Để giúp bạn nâng cao hiệu quả cao trong quá trình tập luyện giảm nguy cơ bị chấn thương một cách tốt nhất thì các tay đua “nghiệp dư” cần mắn vững về kỹ thuật đạp xe đường dài. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về những cách này và điều bạn cần chính là thuộc lòng các bước cơ bản trước khi bắt tay vào luyện tập.
Trò chuyện với PV anh Lê Hồng Giang – Đại lý Xe đạp Thống nhất chia sẻ: “Dù cho bạn đạp xe với mục đích gì thì việc hiểu rõ cách căn chỉnh bộ líp đúng lúc, đúng nơi sẽ giúp bạn thao tác đạp xe dễ dàng hơn. Có hai cách chính để chỉnh líp bao gồm chính líp cao và chỉnh líp thấp. Chỉnh líp cao sẽ giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp chân và việc chạy nước rút. Chỉnh líp thấp sẽ giúp tăng cường sức khỏe hệ hô hấp và hệ tim mạch”.
“Phanh xe đạp là một trong những kỹ thuật quan trọng khi đạp xe đường dài, nó không những ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của bạn trong suốt quá trình đạp xe mà còn liên quan đến tuổi thọ của phanh xe. Có 3 cách phanh xe đạp bao gồm phanh gấp, phanh chậm và phanh nhanh”. Anh Giang cho biết thêm
Bạn hãy học cách dự đoán khi nào nên phanh và dùng lực phanh bao nhiêu là đủ. Đây là điều quan trọng khi bạn đạp xe đường dài theo nhóm. Bạn hãy giữ một hoặc hai ngón tay lên phanh cầm chừng trong khi đạp và dự đoán góc phanh phù hợp
Anh Ngô Anh Tú – Quản lý Xe đạp 53 Bà Triệu cho biết: “Trong quá trình đạp xe, bạn hãy đưa người về trước và dùng một ngón tay bóp nhẹ phanh sao cho không bị chậm lại quá nhiều. Điều này tránh được hiệu ứng va chạm hoặc tai nạn dây chuyền nếu có sự cố đột ngột trong nhóm đạp xe.
“Bạn hãy dồn hầu hết lực phanh vào phanh trước, dịch chuyển tất cả trọng lượng về phía trước như đang đặt thêm áp lực lên lốp trước, từ đó làm độ bám cao hơn và tăng lực phanh nhiều hơn. Do vậy, mấu chốt là bạn hãy giảm áp lực lên lớp trước bằng hành động cúi thấp và đưa người về sau”. Anh Tú chia sẻ thêm.
Bạn không nên phanh bánh trước quá nhiều trên bề mặt ẩm ướt vì sẽ dễ bị trượt và gặp nguy hiểm. Vì thế, bạn hãy cố gắng giữ cho xe đạp luôn đứng thẳng, phanh sớm hơn, lực mềm hơn.
Một số kỹ năng cần lưu ý khi đạp xe đường dài
Thứ nhất, quan sát khu vực bạn muốn rẽ: Đầu tiên, bạn cần cảm nhận cơ thể bạn sẽ chuyển động theo sự quan sát của đôi mắt. Trước khi quẹo cua, bạn hãy quan sát xung quanh thật kỹ, nhất là khi đang đạp xe theo nhóm. Bạn hãy tập cho mình kỹ năng quan sát, tăng tầm nhìn ngoại vi. Khi đã xác định được khúc cua cần quẹo, bạn hãy quay hông theo cùng hướng bạn đang nhìn.
Đừng đạp khi đang bo cua: Nguyên nhân là bàn đạp của xe có thể sẽ bị đập xuống đất nếu bạn đạp xe trong khi cua. Nếu chẳng may điều này xảy ra, bạn nên giữ bình tĩnh và hoàn thành khúc cua. Khi bạn đã kết thúc khúc cua và xe đạp đã ở vị trí thẳng đứng trở lại, việc đạp xe sẽ an toàn hơn. Ngoài ra, bạn cần nhớ điều chỉnh líp sao cho phù hợp trước khi bo cua.
Thả dốc được nhiều người yêu thích bởi nó mang lại cảm giác bay như một mũi tên nhưng song song đó, nó tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và tai nạn nếu bạn không nắm được kỹ thuật xử lý. Những điều bạn cần chú ý khi thả dốc chính là:
Đặt cơ thể vào tư thế đúng: Bạn hãy thư giãn cơ thể, đổ người về phía trước, một hoặc hai ngón tay đặt tại phanh của tay đề.
Không cầm ghi đông xe đạp quá chặt để tránh gây mệt mỏi và giảm khả năng kiểm soát xe của bạn. Bạn hãy luôn giữ cho cánh tay hơi uốn cong ở phần khuỷu tay để xử lý các bề mặt đường không bằng phẳng dễ dàng hoặc kịp thời ứng phó với các va chạm có thể xảy ra trên đường.
Giữ cho trục đạp nằm ngang: bàn đạp ở vị trí trung lập và song song với bề mặt đường ở vị trí 3 giờ và 9 giờ. Bên cạnh đó, việc hướng mắt nhìn về phía trước đóng vai trò quan trọng bởi càng đi nhanh thì bạn càng cần tập trung nhiều hơn. Điều này giúp bạn dự đoán trước các thay đổi xảy ra trên mặt đường, chẳng hạn như hướng đi và các phương tiện khác.
