Cần sớm đẩy mạnh hoàn tất chương trình hành động phát triển TDTT Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025
Vừa qua, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương tại buổi làm việc với Tổng cục TDTT về chương trình hành động phát triển TDTT Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025, chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, cũng như các hoạt động quan trọng của ngành trong thời gian tới.
Cũng tại buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn báo cáo về tiến độ thực hiện, triển khai các đề án, chương trình phát triển TDTT đã ban hành như: Quy hoạch phát triển TDTT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật TDTT quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn 2030; Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030; Chiến lược phát triển Bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030…
Nhấn mạnh về mục tiêu, chỉ tiêu phát triển TDTT trong giai đoạn 2021 – 2025, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Trần Đức Phấn cho biết: Thời gian tới, ngành TDTT tập trung hoàn thiện thể chế, tăng cường công tác quản lý nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong tổ chức, quản lý và điều hành công tác TDTT.
Đổi mới và nâng cao chất lượng phong trào TDTT quần chúng, tạo mọi điều kiện để người dân tham gia các hoạt động TDTT, hình thành lối sống lành mạnh, tích cực, ưa vận động trong nhân dân; Tăng cường giáo dục thể chất và thể thao trường học, phát triển TDTT trong lực lượng vũ trang nhân dân.
Tập trung, phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp, ưu tiên đầu tư các môn thể thao trọng điểm, các môn có thế mạnh của Việt Nam nhằm nâng cao vị thế của Thể thao Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần tích cực vào công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Tăng cường cơ sở vật chất, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ, y học thể thao làm nền tảng phát triển mạnh mẽ và vững chắc sự nghiệp TDTT.
Giai đoạn 2021-2025 ngành TDTT đặc mục tiêu phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu ở lĩnh vực TDTT quần chúng: số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt trên 39% dân số, gia đình thể thao đạt trên 30% tổng số hộ gia đình vào năm 2025. Số trường học đảm bảo chương trình giáo dục thể chất nội khóa đạt 100%.
Đối với thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp: tổ chức thành công SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11, Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX, tham dự đầy đủ các Đại hội thể thao quốc tế giai đoạn 2021 – 2025. Đề xuất các môn, nội dung trọng điểm có thế mạnh của Việt Nam để tập trung ưu tiên đầu tư chuyên biệt trong thời gian tới để giành thành tích cao tại Olympic và ASIAD.
Cùng với những kế hoạch, mục tiêu phát triển của ngành, ở thời điểm hiện tại, công tác đảm bảo an tòan về sức khỏe cho các VĐV đỉnh cao tại các Trung tâm HLTTQG đã nhận được sự quan tâm hơn cả từ phía Thứ trưởng Hoàng Đại Cương.
Báo cáo về vấn đề này, ông Hoàng Quốc Vinh – Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao 1, Tổng cục TDTT cho biết: Hiện, cả 4 Trung tâm HLTTQG là Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ đều đang cấm trại, dừng tất cả việc triệu tập quân lên đội tuyển quốc gia tập trung. Đặc biệt, ở mỗi Trung tâm đều bố trí khu khám và điều trị cách ly riêng để kịp thời ứng phó trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid 19.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề nghị: việc triển khai chương trình hành động phát triển TDTT Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025 cần thực hiện trong thời gian sớm nhất có thể (trước 30/6 chương trình sẽ được đệ trình lên Bộ VHTTDL). Ngoài ra, Thứ trưởng yêu cầu, Tổng cục TDTT chỉ đạo các Trung tâm HLTTQG rà soát lại toàn bộ các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện nhằm kịp thời sửa chữa, đầu tư đảm bảo những điều kiện tập luyện tốt nhất cho VĐV sẵn sàng chinh phục các mục tiêu thành tích quốc tế quan trọng trong thời gian tới.