Chuyên gia tạo mẫu tóc Mai Lan – Giám đốc điều hành Salon Mai Lan được biết đến như một nhà tạo mẫu thân thiết của rất nhiều nữ doanh nhân và người nổi tiếng tại Hà Nội. Gần 30 năm làm nghề, Mai Lan không chỉ đạt nhiều giải thưởng cấp Việt Nam, Quốc tế, là Giám khảo trong nhiều cuộc thi ngành Tóc chuyên nghiệp, khách mời quen thuộc trong chương trình Café Sáng của VTV3, mà từng ngày từng ngày, chuyên gia tạo mẫu tóc Mai Lan như con ong chăm chỉ đưa salon và công việc của mình đến sự chuyên nghiệp toàn diện bằng sự học hỏi, sáng tạo không ngừng nghỉ.
Tin vào năng lực bản thân
“Tôi là người rất tin vào may mắn và tôi phát hiện ra tôi càng làm việc, tôi càng có nhiều may mắn” – đó là một câu nói mà NTM Mai Lan rất thích và “ghim trong lòng” từ thuở mới bước chân vào nghề. Năm 1994, khi bắt đầu học nghề tóc tại nhà ông Lân, một thợ cắt tóc nổi tiếng thời đó ở phố Tràng Thi, Mai Lan đã tự thấy mình có chút khả năng bắt chước nên “học lỏm” khá nhanh. “Lúc bấy giờ người ta dạy cắt tóc bằng dao lam. Tôi cũng bạo tay và bắt chước cũng tốt, cho nên không có cảm giác sợ. Cứ cắt là cắt thôi. Vả lại thời ấy chưa có chuẩn về tóc đẹp. Miễn làm sao trông mái tóc không bị “vấp” là được”. Nhưng rồi dần dần, cùng với thời gian, cái kỹ thuật cắt tóc học từ ông Lân không còn phù hợp nữa. Mai Lan tính đến chuyện ra nước ngoài học hỏi, tiếp cận với công nghệ tóc tiên tiến trên thế giới.
Nghĩ là làm. Năm 2005, chị sang Singapore, học nghề tóc ở Học viện Toni&Guy Singapore. Trong 2 năm tiếp theo, cứ mỗi năm chị lại sang học một khóa đào tạo về tóc. Rồi đến khi trào lưu tóc ngắn phát triển, Mai Lan khăn gói “đi theo” trường phái Vidal Sassoon ở Thượng Hải (Trung Quốc). “Thời gian đầu đi học, rào cản lớn nhất đối với em là ngôn ngữ. Tiếp đó là kỹ thuật. Ở Singapore hay ở Thượng Hải, chúng em đều phải học 100% bằng tiếng Anh. Mặc dù có phiên dịch nhưng nhiều khi phiên dịch không diễn tả được đúng ý của giảng viên.
Còn nhớ có một khóa học ngắn hạn, học đến ngày thứ tư Mai Lan không thể tiếp thu được nữa. Đầu óc “đơ” luôn. Không lẽ chịu bỏ cuộc?! Và chị không chịu đầu hàng như thế, khi về nhà chị ngồi nhớ lại tất cả những gì mình đã học và quyết tâm làm lại từ đầu.
Chị quyết định mua một loạt “đầu canh” (mannequin) về lọ mọ tập cắt, vừa cắt vừa ôn lại kỹ thuật thầy đã dạy. Tốn khoảng 10 “đầu canh” chị mới hiểu được kỹ thuật của họ là như thế nào. Cũng nhờ đó mà kỹ thuật cơ bản mới hoàn thiện để năm 2014, Mai Lan sang London – Anh quốc để học tiếp một khóa đào tạo về tóc và thay đổi hẳn phong cách thiết kế. Những điều “may mắn” trong nghề đến với Mai Lan một cách tự nhiên như vậy đã khiến chị gặt hái nhiều thành quả lớn lao đến mức người ngoài cuộc phải ghi nhận là vĩ đại và cao cả. Không phải ai cũng hiểu điều cao cả, vĩ đại nằm ngay trong những việc nhỏ nhặt hàng ngày.
Vươn tới chuyên nghiệp
Trong nghề làm đẹp, thay đổi để đáp ứng xu thế phát triển tất yếu của thị trường tóc là điều mà các nhà tạo mẫu luôn đau đáu “vận” cho bản thân mình. Mai Lan cho hay: “Cùng với thời gian, xu hướng thời trang tóc đều chuyển động và thay đổi. Cho nên mọi thứ từ kỹ thuật cắt, nhuộm, phong cách phục vụ cho đến nội thất salon cũng phải thay đổi theo, mình không theo kịp là coi như mình đã từng bước thất bại”. Là người làm đẹp cho mọi người, khách hàng của chị chắc phải đến cả nghìn, trăm nghìn người, quan điểm về cái đẹp của chị thoạt nghe tưởng chừng rất đơn giản: “Cái đẹp của người phụ nữ là sự phù hợp của vẻ đẹp bên trong đến bên ngoài”, nhưng để phân tách sâu xa được hết ý thì nó là cả quá trình dài lâu. Bởi bản thân cái đẹp đã là sự tổng hoà giữa nhan sắc và trí tuệ, và với cá nhân mỗi người, để vươn đến được điều đó là một nỗ lực không ngừng nghỉ. Để hướng đến một vẻ đẹp hoàn hảo thì thần thái, sự tự tin của người phụ nữ là yếu tố tiên quyết. Và cũng với tư duy đó, nên trên mỗi mái tóc, Mai Lan coi như mình đang hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật, đem lại vẻ đẹp đầy tự tin cho khách hàng. Điều kiện hấp dẫn ở người phụ nữ đó là trí tuệ bao gồm nhiều khía cạnh, học thức, cách vận dụng trong cuộc sống và sử lý tình huống trong nhạy bén
Chị từng nói, cái tài của nhà tạo mẫu tóc là phải đưa được hơi hướng nghệ thuật vào trong việc làm nghề nhưng không quá xa rời thực tế, với các tác phẩm tóc của mình. Và trên mỗi mái tóc, Mai Lan cũng làm việc với tinh thần như vậy. Mái tóc cũng là một nghệ thuật sắp đặt, mái tóc trẻ đẹp là mái tóc có hình cũng như kiến trúc vậy. Xu hướng sẽ chuyển theo từng năm chính vì điều đó chúng ta luôn luôn được làm mới và không cũ đi. Hiện nay xu hướng cũng được chia rất rõ rệt với ứng dụng và sàn diễn. Những mái tóc ứng dụng không bị cường điệu hoá có thể xuất hiện trong mọi bối cảnh khi chúng ta thêm phụ kiện hoặc trang phục, nó là tiện ích và đa phong cách. Chị chọn cách phân cấp khách hàng theo lứa tuổi để có thể phục vụ tốt hơn. “Dòng khách hàng trẻ, từ 22 đến 28 tuổi, có thể chưa lập gia đình, thích xu hướng tóc thời trang. Trong khi đó, dòng khách hàng lớn tuổi hơn, là dân công sở, giáo viên, bác sĩ…thì lại ưa chuộng những kiểu tóc đời thường” – Mai Lan cho biết.
