Những người hùng tuyển nữ Việt Nam: Đá bóng cứu cha, cứu mẹ và cứu… chính mình
Nếu so sánh tuyển nữ và tuyển nam thì rất khập khiễng nhưng các cô gái Việt Nam có rất nhiều câu chuyện chạm đến trái tim người hâm mộ.
Chiều muộn ngày 6/2, tuyển nữ Việt Nam hoàn thành giấc mơ dự World Cup khi thắng Đài Loan (Trung Quốc) 2-1. Một chiến thắng có ý nghĩa lớn lao cho cả nền bóng đá, và cho chính các cô gái Việt Nam.
Tiền vệ Tuyết Dung nói rằng: “Việt Nam xin chào World Cup 2023. Chúng tôi đã làm được rồi mọi người ơi”.
Trung vệ Chương Thị Kiều – tác giả pha đánh đầu vào lưới Đài Loan bày tỏ: “Chúng tôi sẽ về ôm nhau khóc”.
Tấm vé dự World Cup 2023 là công sức của toàn đội, là sự nỗ lực không ngừng của thầy trò HLV Mai Đức Chung. Họ đã biến điều mà những người lạc quan nhất cũng không dám nghĩ đến thành sự thật.
Bảng đấu của tuyển nữ Việt Nam có thể nói không thể nào kém may mắn hơn, khi có Hàn Quốc, Nhật Bản và Myanmar. Sự khó khăn tăng lên gấp nhiều lần với 20/23 cầu thủ dính Covid-19. Kịch bản xấu dễ xảy ra là tuyển nữ Việt Nam phải bỏ giải vì không đủ quân số. Tất cả để thấy tuyển nữ Việt Nam vượt khó đầy ngưỡng mộ. Toàn đội không bỏ cuộc, xác định còn nước còn tát, và giành vé dự World Cup theo đúng tinh thần Việt Nam.
Và nhìn lại danh sách tuyển nữ Việt Nam, có rất nhiều cầu thủ bước ra từ gia cảnh rất khó khăn. Họ đi đá bóng với khát vọng mưu sinh, đá bóng để cứu cha, cứu mẹ, và cứu chính cuộc đời họ… Tất cả là những câu chuyện có thể chạm đến trái tim người hâm mộ.
Hậu vệ Trần Thị Thu là ví dụ điển hình. 6 năm trước, tôi từng viết về Thu với câu chuyện: Đá bóng cứu cha. Cô gái quê Quảng Ngãi đá bóng với mong muốn có tiền giúp cha vượt qua căn bệnh tai biến. Thu đá bóng, làm trọng tài, thậm chí làm thêm ở quán cà phê…
Tiền vệ Thuỳ Trang cũng mang đến câu chuyện rất đặc biệt. Năm 2018, Saostar đã có bài viết về Trang là Nhà vô địch SEA Games đá bóng cứu mẹ bị ung thư: Năm mới, mong mẹ sống thật lâu. Thuỳ Trang sinh ra trong gia đình có 9 người con. Trang là con út và đi đá bóng để cứu mẹ.
Hồi đó, Thuỳ Trang nói với Saostar rằng: “Nhiều lúc, em muốn từ bỏ tất cả để trở về bên mẹ nhưng rồi phải cố gắng đá bóng thật tốt để có tiền lo cho mẹ. Em có thể chịu đựng tất cả và cố gắng làm thật tốt. Bây giờ chỉ có một mong ước tột cùng là mẹ có thể lành bệnh để ở bên cạnh em”.
Chương Thị Kiều cũng vậy. Kiều sinh ra trong một gia đình gốc Khmer nghèo ở tỉnh Kiên Giang. Năm 11 tuổi, Kiều lên TPHCM với 30 nghìn đồng trong túi. Ngày Kiều xa rời mái tranh nghèo thì người thân còn nhầm tưởng… Kiều bị bán. Sự nghèo khó đã hun đúc nên một Chương Thị Kiều máu lửa, lăn xả hết mình ở tuyển Việt Nam. Tôi hay gọi Chương Thị Kiều là “Iron Girl” – cô gái thép.
Tuyết Dung – cô gái nổi tiếng nhất của tuyển nữ Việt Nam, tác giả pha đá phạt góc vào lưới Myanmar, có cảnh đời cũng gian nan không kém các đồng đội. Dung bây giờ vẫn hay khóc khi bố mẹ hỏi về chuyện lập gia đình.
Mỗi cô gái của tuyển nữ Việt Nam là một câu chuyện đời khác nhau, nhưng điểm chung là sự nghị lực, ý chí kiên cường vượt khó của người phụ nữ Việt Nam, khát vọng đổi đời. Và sau tất cả là họ mong ước được sống tốt, bình yên với nghiệp bóng đá.
Có câu nói “cái tuổi nó đuổi xuân đi”. Năm nay, các cô gái Việt Nam bước sang một mùa xuân mới. Họ không đón Tết cùng gia đình để hoàn thành được giấc mơ dự World Cup. Và điều ước vẫn rất cũ cho bóng đá nữ Việt Nam là các cô gái được quan tâm hơn, có thu nhập cao để sống tốt, chứ không phải chỉ được nói nhiều trong lúc giành danh hiệu cho bóng đá nước nhà. Vì không cần nói đến huy chương, Cúp hay kỳ tích thì đời con gái đi đá bóng đã là một sự hy sinh thầm lặng cho sự nghiệp thể thao nước nhà.