Vì sao người cách ly chỉ được về nhà khi có 2 lần âm tính với nCoV?
Các chuyên gia cho biết việc du học sinh chưa có kết quả xét nghiệm lần 2 với virus gây bệnh Covid-19 đã được ký giấy hết cách ly là nhầm lẫn nghiêm trọng.
Ngày 5/1, du học sinh 21 tuổi, ngụ tại Quảng Ninh, vừa được Bộ Y tế định danh là BN1498. Trước đó, người này đã rời khỏi khu cách ly tập trung sau 14 ngày nhưng chưa có kết quả xét nghiệm lần 2. Các chuyên gia nhận định điều này là sai quy định.
Phó giáo sư Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế; Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng, cho biết theo quy định của Bộ Y tế, người cách ly ở các khu tập trung phải làm 2 lần xét nghiệm có kết quả âm tính với virus gây bệnh Covid-19 mới đủ điều kiện cho ra khỏi khu cách ly.
Phong tỏa khách sạn của gia đình bệnh nhân cư trú tại phường Bãi Cháy, TP Hạ Long. Ảnh: Truyền hình Hạ Long.
Chuyên gia này lý giải đối với Covid-19, thời gian ủ bệnh được tính trung bình là 14 ngày. Trong thời gian này, người bệnh có thể dương tính và khả năng lây lan virus cho người tiếp xúc gần. Đó là lý do mà người nghi ngờ luôn được yêu cầu cách ly tập trung đủ 14 ngày kèm theo đó là có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày đầu tiên và kết thúc cách ly.
“Thời điểm làm xét nghiệm trước khi kết thúc cách ly là ngày thứ 13, 14. Lúc này, người cách ly mới đủ điều kiện được ra khỏi khu cách ly. Như vậy, dù đủ 14 ngày thậm chí là 15 ngày, cơ quan quản lý vẫn không được để người cách ly rời đi nếu không có kết quả xét nghiệm lần 2. Đó là quy định của Bộ Y tế”, ông Phu nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết với người có yếu tố dịch tễ đang trong thời gian cách ly, lần xét nghiệm thứ 2 rất quan trọng.
Theo chuyên gia này, ngày thứ 13, 14 là thời gian ủ bệnh tối đa nếu mắc Covid-19. Người cách ly phải có 2 lần xét nghiệm âm tính thì mới đủ căn cứ nhận định trong người không có virus.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết việc xét nghiệm cần kết quả chính xác và thường mất thời gian. Một số trường hợp phải chạy mẫu, làm đi làm lại nhiều lần. Do vậy, nhiều người đã cách ly 14 ngày nhưng phải giữ lại thêm thời gian để chờ kết quả xét nghiệm.
“Với trường hợp du học sinh này, điều may mắn là cơ quan y tế đã phát hiện kịp thời và cách ly bệnh nhân cùng các F1. Nếu chậm trễ, nguy cơ lây lan cho người khác và từ đó lan ra cộng đồng rất cao”, bác sĩ Khanh nhận định.
Theo bác sĩ này, những người làm nhiệm vụ quản lý khu cách ly đã để xảy ra nhầm lẫn nghiêm trọng. Ca bệnh này chính là bài học trong việc quản lý tại các cơ sở cách ly tập trung.