Kết nối với chúng tôi

Thể thao

Lần đầu tranh tài tại SEA Games 32 đội tuyển Kun Bokator Việt Nam ghi dấu ấn

Hành trình thi đấu của đội tuyển Kun Bokator Việt Nam tại SEA Games 32 đã khép lại với những dấu ấn đậm nét. Lần đầu tiên tranh tài tại một kỳ Đại hội thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á, các võ sĩ của chúng ta đã giành được 6 HCV, 3 HCĐ trong tổng số 9 nội dung thi đấu. Thành tích này cũng giúp đội tuyển Kun Bokator Việt Nam xếp vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng toàn đoàn, chỉ sau nước chủ nhà Campuchia.

Kun Bokator: môn thể thao lạ tại SEA Games 32

SEA Games 32 là kỳ SEA Games đầu tiên môn võ Kun Bokator (Võ cổ truyền của Campuchia) được đưa vào chương trình thi đấu chính thức của Đại hội. Đây là môn truyền thống có từ lâu đời của người Campuchia, trở thành biểu tượng của văn hóa Khmer cho đến tận ngày nay. Vào năm 2002, môn võ này đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Môn võ Kun Bokator có luật thi đấu mang đặc trưng riêng không giống bất kì môn võ nào từng xuất hiện tại SEA Games. Khi lên sàn đấu, VĐV đeo găng hở ngón tương tự găng võ thuật tự do (MMA), đeo mũ – giáp – bọc ống chân, bọc cùi chỏ. Ngoài ra, các võ sĩ mặc quần ngắn thi đấu đặc trưng, kèm khố truyền thống của người Campuchia. Một trận đấu của môn Kun Bokator diễn ra trong 3 hiệp, mỗi hiệp 3 phút, thời gian nghỉ là 1 phút giữa các hiệp.

Về phương thức tính điểm, VĐV được công nhận điểm dựa vào 4 cách tấn công: đòn tay, đòn chân, đòn vật và đòn đặc trưng. Theo quan điểm của nhiều chuyên gia võ thuật Việt Nam, môn võ Bokator có nhiều nét tương đồng với võ cổ truyền Việt Nam. Dù có một số ít những điểm khác biệt về động tác, nhưng cơ bản môn này vẫn cùng sở hữu các đòn đấm, đá, chỏ, gối hay vật ngã,…

Tại SEA Games 32, môn võ Kun Bokator được tổ chức với 16 nội dung thi đấu đối kháng đồng đội, 7 nội dung biểu diễn cá nhân, đồng đội và 9 nội dung thi đấu đối kháng cá nhân. Có 6 quốc gia đăng ký tranh tài ở môn Kun Bokator, gồm: chủ nhà Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines, Indonesia và Việt Nam.

Khổ luyện hai tháng rưỡi giành 6 HCV

Tháng 3/2023, đội tuyển Kun Bokator Việt Nam được thành lập với 3 HLV và 15 VĐV, trong đó các VĐV được tuyển chọn đều là những gương mặt sáng giá trong làng võ cổ truyền Việt Nam (có sự tương đồng với Kun Bokator). Tại SEA Games 32, các võ sĩ Việt Nam tham gia tranh tài ở nội dung đối kháng cá nhân với 5 hạng cân dành cho nam (50kg, 55kg, 60kg, 65kg và 70kg) và 4 hạng cân dành cho nữ (45kg, 50kg, 55kg và 60kg).

Để chuẩn bị cho SEA Games 32, Ban huấn luyện đội tuyển đã tập trung hoàn thiện kỹ năng, đan xen tăng cường tổ chức thi đấu nội bộ, tạo điều kiện cho các VĐV được cọ xát nhiều hơn để rèn bản lĩnh thi đấu cũng như nâng cao trình độ, tính toán điểm rơi phong độ để đạt kết quả tốt nhất khi thi đấu. Cùng với đó, đội cũng đang nhận được sự hỗ trợ cao nhất của Tổng cục TDTT về chế độ dinh dưỡng và trang thiết bị tập luyện.

Không phụ sự mong mỏi của Ban huấn luyện, tại SEA Games 32, các võ sĩ Kun Bokator bước vào thi đấu với sự quyết tâm, nỗ lực cao nhất. Vượt qua các đối thủ ở vòng loại, 6 võ sĩ Kun Bokator bước vào tranh tài ở 6 nội dung chung kết trong ngày 8/5.

Võ sĩ Phạm Thị Phượng là người lĩnh ấn tiên phong khi cô chạm trán với võ sĩ nước chủ nhà Sreynith Leang trong trận chung kết hạng cân 45kg nữ. Võ sĩ đến từ Việt Nam đã thi đấu áp đảo ở hiệp 1 và hiệp 2, nhiều lần vật đối thủ xuống sàn. Dù Leang có những nỗ lực ở hiệp 3 nhưng vẫn không đủ để giữ tấm HCV ở lại Campuchia. Phạm Thị Phượng trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên giành HCV ở môn Kun Bokator khi giành chiến thắng với tỷ số 2-1 trong trận chung kết.

