Mới đây, cư dân mạng xôn xao về một youtuber chia sẻ cách kiếm tiền từ tinder. Từ đây dấy lên suy nghĩ về content rác truyền bá lối sống độc hại.
“Những lần mình kiếm tiền trên Tinder”, “Mình leo lên vị trí này từ đâu”, “Mình bịa CV để đi xin việc thế nào”, “Mình không sinh ra để đi làm!!! Bạn cũng thế”… là tiêu đề của các clip trên kênh YouTube @queen.kimmie.
Nội dung của kênh này đang bị chỉ trích nặng nề vì rao giảng lối sống độc hại, từ việc hẹn hò cho đến cách kiếm tiền, làm giàu.
Trong clip “Những lần mình kiếm tiền trên Tinder”, nữ YouTuber lần lượt chia sẻ nhiều cách để “bỏ túi” trong những lần đi hẹn hò, từ đồ ăn được cung cấp miễn phí, vài trăm nghìn tiền di chuyển taxi hay “thù lao” viết hộ profile, cho đến vài triệu đồng tiền “phạt” đối phương đến muộn.
Còn trong clip “Mình leo lên vị trí này từ đâu”, nữ YouTuber khẳng định: “Mình nhận ra tất cả những người không thích đi làm, những người có vấn đề với sếp, những người thường xuyên bị đuổi việc, thường xuyên nghỉ việc là vì bản thân những người đấy sinh ra là để làm chủ, làm sếp”.
“Mình thực sự cảm thấy bản thân là một người rất thông thái, thông minh, từ trên trời rơi xuống. Mình rất tự hào về bản thân vì có thể xoay xở qua khoảng thời gian vài năm như vậy”, người này nhấn mạnh.
“Không làm nhưng vẫn có ăn”, “Kiếm tiền trong khi ngủ”, “Làm giàu từ thu nhập thụ động” là lời chào mới phổ biến trên TikTok, YouTube và Reddit. Nếu tìm kiếm với những từ khóa này trên các nền tảng, bạn sẽ thấy rất nhiều influencer, KOL, TikToker tự nhận họ có thu nhập “khủng” hàng tháng dù không phải làm gì nhiều.
Về mặt lý thuyết, nó nghe có vẻ dễ dàng, hấp dẫn hơn một công việc ngày làm 8 tiếng truyền thống. Nhưng trên thực tế, các con số liệu có tồn tại hay chỉ được vẽ lên bởi những người thiếu cả kiến thức lẫn kinh nghiệm.
Thực tế, các chuyên gia “rởm” trên mạng xã hội chỉ khiến khán giả ảo tưởng từ lối sống cho đến các vấn đề xã hội. Ngoài ra, nhiều người chỉ đưa lời khuyên mơ hồ, thậm chí sai lệch vì thiếu kiến thức. Điều họ quan tâm nhất là dụ dỗ người xem để kiếm tiền từ các đối tượng khác.
Đối mặt với nạn “content bẩn” trên mạng xã hội như thế nào là phụ thuộc vào bản lĩnh của mỗi người. Chúng ta phải tỉnh táo trước những thông tin hoặc nội dung xàm xí trên mạng xã hội. Đừng nghĩ đơn giản đó chỉ là video vui, xem để giải trí. Bởi những thứ vô ích, không có giá trị nhân văn, không có tính giáo dục, sẽ khiến bạn vừa mất thời gian, giảm khả năng tư duy, hạn chế việc học hỏi. Đồng thời, những điều lệch lạc có thể từ từ “thấm” vào tiềm thức khiến bạn bị ảnh hưởng xấu như kiểu nước chảy đá mòn phá huỷ nhân sinh quan và lối sống tốt đẹp vốn có của bạn.
Và hãy nghĩ xem, sẽ thế nào nếu trẻ nhỏ lỡ tìm thấy video có nội dung không lành mạnh như vậy và bị tiêm nhiễm về một suy nghĩ lệch lạc vớ vẩn? Khi mà chưa có một quy luật chế tài nào rõ ràng để xử lý riết ráo hết tất cả các trường hợp truyền bá, chia sẻ nội dung độc hại, thì gánh nặng đặt trên vai gia đình là rất lớn.