạnh mẽ. Bởi, trong các trường học trên cả nước từ cấp Trung học cơ sở Điền kinh được lựa chọn đưa vào chương trình dạy học chính khóa của môn giáo dục thể chất. Đây là một lợi thế rất lớn với nguồn lực dồi dào để phát hiện, tuyển chọn VĐV năng khiếu từ rất sớm nhằm đào tạo, huấn luyện trở thành VĐV đỉnh cao tại địa phương và tiến tới cung cấp lực lượng VĐV chất lượng cho đội tuyển quốc gia.

Ông Phạm Thế Triều – Phó Chủ tịch Liên đoàn Điền kinh Việt Nam chia sẻ về kế hoạch phát triển môn Điền kinh trong tương lai (Ảnh: Văn Duy)

Mặc dù có nhiều lợi thế trong khâu tuyển chọn VĐV, tuy nhiên do nguồn kinh phí hạn hẹp nên chế độ tiền công, tiền lương cũng như đãi ngộ dành cho VĐV đội tuyển còn ở mức thấp (trung bình từ 7-10 triệu đồng), chỉ đủ chi tiêu sinh hoạt cho bản thân, không có tiền tích lũy hay hỗ trợ được gia đình… hay sau khi thi đấu, gặp chấn thương phải giải nghệ thì nhiều VĐV không có công việc, nghề nghiệp để ổn định cuộc sống… Đây là thực tiễn chung đang tồn tại ở nhiều môn thể thao, trong đó có Điền kinh. Chính vì vậy, nhiều VĐV đã bỏ tập giữa chừng để lựa chọn ngành nghề khác để lập nghiệp, hoặc gia đình không ủng hộ để đi theo sự nghiệp VĐV đỉnh cao.

Bên cạnh đó, thời gian gần đây nguồn VĐV tại đội tuyển quốc gia có dấu hiệu chững lại về thành tích (những VĐV kỳ cựu đã có thành tích, đạt được đỉnh cao phong độ) nên khó có thể tiến xa hơn nữa cho các sân chơi quốc tế lớn trong thời gian tới. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thành tích của Điền kinh Việt Nam trong năm 2023 không đạt như kỳ vọng.

Chia sẻ với báo chí về giải pháp giúp Điền kinh Việt Nam phát triển trong tương lai, Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Liên đoàn có chủ trương thuê HLV ngoại về đào tạo cho các nhóm VĐV trọng điểm. Các tổ, nhóm VĐV theo từng nội dung sẽ được tập hợp và đào tạo mang tính chất có hệ thống, lựa chọn từ tuyến VĐV trẻ đi lên… với hy vọng sẽ cải thiện thành tích trong tương lai.

Năm 2024, đấu trường lớn mà Điền kinh hướng tới là Olympic Paris 2024 ở Pháp. Mặc dù đây là sân chơi quá tầm, nhưng với định hướng lâu dài thì mục tiêu có VĐV giành suất chính thức tham dự Thế vận hội là điều mà Điền kinh Việt Nam phải kiên định hướng tới. Kế đến Điền kinh có sự chuẩn bị tốt nhất – tức là có được lực lượng mới hướng đến SEA Games 33 năm 2025 và xa hơn là ASIAD 20 năm 2026.

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2024, đội tuyển Điền kinh Việt Nam có sự thay đổi đáng kể, trong đó chú trọng đến các VĐV trẻ. Thực tế cho thấy rằng, chuyên gia nước ngoài khi tới Việt Nam đều đạt được dấu ấn về huấn luyện và một số nội dung của đội tuyển Điền kinh Việt Nam đã đạt được kết quả đáng kể. Chuyên gia gần nhất tham gia huấn luyện ở đội tuyển Điền kinh Việt Nam là Vladimir Simeonov tại tổ nội dung 400m và 400m rào. Hiện tại, Ban huấn luyện đội tuyển điền kinh Việt Nam do các HLV nội đảm trách chuyên môn.

Bắt đầu từ năm 2024 Điền kinh đặc biệt quan tâm tới công tác đào tạo trẻ nhằm tạo nguồn lực chất lượng cho đội tuyển quốc gia (Ảnh: Quý Lượng)

Đẩy mạnh nguồn xã hội hóa nhằm tạo sự đột phá

Trong khoảng 10 năm trở lại đây Điền kinh Việt Nam đã có những bước chuyển rõ rệt trong công tác xã hội hoá, từ chỗ không có kinh phí để hoạt động văn phòng, những người làm việc ở văn phòng chỉ mang tính kiêm nhiệm, thì đến nay Liên đoàn đã có nguồn thu ổn định để duy trì bộ máy hoạt động một cách ổn định và đạt hiệu quả cao. Trước mỗi giải đấu lớn các mức thưởng đều được công khai một cách rõ ràng và trao thưởng ngay khi VĐV kết thúc thi đấu. Tại nhiều kỳ Đại hội, mức thưởng lên đến hàng tỷ đồng, ngoài ra các mạnh thường quân còn tặng xe ô tô, nhà, hiện vật có giá trị cho các VĐV đạt thành tích xuất sắc. Để hỗ trợ việc nâng cao thành tích của các VĐV, Liên đoàn còn hỗ trợ mua các trang thiết bị, máy móc hiện đại. Có được điều này là do liên đoàn đã chủ động trong việc tổ chức vận động tài trợ và trả quyền lợi xứng đáng trên nhiều kênh khác nhau cho các nhà tài trợ.