Chia sẻ về thành tích vừa giành được, Phạm Thị Phượng cho biết: Đội tuyển Kun Bokator tham dự SEA Games 32 với lực lượng VĐV được thành lập từ Võ cổ truyển. Do đó, tôi cũng như các thành viên trong đội đều phải thay đổi cách tập luyện để thích nghi với môn thi đấu mới. Thời gian tập luyện không dài nhưng trên hết với những chiến thuật hợp lý của ban huấn luyện cùng sự nỗ lực cố gắng hết mình tôi đã giành được tấm HCV về cho Thể thao nước nhà. Tôi rất vui và hạnh phúc khi là VĐV đầu tiên giành HCV ở môn võ này tại một kỳ SEA Games.

Nguyễn Thị Thanh Tiền (giáp đỏ) giành HCV thứ 2 cho đội tuyển Kun Bokator Việt Nam tại SEA Games 32 (Ảnh: Quý Bảng)

Tấm HCV thứ 2 của Kun Bokator Việt Nam tại SEA Games 32 thuộc về võ sĩ Nguyễn Thị Thanh Tiền ở hạng cân 50 kg nữ. Đối mặt với võ sĩ người Philippies Alyssa Kylie Mahinay Mallari, VĐV quê Bình Định Nguyễn Thị Thanh Tiền gặp nhiều khó khăn khi để thua điểm ngay trong hiệp 1.

Tuy nhiên, bằng quyết tâm cùng chiến thuật hợp lý, cô gái đất Võ lấy lại thế trận, cân bằng điểm số trong 2 hiệp tiếp theo. Kết quả cân bằng của 2 võ sĩ khiến ban trọng tài quyết định trận đấu phải bước vào hiệp phụ. Bằng pha ra đòn chính xác trước, Thanh Tiền ghi bàn thắng vàng, giành chiến thắng cùng tấm HCV ngay trong lần đầu dự một kỳ SEA Games.

Thành công của Phượng và Tiền như tiếp thêm nguồn động lực để các võ sĩ Kun Bokator Việt Nam thi đấu thăng hoa trong trận chung kết tiếp theo. Để rồi Nguyễn Thị Tuyết Mai (hạng cân 55kg nữ), Trần Võ Song Thương (hạng cân 60 kg nữ) và Huỳnh Văn Cường (hạng cân 65kg nam) đều gây ấn tượng mạnh hơn khi hạ đối thủ bằng những pha đánh uy lực và những cú đá trời giáng, tiếp tục mang về thêm 3 HCV cho đội tuyển Kun Bokator Việt Nam.

Võ sĩ Ngô Đức Mạnh là VĐV cuối cùng của đội tuyển Kun Bokator Việt Nam thi đấu tại SEA Games 32. Bước vào chung kết hạng cân dưới 70kg nam trước đối thủ Damxoumphone Khieosavath (Lào), khi hiệp 3 chỉ còn khoảng 15 giây, Ngô Đức Mạnh tung cú đá đẹp mắt, trúng đầu đối thủ. Chung cuộc, Ngô Đức Mạnh giành chiến thắng knock-out, mang về HCV thứ 6 cho đội tuyển Kun Bokator Việt Nam.

Đáng chú ý cả 6 tấm HCV của đội tuyển Kun Bokator Việt Nam giành được đều đến từ các nội dung đối kháng. Tại SEA Games 32, Kun Bokator có tổng cộng 9 nội dung đối kháng cá nhân thì Việt Nam  đều giành được huy chương, trong đó có tới 6 HCV, 3 HCĐ. Nếu như chỉ tính ở nội dung đối kháng, Việt Nam có thành tích ấn tượng hơn hẳn so với Campuchia.

Thành tích này cũng đưa Việt Nam vượt qua các quốc gia khác xếp ở vị trí thứ 2 toàn đoàn. Đoàn chủ nhà Campuchia giành ngôi vị Nhất toàn đoàn với 8 HCV, 7 HCB, 3 HCĐ, trong đó có 6 HCV tới từ các nội dung biểu diễn. Thành tích này cũng cho thấy sự vượt trội của các võ sĩ Việt Nam khi chỉ trong một thời gian rất ngắn, trình độ cũng như thành tích của các VĐV đã được nâng lên rõ rệt.

Chia sẽ thành công sau thành tích của đội tuyển Kun Bokator Việt Nam, ông Lưu Trọng Tuấn – phụ trách môn Võ cổ truyền, Tổng cục TDTT cho biết: “Đây là lần đâu tiên đội tuyển Kun Bokator với xuất thân là các VĐV Võ cổ truyền Việt Nam được đại diện tham dự Đại hội thể thao khu vực. Đó là niềm vinh dự, tự hào nên toàn đội đã cố gắng thi đấu và góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc đến bạn bè trong khu vực”.

KC

Xem thêm Thể thao