Thêm 4.792 bệnh nhân Covid-19, TP.HCM phải làm gì để đạt mục tiêu “kiểm soát dịch trước ngày 15/9”?
Để kiểm soát dịch trước 25/8 ở các địa phương và trước 15/9 ở TP.HCM như mục tiêu Chính phủ đề ra, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu giải pháp cho vaccine, Chỉ thị 16 và huy động lực lượng quân đội.
Cần có sự tham gia của nhiều ban ngành, đoàn thể, lực lượng tại điểm tiêm chủng
Theo bản tin sáng 11/8 của Bộ Y tế, tính từ 18h30 ngày 10/8 đến 6h hôm nay (11/8), Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 4.792 ca nhiễm trong nước.
Họ được phát hiện ở TP.HCM (2.128), Bình Dương (936), Long An (515), Đồng Nai (428), Tây Ninh (263), Tiền Giang (177), Bà Rịa – Vũng Tàu (102), Vĩnh Long (63), Khánh Hòa (41), Phú Yên (33), Bình Thuận (27), Sơn La (19), Đồng Tháp (15), Kiên Giang (12), Bình Định (10), Quảng Ngãi (9), Hà Tĩnh (7), Hà Nội (3), Nghệ An (2), Nam Định (1), Lạng Sơn (1).
Như vậy, tính đến sáng 11/8, Việt Nam có 230.560 ca nhiễm trong nước. Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 228.990, trong đó, 77.574 bệnh nhân đã được công bố khỏi Covid-19.
Trong ngày 10/8, Việt Nam có thêm 1.408.453 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số đã được tiêm là 11.341.864 liều. Trong đó tiêm 1 mũi là 10.305.762 liều, tiêm mũi 2 là 1.036.102 liều.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, tới đây, khi vaccine được chuyển về với số lượng lớn, tần suất nhiều, một số loại phải được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ âm sâu cần có kế hoạch chi tiết, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể. Đồng thời, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa y tế với quân đội, giữa trung ương với địa phương và các quân khu.
Trong tháng 8, dự kiến vaccine về khoảng 8,6 triệu liều, các hệ thống cần phải vận hành để tránh bị động.
“Chúng ta phải đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng theo nguyên tắc nhanh nhất, sớm nhất, an toàn nhất. Vừa qua, chúng ta cũng đã rà soát và điều chỉnh quy trình khám sàng lọc, đối tượng tiêm cũng như thời gian chờ đợi sau tiêm chủng để tạo thuận lợi cho người dân được tiêm chủng”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Theo Bộ trưởng Y tế, các điểm tiêm chủng cần có sự tham gia của nhiều ban ngành, đoàn thể, lực lượng đoàn thanh niên giúp tiếp đón, khai báo y tế và đăng ký trên phần mềm tiêm chủng. Nhân viên y tế sẽ tập trung nhiệm vụ chuyên môn như khám sàng lọc, thực hiện tiêm và theo dõi sau tiêm.
Huy động sự góp sức của lực lượng quân đội
Trong bối cảnh dịch phức tạp, khó lường và khó dự báo như hiện nay, Chính phủ nêu mục tiêu cụ thể TP.HCM phấn đấu kiểm soát dịch trước 15/9; Bình Dương, Long An, Đồng Nai trước 1/9; còn các địa phương khác kiểm soát dịch trước 25/8.
Theo PGS.TS Hoàng Văn Cường (đại biểu Quốc hội, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), đây là việc làm cần thiết, có hai ý nghĩa quan trọng.
Thứ nhất, đặt các cơ quan, bộ, ngành, địa phương vào trạng thái phải cố gắng, nỗ lực, quyết tâm cao nhất và lên kế hoạch, chương trình hành động để đến thời điểm đó kiểm soát được dịch. Việc có lộ trình và kế hoạch sẽ giúp Chính phủ và hệ thống phòng chống dịch có hành động cụ thể, logic với nhau để đạt mục tiêu đặt ra.
Hai là việc này giúp cho người dân, doanh nghiệp thấy rõ lộ trình để yên tâm, chủ động trong việc chuẩn bị những điều kiện sản xuất kinh doanh, tránh tình trạng bị động, hoang mang, không biết thời điểm nào có thể hoạt động.
Ở các vùng đang là trọng tâm của dịch hiện nay như TP.HCM hay các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, phải có lộ trình và kế hoạch cụ thể.
Kế hoạch này bắt đầu từ việc sàng lọc, khoanh vùng, cô lập được các điểm nóng của dịch bệnh, tách được những vùng có dịch với vùng xanh an toàn và bảo vệ vùng xanh, dần dần kiểm soát tình hình ở vùng dịch và mở rộng vùng xanh.
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm và quyết liệt giải pháp giãn cách xã hội. Việc này cần làm đồng bộ, hiệu quả, đặc biệt nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng, tổ dân phố và từng người dân trong việc bảo vệ vùng xanh, cụm dân cư, địa bàn của mình.
Để kiểm soát được dịch, y tế là giải pháp quyết định nên phải có hỗ trợ y tế hữu hiệu cho tất cả đối tượng ở vùng trọng điểm của dịch. Ví dụ, ở TP.HCM có 5 tầng điều trị thì hệ thống y tế cũng phải phủ kín 5 tầng ấy, đặc biệt là dưới cần có hệ thống y tế rộng, không cần bác sĩ giỏi, có chuyên môn cao nhưng cần có lực lượng y tế để hỗ trợ trực tiếp cho người dân.
Đội ngũ y tế cơ sở phải là nơi đầu tiên tiếp cận tất cả yêu cầu về hỗ trợ y tế, tư vấn, khám sàng lọc cho những người có nhu cầu ở tầng điều trị bên dưới, phát hiện ngay đối tượng nào cần hỗ trợ y tế tích cực để chuyển tuyến. Việc này sẽ giúp sàng lọc để thông tin đến với cơ quan hỗ trợ tích cực ở tầng trên không bị nhiễu. Như vậy, hỗ trợ y tế sẽ có hiệu quả hơn.
Giải pháp quan trọng khác chính là chiến lược vaccine, trước hết đẩy mạnh, ưu tiên ở những vùng đang là trọng tâm của dịch. Nếu đảm bảo được nguồn vaccine, tôi tin những địa bàn như TP.HCM, Bình Dương hay Hà Nội, chỉ trong vòng một tháng có thể tiêm phủ với tỷ lệ cần thiết.
Chúng ta cần mở rộng thêm luồng xanh bằng cách thành lập những lực lượng vận tải mang tính chất chuyên biệt. Tức là lực lượng vận tải thuộc luồng xanh đã được kiểm tra, xét nghiệm sẽ được quyền lưu thông giữa vùng có dịch với vùng không có dịch.
Họ phải được tổ chức, quản lý một cách riêng biệt để chỉ tiếp xúc với 2 đầu là nơi nhận hàng và nơi giao hàng, không tiếp xúc với bất kể bên thứ ba nào. Họ sẽ là lực lượng an toàn, chuyên tâm chỉ làm công tác vận tải, khi đó sẽ đảm bảo hàng hóa được lưu thông thông suốt.
Hiện nay, chúng ta đang huy động tốt sự góp sức của lực lượng quân đội và ta phải quản lý lực lượng vận tải chuyên biệt này với kỷ luật như trong quân đội.