Ông Phạm Thế Triều – Phó Chủ tịch Liên đoàn Điền kinh Việt Nam cho biết: Điền kinh cũng là môn thể thao phổ biến, được đông đảo người dân lựa chọn, tập luyện nâng cao sức khỏe… gần đây có rất nhiều giải thể thao phong trào, bán chuyên nghiệp thu hút hàng nghìn người tham dự. Chính từ các hoạt động này đã tác động, tạo hiệu ứng mạnh mẽ tới các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, mạnh thường quân dành sự quan tâm đặc biệt và muốn đầu tư cho môn thể thao “nữ hoàng”. Ngoài yếu tố về hỗ trợ, chung sức phát triển bộ môn Điền kinh thì chính hình ảnh, lợi ích từ bộ môn cũng đã mang lại những hiệu quả nhất định (quảng bá hình ảnh, đánh bóng tên tuổi thương hiệu…) cho các doanh nghiệp. Chính sự tương hỗ 2 chiều này, Điền kinh trở thành trong số ít các môn thể thao (sau Bóng đá) nhận được sự ủng hộ, quan tâm của các doanh nghiệp. Đơn cử như, trong năm 2023, với thành tích ấn tượng tại SEA Games 32 VĐV Nguyễn Thị Oanh đã được nhiều mạnh thường quân thưởng nhà, xe, tiền mặt. Gần đây nhất, thương hiệu quần áo Li-Ning đã ký hợp đồng tiếp tục là nhà tài trợ trang phục chính thức đồng hành với Điền kinh Việt Nam trong 3 năm 2023-2025. Hàng năm, số tiền huy động được từ các tổ chức doanh nghiệp được 5 – 6 tỷ, số tiền này cũng đủ để duy trì vận hành bộ máy của Liên đoàn và những hỗ trợ cần thiết với hoạt động thi đấu, tập huấn… của các đội tuyển Điền kinh quốc gia.

Tuy nhiên, so với tình hình hiện nay, việc vận động tài trợ vẫn còn nhiều hạn chế, chưa mang tính bền vững. Để có thể tự chủ trong mọi hoạt động, Liên đoàn cần có nguồn thu bền vững. Nhìn vào mô hình các nước trong khu vực, ông Phạm Thế Triều cho rằng: Thái Lan và Indonesia là hai quốc gia điển hình làm rất tốt công tác xã hội hóa thể thao. Theo đó 2 quốc gia này được Nhà nước giao đất (Thái Lan) hoặc giao sân vận động phụ (Indonesia) cho liên đoàn quản lý và khai thác. Việc có cơ sở vật chất riêng giúp cho Liên đoàn chủ động trong việc kêu gọi đầu tư, thu hút nguồn vốn của các tổ chức quốc tế, xây dựng sân điền kinh, trang bị phòng tập hiện đại, cho thuê sân tập, mở các khoá đào tạo.

Xuất phát từ thực tế đó, Phó chủ tịch Liên đoàn Điền kinh Phạm Thế Triều cho biết: Liên đoàn Điền kinh Việt Nam đã triển khai xây dựng đề án phát triển Điền kinh Việt Nam đến năm 2030 định hướng đến 2035, trong đó có nội dung quan trọng là đề xuất Bộ VHTTDL chuyển giao sân Điền kinh phụ tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình cho Liên đoàn xây dựng trung tâm đào tạo VĐV Điền kinh.

Trên cơ sở được giao quản lý, Liên đoàn sẽ huy động các nguồn lực để phát triển môn điền kinh, tổ chức các hoạt động kinh doanh dịch vụ hoạt động thể thao theo quy định của pháp luật cụ thể như: Huy động các ngồn vốn của Điền kinh Thế giới (WA), Hiệp hội điền kinh Châu Á (AAA), các tổ chức thể thao khác để xây dựng trung tâm điền kinh một cách hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển môn. Huy động các nguồn lực xây dựng khu nhà ở cho VĐV ĐTQG, đội trẻ quốc gia môn điền kinh, cho các VĐV của các tỉnh, thành, ngành về tập huấn. Mời các HLV giỏi về huấn luyện tại trung tâm. Ngoài chế độ của cơ quan quản lý nhà nước chi trả, các HLV này có thể có những nguồn thu khác từ liên đoàn nếu tham gia huấn luyện thêm các VĐV của các đơn vị hoặc các HLV phong trào. Tận dụng các cơ sở vật chất sẵn có để phục vụ cho nhu cầu tập luyện và thi đấu môn điền kinh. Hiện nay các cơ sở vật chất này tuy được đầu tư rất nhiều tiền, nhưng chưa được sử dụng một cách hiệu quả ( Bộ trang thiết bị đồng hồ điện tử vài năm mới được mang ra sử dụng 1 lần. sân điền kinh phủ nhựa tổng hợp tại sân phụ không được đưa vào khai thác, không có VĐV tập luyện thường xuyên…).

N.H

Xem thêm Thể thao