Từng ngày từng ngày chăm chút nâng niu, nâng cấp, cải thiện salon, phân loại dòng khách hàng, tất cả nhằm hiện thực hóa ước mơ của NTM Mai Lan là có một salon thật sự chuyên nghiệp. Ngoài ra, chị còn hé lộ một ước mơ khác: “Tôi mơ ước salon Mai Lan sẽ trở thành nơi giao lưu, chia sẻ kỹ thuật và định hướng cho các bạn trẻ để họ có kỹ thuật cơ bản, chính thống khi bước chân vào con đường nghệ thuật của tóc”.
Tất nhiên khi bạn đã là thợ thì không thể không nói đến tay nghề điêu luyện và những tháng năm rèn luyện. Nhưng để có sự đột phá và khác biệt thì buộc phải có sự sáng tạo. Và sáng tạo sẽ chính là chìa khoá cho sự thành công của bạn; không chỉ là sự khẳng định về tay nghề điêu luyện, mà nâng cấp kỹ năng để các tác phẩm trở nên thực sự khác biệt. Mỗi một người đến với Salon sẽ có một phong cách khác nhau, cấu trúc xương khác nhau, công việc khác nhau, và khách hàng bây giờ không chỉ mong muốn có một mái tóc gọn gàng mát mẻ mà còn mong chờ một sự khác biệt thời thượng phù hợp cho riêng mình. Vậy nên nếu như không có sự sáng tạo thì không thể thành công.
Xuất phát từ những quan điểm này, khi đào tạo học viên, Mai Lan luôn khai thác điểm mạnh, sở trường, sở đoản của mỗi người để từ đó hướng cho các bạn một sự tưởng tượng khi bắt tay vào công việc. Chị mong muốn các nhà tạo mẫu trẻ có cách nhìn đúng đắn và văn minh với ngành nghề, từ đó xây dựng cho mình con đường đi bền vững và chắn chắn, đầy đủ tố chất cũng như tư chất về nghành nghề.
Gia đình là “nơi về”
Một ngày làm việc tại salon của NTM Mai Lan bắt đầu từ 8h30 sáng và kết thúc lúc 7h30 hoặc 8 h tối. Những giai đoạn “vào vụ” (mùa cưới, dịp tết…) thì có hôm chị về tới nhà lúc 10h tối. Mai Lan cho biết salon chị có đội ngũ thợ rất chuyên nghiệp, đều tay ở các “mảng” cắt, hóa chất. Họ hỗ trợ cho Mai Lan rất nhiều trong công việc, tuy nhiên chị cũng phải “luôn chân, luôn tay” trong điều hành, quản lý salon, rồi thiết kế tóc cho khách hàng quen biết. Như con ong chăm chỉ, Mai Lan làm việc miệt mài, hầu như không ngơi nghỉ. Công việc thường ngày của chị dường như được lập trình chính xác, không vướng mắc, không sơ sót. Những việc nhỏ nhặt bình thường được thực hiện với thái độ nghiêm túc cao cả là vậy.
Buổi tối, khi về nhà, khác với nhiều phụ nữ thích việc bếp núc chăm con ăn uống, chị giành lấy việc chăm con học hành. Chị tâm sự: Mình không có nhiều thời gian rảnh rỗi nên không ôm hết việc được, mình thích dạy con học bài để qua đó truyền đạt dễ dàng điều hay lẽ phải của cuộc sống cho chúng. Xét về khả năng truyền đạt kiến thức mình sao bằng các thày cô giáo, nhưng dạy con nên người thì sự quan tâm chia sẻ của cha, mẹ là điều cực kỳ quan trọng. Mình không muốn giao phó con cái cho xã hội vì nó là tài sản quý giá nhất của đời mình. Ngẫm nghĩ thấy cái “triết lý” này cũng thật là… đàn bà. Mà người đó là Mai Lan thì cũng chắc là… đúng.
Thời gian dành cho gia đình tuy không nhiều, nhưng Mai Lan luôn biết cách sắp xếp và quan sát tốt ở các thành viên trong gia đình để đảm bảo gia đình là “nơi về” sau 1 ngày học tập và làm việc vất vả.