Hạn chế bóp phanh: Nguyên nhân vì hệ thống phanh và bánh xe đạp không chỉ phải chịu áp lực từ trọng lượng của bạn mà còn cả trọng lực từ bề mặt địa hình trong quá trình đổ đèo. Việc kéo phanh quá mạnh sẽ khiến cho phanh quá nóng, hỏa động kém hiệu quả và thậm chí là bão hòa phanh, tức phanh vẫn hoạt động nhưng vận tốc xe không đổi. Tệ hơn, xe của bạn còn có nguy cơ bị nổ lốp.
Thứ hai, đạp xe đạp góp phần bảo vệ môi trường
Đây là hoạt động bổ ích, góp phần xây dựng một môi trường xanh – sạch – đẹp, một cộng đồng lành mạnh và khỏe khoắn. Tuy nhiên, có rất nhiều điều cần phải lưu ý khi tham gia đạp xe chinh phục những cung đường dài như vậy. Sau đây là một số điều cần biết và chuẩn bị cho những chuyến du lịch dài bằng xe đạp.
Việc khám phá những cung đường mới, những địa danh mới trên một chiếc xe đạp là cảm giác cực kỳ khác lạ đối với những người tham gia. Thường thì những buổi đạp đi xa đều vào ngày nghỉ hoặc ngày cuối tuần nên đây là cách dễ dàng nhất giúp bạn xả stress trong cả tuần làm việc.
Hòa mình cùng với thiên nhiên, hít thở không khí trong lành cũng là cách thư giãn, xóa tan đi những mệt mỏi, giúp tập trung hơn trong công việc sắp tới. Tuy nhiên để có chuyến đạp xe thú vị như vậy, điều đầu tiên bạn cần quan tâm là phải lập kế hoạch một cách chi tiết nhất có thể cho chuyến đi. Bởi vì việc đi du lịch bằng xe đạp là hoạt động mạo hiểm và đầy thử thách cho nên bạn cần phải cân nhắc kỹ về địa điểm sẽ đến.
Khi các tay đua “nghiệp dư” lựa chọn được địa điểm muốn khám phá, cần phải có kế hoạch về những điểm dừng chân, những nơi sẽ đi qua, từ đó dự trù được thời gian và vận tốc trên từng quãng đường. Chỉ khi có những thông tin như vậy mới có thể điều tiết phân phối sức trên cả quãng đường dài, tránh tình trạng kiệt sức, bỏ cuộc giữa đường.
Một yếu tố quan trọng nữa là cần lập kế hoạch chi tiết về quãng đường sẽ đi, hãy để ý đến độ cao, độ dốc để có thể lên kế hoạch chi tiết.
Ngay sau khi có được cung đường, những địa điểm dừng chân. Cần phải chuẩn bị kỹ đề phòng những rủi ro gặp phải trên đường. Không ai có thể đảm bảo những chuyến đi du lịch bằng xe đạp có độ dài trên 100 km sẽ an toàn tuyệt đối, đó là lý do chúng ta cần tự trang bị những hành trang cho riêng mình.
Tuy nhiên, hành trang càng gọn nhẹ bao nhiêu thì càng đỡ mất sức, khi di chuyển trên quãng đường dài nên chỉ mang theo những vật dụng thật sự cần thiết. Phụ kiện theo người thì mũ bảo hiểm, đèn và giày là không thể thiếu, mũ bảo hiểm để an toàn nếu xảy ra tình huống nguy hiểm còn giày để tránh tình trạng trơn trượt khi tăng tốc hoặc phanh gấp, đèn để chiếu sáng nếu cần di chuyển buổi tối.
Ngoài ra, các tay đua cũng phải tùy vào tình hình thời tiết và sở thích cá nhân có thể thêm kính, găng tay, áo chống nắng, áo mưa… nhưng tất cả đều theo tiêu chí gọn gàng, thoải mái. Cũng cần mang theo bộ săm, lốp dự phòng, bơm và bộ vá xe cùng bộ tool cho xe đạp để đề phòng những hỏng hóc bất thường.
Bên canh đó, để tránh tình trạng mất nước hoặc quá sức trên đường đi, nên trang bị thêm bình nước và đồ ăn nhẹ, nhưng lưu ý không dùng nước lọc mà chỉ nên dùng nước uống như Sport Drink để cung cấp đủ lượng muối khoáng mất đi, đồ ăn nhẹ nên ăn kẹo hoặc ngũ cốc, những món ăn cung cấp năng lượng tức thời.
Đạp xe đường dài là một môn thể thao khó, cần nhiều sức bền nhưng kết quả nó mang đến cho sức khỏe lại vô cùng vượt trội. Mong rằng những kỹ thuật đạp xe đường dài được chia sẻ trên đã giúp bạn có thêm kinh nghiệm để luyện tập bộ môn thể dục thể thao này. Chúc các bạn may mắn!
Kỳ tiếp theo: Hướng dẫn kỹ thuật đạp xe cơ bản cho người mới
Bài viết liên quan:
-Chơi xe đạp thể thao ngày càng phát triển
–Những kỹ thuật cơ bản cốt lõi khi đi xe đạp mà bạn cần biết
–Hành trang chuẩn bị khi đạp xe một mình
Xuân Hiền